Tạo môi trường pháp lý thông thoáng cho du lịch phát triển
Ngày 19/12, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tổ chức Hội nghị trực tiếp (tại Hà Nội) và trực tuyến đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TƯ về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và thi hành Luật Du lịch 2017.
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hồ Anh Phong và Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh đồng chủ trì hội nghị.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Hồ An Phong nhấn mạnh, Nghị quyết 08-NQ/TƯ của Bộ Chính trị ban hành ngày 16/1/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Luật Du lịch 2017 là chủ trương, định hướng phát triển quan trọng của Đảng và Nhà nước để phát triển du lịch xứng với tiềm năng, thế mạnh và đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Hội nghị là một bước trong quá trình đánh giá tổng thể việc thực hiện Nghị quyết 08 và thực thi Luật Du lịch. Bắt nguồn từ thực tiễn, tạo hành lang phát triển, kiến tạo để phát triển. Từ đó, tiếp tục đề ra chủ trương chính sách, quan điểm của Đảng về phát triển du lịch, để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Thứ trưởng Hồ An Phong cho biết, dự kiến trong nhiệm kỳ Quốc hội 2026- 2031 sẽ tiến hành sửa Luật Du lịch, tạo môi trường pháp lý thông thoáng cho du lịch phát triển.
Báo cáo việc thực hiện Nghị quyết 08 và thực thi Luật Du lịch 2017, Phó cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy cho biết, đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành nghị quyết riêng về phát triển du lịch, thể hiện quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước ta về định hướng chiến lược cho sự nghiệp phát triển du lịch Việt Nam.
Sau hơn 7 năm triển khai thực hiện, du lịch Việt Nam đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Lượng khách du lịch quốc tế liên tục tăng trưởng với tốc độ cao.
Sự tăng trưởng của ngành đã tác động lan tỏa đến nhiều ngành, lĩnh vực khác; tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu...
Bên cạnh những đóng góp tích cực của ngành du lịch, ông Thủy cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại. Hiện nay, nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương về nhiệm vụ phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn còn chưa đồng đều.
Theo ông Thủy, để tháo gỡ những khó khăn hạn chế trong phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cần có sự đột phá ưu tiên về quy trình, thủ tục xây dựng, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.
Tại hội nghị, cơ quan quản lý du lịch các địa phương, các doanh nghiệp du lịch đã thảo luận nhiều nội dung về thực hiện Nghị quyết 08, Luật Du lịch 2017 và đề xuất một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Ngành Du lịch đặt mục tiêu, đến năm 2025, ngành du lịch phục hồi hoàn toàn như trước đại dịch. Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên toàn cầu.
Phấn đấu đón 22- 23 triệu lượt khách quốc tế; 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8 - 9%/năm. Đóng góp trực tiếp từ 6 - 8% trong GDP. Nhu cầu buồng lưu trú: khoảng 1,1 triệu buồng. Tạo việc làm: 5,5 triệu việc làm, trong đó khoảng 1,8 triệu việc làm trực tiếp.
Đến năm 2030, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, tăng tỉ trọng đóng góp trong GDP, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh. Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng về cơ bản các yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững.