Khuyến sinh hóa giải già hóa dân số
V iệt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số thuộc hàng cao nhất thế giới. Theo các chuyên gia, già hóa nhanh trong khi nền kinh tế chưa phát triển để chuẩn bị nguồn lực đón nhận số người cao tuổi ngày càng tăng đang trở thành nỗi lo thực sự đối với cả thị trường lao động lẫn phúc lợi xã hội ở Việt Nam.
Thống kê cho thấy Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011. Theo dự đoán, năm 2036 Việt Nam sẽ trở thành xã hội già với tỉ lệ người cao tuổi (trên 60) đạt 18%; và là xã hội siêu già vào năm 2050 với khoảng 25% người cao tuổi. Đáng lưu ý, Việt Nam đang xuất hiện xu thế mức sinh xuống thấp, năm 2023 ước tính là 1,96 con/phụ nữ, thấp nhất trong lịch sử và dự báo tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo. Tốc độ gia tăng nhanh tỉ số giới tính khi sinh đã được khống chế, nhưng vẫn ở mức cao và chưa có dấu hiệu giảm, năm 2023 là 112 bé trai/100 bé gái.
Cùng với áp lực về nguồn nhân lực, già hóa dân số cũng tạo nên những áp lực về an sinh xã hội rất lớn. Dân số trong độ tuổi lao động suy giảm gây áp lực lên thị trường lao động và các quỹ phúc lợi của nhà nước. Ngoài chi phí lương hưu tăng lên, dân số già sẽ cần nhiều nhu cầu về y tế, điều này đòi hỏi phải đầu tư, nâng cấp trang thiết bị và cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe…
Phân tích từ các chuyên gia cho thấy, tuổi kết hôn tăng, tỉ lệ kết hôn giảm và xu hướng sinh con muộn hay thậm chí ngại sinh con đang là những yếu tố chính khiến Việt Nam có nguy cơ không đạt được mục tiêu duy trì mức sinh thay thế.
Đứng trước tốc độ già hóa dân số nhanh và nỗi lo Việt Nam sớm trở thành quốc gia dân số già, nhất là ở những vùng kinh tế xã hội trọng điểm, những nỗ lực khuyến sinh đã và đang được triển khai. Bộ Y tế đã đề xuất giải pháp nhằm điều chỉnh mức sinh phù hợp ở các vùng này. Trong các giải pháp nêu ra có thí điểm các biện pháp tăng trách nhiệm đóng góp cho xã hội, cộng đồng đối với những trường hợp cá nhân không muốn kết hôn hoặc kết hôn quá muộn…
Để tăng tính trách nhiệm, tự chủ, chủ động của mỗi cá nhân với xã hội, cộng đồng, sự phát triển của đất nước, Bộ Y tế xây dựng và trình cấp có thẩm quyền dự thảo từng bước thí điểm các biện pháp tăng trách nhiệm đóng góp xã hội, cộng đồng đối với những trường hợp không muốn kết hôn hoặc kết hôn quá muộn. Đồng thời, các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi hành vi, tập trung vào lợi ích của việc sinh đủ 2 con; các yếu tố bất lợi của việc kết hôn, sinh con quá muộn; ảnh hưởng của việc sinh ít con đối với phát triển kinh tế - xã hội, đối với gia đình và chăm sóc bố, mẹ khi về già...; vận động nam, nữ thanh niên không kết hôn, sinh con muộn, mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con và nuôi dạy con tốt.
Tại TPHCM, nơi có tỉ suất sinh đang ở mức rất thấp, nỗ lực giải quyết tình trạng trên là một trong những nội dung chính trong kế hoạch hoạt động công tác dân số năm 2024. Trong năm nay, thành phố đặt chỉ tiêu duy trì tổng tỉ suất sinh ở mức 1,36 con/phụ nữ. Để làm được điều đó, TPHCM thực hiện các chính sách dân số khuyến sinh với những cân nhắc thận trọng, tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực dân số, đặc biệt là xuất phát từ nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của người dân.
Nhìn rộng ra, sự chuyển đổi từ một xã hội trẻ thành một xã hội già có nhiều tác động sâu rộng, và cần bắt đầu chuẩn bị cho những thay đổi dân số này ngay từ bây giờ. Các giải pháp bao gồm tăng năng suất lao động kết hợp với các chính sách tạo việc làm bền vững; tăng tỷ lệ tham gia lao động, đặc biệt là đối với dân số cao tuổi, hỗ trợ phụ nữ duy trì tham gia thị trường lao động; đầu tư vào y tế và giáo dục.