Kinh tế

Sớm hoàn thiện khung pháp lý cho tín chỉ carbon rừng

Khanh Lê 20/12/2024 09:56

Việt Nam đang có lợi thế với trữ lượng rừng phong phú và đa dạng, tạo điều kiện thuận lợi cho chiến lược cắt giảm phát thải khí nhà kính, hiện thực hóa cam kết Net Zero thông qua việc xây dựng các dự án tín chỉ carbon. Tuy nhiên, nếu không sớm hoàn thiện khung pháp lý hoàn chỉnh sẽ tuột mất cơ hội.

anhtren(1).jpg
Việt Nam có nhiều lợi thế về tín chỉ carbon rừng. Ảnh: Khánh Thi.

Công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2023 của Bộ NNPTNT cho thấy, Việt Nam có diện tích rừng tự nhiên 10.129.751ha và rừng trồng 3.797.371ha, tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc 42,02%. Do vậy Việt Nam được coi là có tiềm năng lớn về nguồn cung ứng tín chỉ carbon rừng, trong đó các vùng Đông Bắc, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có tiềm năng lớn nhất.

Theo tính toán, tại Việt Nam, mỗi năm ngành lâm nghiệp phát thải 30 triệu tấn carbon, nếu tính số lượng hấp thụ được thì chúng ta đang phát thải âm 40 triệu tấn carbon. Trường hợp mỗi năm chúng ta tăng được hấp thụ carbon từ rừng thì có thể nâng cao được năng suất chất lượng rừng nghèo kiệt và rừng trồng, từ đó thu về 60 - 70 triệu tấn tín chỉ carbon/năm.

Bộ NNPTNT đang gấp rút hoàn thiện tiêu chuẩn về tín chỉ carbon rừng. Mục tiêu là xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh, tạo điều kiện thu hút đầu tư và vận hành hiệu quả thị trường tín chỉ carbon trong nước. Điều này không chỉ góp phần giảm phát thải mà còn mở ra cơ hội phát triển bền vững cho nền kinh tế lâm nghiệp Việt Nam.

Ông Trần Hiếu Minh - Trưởng phòng Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế (Bộ NNPTNT) cho biết, sau khi hoàn tất chuyển nhượng 10,3 triệu tín chỉ carbon, đến tháng 3/2024 Việt Nam nhận được tổng số tiền 51,5 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới (WB). Hiện nay, cả đối tác quốc tế và trong nước đều bày tỏ quan tâm đến chuyển nhượng tín chỉ carbon. Nếu không tận dụng kịp thời, chúng ta có thể bỏ lỡ cơ hội quan trọng, bởi tín chỉ carbon càng lâu sẽ giảm giá trị, ảnh hưởng đến mức giá khi giao dịch.

Đánh giá về cơ hội và thách thức trong việc mở rộng giao dịch tín chỉ carbon rừng, ông Hà Công Tuấn - nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết, giao dịch tín chỉ carbon rừng hiện nay bao gồm cả hợp tác quốc tế và cơ chế bán tín chỉ tự nguyện, chưa phải là thị trường bắt buộc. Hiện tại Việt Nam chưa có cơ chế vận hành chính thức cho thị trường tín chỉ carbon. Như vậy, Việt Nam nên cho phép triển khai thí điểm và xuất bán tín chỉ carbon ra thị trường quốc tế.

Cũng theo ông Tuấn, thực hiện phát triển xanh, giảm phát thải khí nhà kính không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm tự hào của mỗi người, đi đầu phải là các doanh nghiệp, người dân. Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được coi là một nhiệm vụ trọng yếu, góp phần thực hiện thành công cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế, hướng đến Net Zero vào năm 2050. Do đó, để tiến xa hơn, cần khắc phục điểm yếu về pháp lý, đồng bộ hóa các chính sách và đảm bảo lợi ích của người dân.

Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài nguyên môi trường Nguyễn Đình Thọ cũng cho rằng, chúng ta cần kết nối 2 thị trường carbon tự nguyện và tuân thủ. Thị trường carbon tuân thủ được tạo ra từ sự cam kết của các quốc gia trong công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Thị trường carbon tự nguyện là nơi việc phát hành, mua và bán tín chỉ carbon trên cơ sở tự nguyện giữa các tổ chức, công ty hoặc giữa các quốc gia. Trên thị trường tự nguyện, tín chỉ carbon có giá thấp. Vì vậy, kết nối giữa thị trường tuân thủ và tự nguyện hết sức quan trọng. Chưa kể, thời gian triển khai dự án carbon mất từ 12 - 18 tháng mới xong phần cơ sở, sau đó mất 3 năm để kiểm kê và mất 3 - 5 năm nữa mới có thể bán tín chỉ.

Về vấn đề này, ông Phạm Hồng Lượng - Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết, hiện Việt Nam đã có Luật Lâm nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường là những bộ luật khung để đưa ra các quy định về dịch vụ hấp thụ, lưu giữ carbon rừng. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải có các nghị định quy định chi tiết hơn như quy định quyền carbon là như thế nào, các tiêu chuẩn carbon áp dụng, các quy định về tổ chức chứng nhận hay là thẩm định kết quả giảm phát thải, quy trình đăng ký xây dựng dự án, tổ chức thực hiện dự án. “Quá trình đánh giá, giám sát để đạt được tín chỉ carbon cần phải được quy định chi tiết. Vì vậy, trong thời gian tới chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện, xây dựng nghị định quy định chi tiết dựa trên những kết quả thí điểm tại vùng Bắc Trung Bộ” - ông Lượng nói.

Khanh Lê