Giáo dục

Tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trường ngoài công lập

Thu Hương 20/12/2024 11:02

Tiến tới sự bình đẳng giữa các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) công lập và ngoài công lập, các chuyên gia đề xuất Nhà nước có thể đầu tư cho các trường ngoài công lập nếu trường đó có nhóm nghiên cứu mạnh, tham gia đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực theo yêu cầu sứ mệnh quốc gia.

bai chinh
Sinh viên Trường Đại học Hoa Sen học tập tại thư viện. Ảnh: NTCC.

Sau 5 năm thực hiện tự chủ ĐH từ 2019 đến nay, GS.TS Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Câu lạc bộ bảo đảm chất lượng giáo dục ĐH Việt Nam nhìn nhận, điều thay đổi quan trọng nhất trong tự chủ ĐH là định hướng các cơ sở giáo dục ĐH hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Tự chủ ĐH đã như luồng gió mới, tạo động lực, thúc đẩy giáo dục ĐH Việt Nam đổi mới rất mạnh mẽ, nhất là đổi mới cơ chế hoạt động và quản trị đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập nhưng cũng còn những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện. Trong đó, cần khẳng định, xác định rõ vai trò và vị trí của Hội đồng trường với Ban Giám hiệu. Đối với các trường công lập, Chủ tịch Hội đồng trường dễ đồng nhất với Bí thư Đảng ủy; trong khi đó với các trường ngoài công lập, Chủ tịch hội đồng quản trị mới là người giữ vai trò quyết định lớn nhất và quan trọng nhất.

Ông Đức cũng đề xuất về việc Nhà nước hoàn toàn có thể đầu tư cho các trường ngoài công lập nếu trường đó có nhóm nghiên cứu mạnh, tham gia đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực theo yêu cầu sứ mệnh quốc gia.

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, về chính sách và cơ chế quản lý, dù là ĐH công lập hay ngoài công lập đều đang theo hướng tập trung vào quản lý chất lượng kết hợp với kiểm tra, giám sát, gia tăng tự chủ, tự giải trình và tự chịu trách nhiệm xã hội. Trong đó đối với khối các cơ sở giáo dục ĐH công lập, cần ưu tiên tăng cường hỗ trợ nguồn lực đầu tư phát triển, trong khi đối với khối các cơ sở giáo dục ĐH ngoài công lập, cần ưu tiên tăng cường các chính sách tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện, khuyến khích phát triển và hội nhập với các ĐH tiên tiến.

Khẳng định quan điểm là ứng xử một cách công bằng giữa các trường công lập và ngoài công lập, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết khối trường ĐH ngoài công lập đang phát triển rất mạnh mẽ, đóng góp vào hoạt động của ngành về đào tạo chất lượng cao. Hệ thống các trường ngoài công lập, đặc biệt trường khối khoa học, công nghệ, được thành lập và đầu tư của các doanh nghiệp lớn có tiềm lực cơ sở vật chất tốt đã khẳng định được ưu thế của mình so với các trường công. Bày tỏ mong muốn các trường tiếp tục phát triển bền vững trong tương lai để sớm trở thành cơ sở giáo dục có ảnh hưởng quốc tế có thứ hạng lớn hơn để chia sẻ với hệ thống giáo dục công lập, Bộ trưởng cũng cho biết đang kiến nghị một số chính sách ưu tiên với khối ngoài công lập, kể cả với ĐH, phổ thông và giáo dục mầm non, trong đó chính sách quan trọng là ưu tiên về đất đai.

Trong dự thảo Luật Nhà giáo, lần đầu tiên có căn cứ pháp lý cho việc nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập được bình đẳng với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập về định danh, chuẩn nghề nghiệp, các quyền, nghĩa vụ cơ bản của nhà giáo và một số chính sách như đào tạo, bồi dưỡng, tôn vinh, khen thưởng, xử lý vi phạm. Cụ thể, đối tượng, phạm vi áp dụng của Luật Nhà giáo sẽ là nhà giáo trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm cả nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, Cao đẳng Việt Nam cho hay, với ưu thế tài chính độc lập, các trường ngoài công lập đều có sự tự chủ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, thu hút nhân lực chất lượng cao phục vụ cho hoạt động nghiên cứu và giảng dạy. Tuy nhiên, nhiều trường hiện vẫn còn gặp khó khăn trong đầu tư cơ sở vật chất, tuyển sinh…

“Các chính sách của Nhà nước, của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay đã trao quyền tự chủ cao hơn cho cả trường ĐH công lập và dân lập. Trong thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các căn cứ pháp lý tạo thuận lợi phát triển giáo dục ngoài công lập, đặc biệt đối với giáo dục hoạt động không vì lợi nhuận” – ông Khuyến nêu quan điểm.

Thu Hương