Xã hội

Những kỷ vật vô giá

ĐIỀN BẮC 22/12/2024 10:07

Những kỷ vật nhỏ bé, bình thường nhưng lại vô cùng lớn lao đối với thân nhân các gia đình liệt sỹ. Những kỷ vật này đã đồng hành cùng liệt sỹ trong sinh hoạt hàng ngày, thấm đẫm máu xương của các liệt sỹ, các cựu chiến binh, thương bệnh binh trong những năm tháng chiến đấu trên khắp các chiến trường. Với thân nhân liệt sỹ, các kỷ vật này là tài sản vô giá của gia đình.

4.jpg
Đại diện Cục chính trị Quân khu 4 và Đại sứ quán Hoa Kỳ trao kỷ vật là 2 cuốn nhật ký tới thân nhân liệt sỹ Nguyễn Quang Số (thứ 3 từ trái qua) và thân nhân liệt sỹ Hồ Văn Chương (thứ 4 từ phải qua).

Khi người cha lên đường nhập ngũ, hai anh em ông Hồ Văn Hùng (64 tuổi) và ông Hồ Văn Quang (61 tuổi) trú tại huyện Diễn Châu (Nghệ An) đang còn rất nhỏ, thậm chí ông Quang mới hơn 1 tháng tuổi. Bởi vậy, trong tâm trí của 2 ông, ký ức về người bố, liệt sĩ Hồ Văn Chương (SN 1939) là những câu chuyện kể của mẹ và tấm ảnh nhỏ đã nhòe mờ theo năm tháng. “Hình ảnh về người cha mà chúng tôi có được, đều qua lời mẹ kể. Bởi vậy, cuốn nhật ký của cha tôi được trao hôm nay có ý nghĩa tinh thần hết sức to lớn đối với bản thân và gia đình. Từ cuốn nhật ký này, tôi và người thân sẽ hiểu hơn những năm tháng người lính sống và chiến đấu trong chiến trường”, ông Quang chia sẻ.

Xúc động nhận lại cuốn nhật ký của cha mình, liệt sỹ Nguyễn Quang Số (SN 1944) quê quán xã Thanh Lam, huyện Thanh Chương (Nghệ An), hy sinh năm 1969, bà Nguyễn Thị Hoa – con gái liệt sỹ cho biết, gia đình thực sự rất biết ơn khi các cơ quan, tổ chức khi đã trao cho gia đình cuốn nhật ký của cha tôi. “Việc tìm hài cốt cha chưa có kết quả. Bởi vậy, khi nhận được cuốn nhật ký của liệt sỹ Nguyễn Quang Số, gia đình thắp lên hy vọng sẽ giải mã được các thông tin và sớm tìm được hài cốt liệt sỹ”, bà Hoa cho biết.

1.jpg
Ông Hồ Văn Hùng, con trai của liệt sỹ Hồ Văn Chương (Hy sinh 1969) nhận cuốn nhật ký của cha mình.

Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Lục (83 tuổi, trú thị trấn Thanh Chương), năm 1961, ông Số và bà Lục cưới nhau, khi đó cả hai người vừa tròn 20 tuổi. Sau khi nhập ngũ, ông Số được điều ra Vĩnh Phúc học ở trường quân sự, bà Lục theo ra, công tác trong một xí nghiệp gạch ngói để được gần chồng. Ngày 31/10/1967, người lính Nguyễn Quang Số được lệnh vào Nam chiến đấu. Đó là lần cuối cùng bà Lục được gặp chồng mình. Người vợ trẻ chỉ biết chồng đi đánh Mỹ, nhưng làm gì, ở đâu thì không rõ. Năm 1971, bà nhận giấy báo tử của chồng, ghi đơn vị NB, cấp bậc trung đội trưởng, hy sinh ở mặt trận phía Nam.

Trang nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Quang Số có tựa đề "Ra đi", anh lính viết: Nguyễn Quang Số - quản lý, thuộc Đội 12, D253. Các trang nhật ký được viết trong khoảng thời gian từ ngày 30/12/1967 đến ngày 7/10/1968, người lính Nguyễn Quang Số nhắc tới nhiều địa danh, đơn vị, trong đó các địa danh thuộc tỉnh Tây Ninh được nhắc tới nhiều nhất. Cụ thể, một trang trong cuốn nhật ký đề ngày 26/5/1968 viết "Trận chiến đấu vừa qua đơn vị chúng tôi được lệnh đánh vào Trảng Lớn - Tây Ninh, nằm ngay cạnh núi Bà Đen và thị xã. Nơi đây, Sư đoàn 25 Tia chớp nhiệt đới của Hoa Kỳ đã bị đơn vị chúng tôi nhấn chìm trong lửa hỏa lực của B40 và tiếng nổ dữ dội của thủ pháo, bộc phá... Tại Tây Ninh, Mỹ chưa bao giờ thua đau như vậy". Ở một trang khác viết: "... phân đội 1 chiến đấu ở thành Nguyễn Huệ. Tin đầu tiên đồng chí Tống Văn Cánh bị bắt. Theo cơ sở cho biết, đồng chí Cánh rất hiên ngang trước quân thù. Một tên lính Ngụy hỏi "Mày có sợ chúng tao không?", thì đồng chí Cánh trả lời "Tao đã đánh Mỹ thì tao không sợ".

3.jpg
Một trong những trang nhật ký của liệt sỹ Nguyễn Quang Số (SN 1944) quê quán xã Thanh Lam, huyện Thanh Chương (Nghệ An) viết cho người vợ của mình.

Hay như, trang viết đề ngày 1/10/1968, người lính Nguyễn Quang Số viết: "Buồn thương, đau xót và căm hờn. Đêm 26/9 đã để lại cho đơn vị chúng tôi biết bao đau xót và căm hờn. Đêm 26/9, đánh cứ điểm biệt kích Thiện Ngôn... 25 đồng chí đã yên nghỉ tại cứ điểm. 25 đồng chí đã quên mình vì Tổ quốc!... Thương tiếc và căm thù. Thù này phải trả!".

Vừa qua Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ (Ban chỉ đạo 515) tổ chức Lễ bàn giao kỷ vật trong chiến tranh do phía Hoa Kỳ cung cấp tới thân nhân liệt sỹ. Theo Đại tá Nguyễn Kỳ Hồng, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, việc tìm kiếm và trao kỷ vật kháng chiến tới người thân, gia đình các liệt sỹ là tình cảm, trách nhiệm thiêng liêng của lực lượng làm công tác chính sách đối với đồng đội, với thân nhân liệt sỹ. “Các kỷ vật được trao tặng sẽ là những dữ liệu quan trọng, hỗ trợ công tác tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sỹ”, Đại tá Hồng cho biết thêm.

ĐIỀN BẮC