Văn hóa

100 năm Ngày sinh nhà văn Nguyễn Đình Thi: Dấu ấn một nghệ sĩ tài hoa, một nhà văn hóa lớn

Hà Thư 23/12/2024 09:37

Nhà văn Nguyễn Đình Thi là một tên tuổi lớn của nền văn học Việt Nam. Ông không chỉ viết văn, mà còn làm thơ, viết kịch, sáng tác âm nhạc... Ca khúc “Người Hà Nội” hay vở kịch “Rừng trúc” khẳng định tài hoa của Nguyễn Đình Thi, ít ai có thể so sánh. Năm nay, kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà văn Nguyễn Đình Thi (20/12/1924 - 20/12/2024), nhiều ý kiến tiếp tục khẳng định những đóng góp của ông trong nền văn học - nghệ thuật của Việt Nam.

anh chinh
Một số tác phẩm của nhà văn Nguyễn Đình Thi.

Mới đây, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà văn Nguyễn Đình Thi như một cách để nhìn lại con người Nguyễn Đình Thi, sự nghiệp Nguyễn Đình Thi bằng con mắt của các thế hệ trí thức, nhà văn và bạn đọc trong thế kỷ 21.

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Nguyễn Đình Thi là một nhân vật đặc biệt trong đời sống văn học nghệ thuật Việt Nam, ông mang tới những giá trị đa tầng của văn xuôi, mở ra tư duy mới về thơ ca, mang tới độ sâu tư tưởng trong sân khấu và đóng góp thêm những vẻ đẹp cho âm nhạc hiện đại Việt Nam. Có thể nói, những tác phẩm triết học từ rất sớm của ông đã đặt một nền tảng cơ bản về triết học trong sáng tác văn học nghệ thuật. Đây là một điều vô cùng quan trọng, thậm chí mang tính sống còn đối với bất kỳ nền văn học nghệ thuật nào muốn phát triển và tạo ra những giá trị có tầm vóc. Bởi thế, những tác phẩm văn xuôi, thơ ca, sân khấu và âm nhạc của ông có một sức sống lâu dài, bởi ngoài những cảm xúc của thời đại ông sống, ngoài những giấc mơ đẹp đẽ ông mang trong những trang viết của mình, triết học đã giúp ông làm nên tư tưởng các tác phẩm của ông, làm nên sức sống lâu dài của các tác phẩm đó trong nhiều thời đại khác nhau. Hàng chục năm nay, các công trình nghiên cứu về văn xuôi, thơ ca, sân khấu, âm nhạc của Nguyễn Đình Thi vẫn được tiếp tục. Mỗi công trình nghiên cứu về ông đều mở ra những chiều kích mới và khám phá những giá trị mới đối với những tác phẩm của ông.

Còn nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định: “Nguyễn Đình Thi là một nghệ sĩ đa tài, hiếm có, càng hiếm có hơn là ở tất cả các binh chủng nghệ thuật anh đều có những tác phẩm đỉnh cao, vươn tới tầm thời đại, có sức sống vượt thời gian. Nguyễn Đình Thi thật sự xứng đáng là một nhà văn hóa lớn trong thời đại Hồ Chí Minh”. Vừa là một nghệ sĩ, vừa là một nhà cách mạng, Nguyễn Đình Thi có những năm tháng sống thiết tha, mãnh liệt, hòa nhịp với những chặng đường đi của dân tộc trong một giai đoạn lịch sử sôi nổi, hào hùng.

Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, bằng tư duy sắc sảo, phong cách đặc sắc, khả năng nhìn nhận khoáng đạt mà sâu sắc, Nguyễn Đình Thi đã góp phần vào việc định hình và phát triển tư tưởng lý luận văn nghệ cách mạng Việt Nam ở những giai đoạn quan trọng. Chính những định hướng này đã giúp nền văn nghệ cách mạng Việt Nam phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu to lớn.

Trước đó, tại Hội thảo khoa học toàn quốc “Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay”, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương khẳng định: Nguyễn Đình Thi là một trong những tên tuổi hàng đầu của nền văn hóa, văn nghệ Việt Nam hiện đại, nổi trội ở sự thông tuệ, đa tài, xuất sắc, đặc sắc ở nhiều lĩnh vực cả sáng tạo văn hóa và lãnh đạo văn hóa. Theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, ở thể loại thơ, những tác phẩm bất hủ của ông như “Đất nước”, “Nhớ”, “Lá đỏ”... là minh chứng sinh động cho tình yêu thương, gắn bó tha thiết với đất nước, con người Việt Nam “vất vả, đau thương tươi thắm vô ngần”, “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”... Đó là cá tính sáng tạo mạnh mẽ, bản lĩnh tiên phong, trăn trở tìm tòi hướng đi mới trong thơ Việt Nam hiện đại, nhất là thể thơ tự do, phóng khoáng. Trong lĩnh vực âm nhạc, dù “dừng chân” không lâu và chỉ có 6 ca khúc trong sự nghiệp sáng tác: “Căm hờn”, “Diệt phát xít”, “Du kích quân” (1945), “Người Hà Nội” (1947), “Con voi” (1948), “Đất nước yêu thương” (1977) nhưng Nguyễn Đình Thi vẫn để lại dấu ấn đậm nét về sáng tạo nghệ thuật, về tâm hồn đẹp đẽ, nhân văn của người nghệ sĩ - chiến sĩ. Ông đã hoàn thành xuất sắc vai trò tạo sự kết nối giữa nghệ thuật với cách mạng trong bối cảnh đất nước đang chuyển mình, cách mạng đang sục sôi. “Nguyễn Đình Thi đã để lại một di sản văn hóa đồ sộ với những tác phẩm có giá trị nhiều mặt, sống mãi với thời gian. Thành công trong các sáng tác của ông nổi rõ ở tính tư tưởng, tính nhân văn, nghệ thuật đặc sắc, bút pháp phóng khoáng mà nhuần nhị; ở đó, hòa quyện lòng yêu nước với lý tưởng cách mạng, tính dân tộc và tính hiện đại, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, nhất là văn hóa Pháp, Nga, châu Âu, khát vọng tự do và bản chất nhân hậu, đằm thắm rất Việt Nam” - PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nhận định.

Nhà văn Nguyễn Đình Thi sinh ngày 20/12/1924 ở Luang Prabang (Lào), nguyên quán làng Vũ Thạch, nay là phố Bà Triệu, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Năm 1931, ông cùng gia đình về quê hương. Nguyễn Đình Thi tham gia hoạt động cách mạng từ khi còn rất trẻ. Những năm 1940 ông tham gia Tổ Văn hóa cứu quốc, sau đó là Hội Văn hóa cứu quốc. Năm 1945, ông tham dự Quốc dân Đại hội Tân Trào, được bầu làm đại biểu Quốc hội Việt Nam các khóa I, II, III. Sau Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Đình Thi làm Tổng thư ký Hội Văn hóa cứu quốc. Sau năm 1954 ông tham gia công tác quản lý văn học nghệ thuật. Từ năm 1958 đến năm 1989, ông là Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam. Từ năm 1995, ông là Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Nhìn nhận quá trình sáng tạo, cống hiến của Nguyễn Đình Thi trên các phương diện sáng tác, lý luận, phê bình, các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình cho rằng, ông không chỉ là một nghệ sĩ tài năng, còn là một nhà văn hóa, văn nghệ lớn. Trong hơn 50 năm sáng tác, Nguyễn Đình Thi đã để lại một sự nghiệp đồ sộ ở các thể loại thơ, văn xuôi, tiểu thuyết, kịch, âm nhạc, lý luận, phê bình... và một phong cách nghệ thuật đa dạng. Các tác phẩm của Nguyễn Đình Thi góp phần phát triển nền văn học Việt Nam, đặc biệt trong những năm tháng chiến tranh đầy thử thách và giai đoạn đổi mới, hội nhập quốc tế sau này. Những thành tựu của Nguyễn Đình Thi đã ghi dấu ấn đậm nét trong lòng người dân Việt Nam, khiến ông trở thành một trong những nghệ sĩ đáng kính và tài ba nhất trong lịch sử văn học, nghệ thuật của đất nước.

Với những cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp vẻ vang của Đảng, của nhân dân ta trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Nguyễn Đình Thi đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý: Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng nhất, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng; Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 (1996) về văn học nghệ thuật.

box bai moi

Nhằm tôn vinh những đóng góp của nhà thơ Nguyễn Đình Thi cho nền Văn học nghệ thuật Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành bộ tem bưu chính "Kỷ niệm 100 năm sinh nhà thơ Nguyễn Đình Thi (1924-2003)". Bộ tem do họa sĩ Nguyễn Du (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) thiết kế theo phong cách đồ họa. Trung tâm mẫu tem khắc họa chân dung nhà thơ Nguyễn Đình Thi trên nền màu vàng ấm, bên cạnh là những tác phẩm tiêu biểu của ông như bài hát "Người Hà Nội"; Kịch "Hòn Cuội"; tiểu luận "Công việc của người viết tiểu thuyết"; Truyện, văn xuôi "Xung kích", "Vỡ bờ"...

Hà Thư