Hồi sinh 'Thiên hạ đệ nhất hùng quan'
Nhận thức rõ giá trị của di tích Hải Vân Quan, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng đánh giá nơi đây có thể trở thành "mỏ vàng" nếu được quản lý, khai thác một cách khoa học, hiệu quả. Vì vậy, hai địa phương đã thực hiện "cái bắt tay lịch sử" để hồi sinh di tích quan trọng này.
Hải Vân Quan nằm trên địa phận thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) và phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) chứng nhân nhiều trận chiến khốc liệt trong công cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước. Đồng thời, di tích này cũng chịu tác động nặng nề từ điều kiện khí hậu mưa nhiều, nắng gắt vô cùng khắc nghiệt, dẫn đến tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.
Bà Nguyễn Thị Anh Thi - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, từ lâu, Hải Vân Quan đã được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” với vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ cũng như vị trí chiến lược quân sự quan trọng. Giá trị của di tích Hải Vân Quan đã được chính quyền thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế nhìn nhận, đánh giá là một tài nguyên du lịch độc đáo, có tính liên kết vùng, sẽ đem lại nguồn thu lớn nếu được quản lý và khai thác một cách bài bản.
“Chính vì vậy, hai địa phương đã cùng thực hiện một "cái bắt tay lịch sử" để hồi sinh di tích, thông qua việc xếp hạng và triển khai dự án trùng tu, bảo tồn Hải Vân Quan” - bà Thi nói.
Khởi công từ ngày 19/12/2021, đến nay sau 3 năm triển khai Dự án “Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích quốc gia Hải Vân quan” với tổng mức đầu tư hơn 42 tỷ đồng; trong đó, mỗi địa phương đóng góp 50% từ nguồn ngân sách đã được hoàn thành.
“Công trình này là tài sản chung vô giá, là biểu tượng của quan hệ đoàn kết, hợp tác tốt đẹp giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng. Đồng thời, đây cũng là công trình văn hóa - lịch sử quan trọng nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan; góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, thể hiện tấm lòng của hậu thế đối với các bậc tiền nhân có công trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước” - bà Thi nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, thời gian tới, 2 địa phương sẽ có kế hoạch, đề án quản lý, bảo vệ và phát huy di tích này, gắn kết với các di tích lịch sử, văn hóa của triều Nguyễn, để tạo nên một tuyến tham quan ý nghĩa, một địa chỉ văn hóa - lịch sử hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước; để du lịch đèo Hải Vân thực sự có đóng góp tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế, là điểm dừng chân không thể thiếu trên “Con đường di sản miền Trung”.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, dự án “Bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan” thể hiện tinh thần đồng hành, quyết tâm bảo tồn di sản của hai địa phương, nhằm tiếp tục bảo vệ, phát huy giá trị di tích với kỳ vọng di sản này trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế.
Theo ông Bình, thực hiện dự án này, hai địa phương đã tạo lập một hình mẫu tiêu biểu về công tác khôi phục bảo tồn di sản. Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai các hoạt động phục vụ, thu hút du khách như thí điểm nền tảng check-in và ghi nhận sự hiện diện của khách du lịch tại di tích Hải Vân Quan.
Hai địa phương còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông minh, chuyển đổi số; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ công tác phát huy giá trị di tích quốc gia Hải Vân Quan, như triển khai ứng dụng công nghệ (3D), phủ sóng Wifi miễn phí tại điểm tham quan nhằm hỗ trợ du khách tìm hiểu thêm các giá trị di sản;…
“Hy vọng rằng, trong thời gian không xa, Hải Vân Quan sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn, đầy hứa hẹn, là niềm tự hào của người dân hai xứ Thuận - Quảng xưa hay Huế - Đà Nẵng ngày nay” - ông Bình chia sẻ.