Kinh tế

Hướng đến chăn nuôi an toàn, bền vững

Lê Bảo 23/12/2024 15:51

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), năm 2024, mặc dù ngành chăn nuôi đã nỗ lực phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi, nhưng nguy cơ dịch bệnh trong chăn nuôi vẫn gia tăng, phức tạp. Do đó, trong năm 2025, phải tiếp tục theo dõi, cập nhật báo cáo tình hình dịch bệnh, nhất là các bệnh nguy hiểm.

tren.jpg
Tiêm vaccine phòng bệnh là yếu tố quan trọng đảm bảo chăn nuôi an toàn. Ảnh: Chu Khôi.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp

Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết, trong năm 2024, ngành thú y tiếp tục kiểm soát tốt các loại dịch bệnh gia súc, gia cầm trên phạm vi cả nước, tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, một số loại dịch bệnh nguy hiểm tăng so với năm 2023 (dịch tả lợn châu Phi có số ổ dịch tăng gần 79%; lở mồm long móng có số ổ dịch tăng hơn 2 lần; viêm da nổi cục có số ổ dịch tăng hơn 26%...). Riêng đối với dịch tả lợn châu Phi, từ đầu năm đến hết ngày 15/12, cả nước xảy ra 1.575 ổ dịch, số lợn chết và tiêu hủy là 89.341 con. Hiện nay, cả nước có 71 ổ dịch tại 44 huyện của 18 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. So với cùng kỳ năm trước, số ổ dịch tăng 78,97%, số lợn bị phải tiêu hủy tăng 2,13 lần.

Theo ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y, nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát và lây lan trong thời gian tới rất cao. Mặc dù đã có vaccine dịch tả lợn châu Phi phòng bệnh cho lợn thịt, nhưng việc quan tâm, sử dụng vaccine còn hạn chế. Trong khi đó, một số địa phương cấp huyện, xã nhận thức chưa đúng tính chất nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi. Việc tổ chức chống dịch, xử lý, tiêu hủy lợn bệnh gặp rất nhiều khó khăn do không có đủ lực lượng thú y, thiếu kinh phí mua hóa chất, vôi bột, thuê phương tiện, không có đủ kinh phí cho người tham gia xử lý lợn bệnh.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, vấn đề quan trọng đối với ngành thú y là xây dựng vùng sản xuất an toàn dịch bệnh. Do đó, cần phải tiếp tục theo dõi, cập nhật báo cáo tình hình dịch bệnh trên cả nước, nhất là các bệnh nguy hiểm. Cùng với đó, đôn đốc, giám sát, tổ chức triển khai thực hiện 5 Chương trình, Kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh động vật và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật theo quy định.

Với thuốc và vaccine, ông Tiến lưu ý cần tăng số lượng các đơn vị có chức năng, tập trung phối hợp với các cơ quan chức năng, từ đó đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm không để chậm trễ. Thứ trưởng Bộ NNPTNT cũng yêu cầu tiếp tục rà soát, chấn chỉnh công tác nhập khẩu, đặc biệt là nhập lậu sản phẩm chăn nuôi, cùng với đó đẩy mạnh mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại để tăng cường xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.

Thúc đẩy chăn nuôi bền vững

Các chuyên gia nhận định, để phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm lây lan, bùng phát thì việc áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học là hết sức cần thiết. Thực tế, sau hơn 4 năm thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 (theo Quyết định 1520/QĐ-TTg ngày 6/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ), ngành chăn nuôi đã và đang duy trì đà tăng trưởng ổn định. Đáng ghi nhận, ngành chăn nuôi không chỉ chuyển dịch từ quy mô nhỏ sang chăn nuôi tập trung, hàng hóa, quy mô lớn mà còn chuyển dịch theo khu vực địa lý đủ điều kiện an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.

Tuy nhiên, hiện nay, ngành chăn nuôi Việt Nam gặp khó khăn khi chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu quy mô chăn nuôi; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế, chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức; xử lý môi trường chăn nuôi còn bất cập.

Để khắc phục hạn chế trên, ngành đã dần chuyển hướng chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn, do đó số lượng cơ sở chăn nuôi nhỏ quy mô nông hộ nhỏ lẻ đã giảm từ 15 – 20%. Tỷ trọng sản xuất trong hộ chăn nuôi chuyên nghiệp, trang trại chiếm từ 60 – 65%.

Đầu tháng 8/2024, Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 106/2024/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi...

“Đến thời điểm này, có thể khẳng định, ngành chăn nuôi đã có một thể chế khá hoàn thiện, tương đồng, hội nhập khu vực và quốc tế với chiến lược, định hướng phát triển rõ ràng. Nguồn lực từ 5 đề án ưu tiên thực hiện chiến lược, từ Nghị định chính sách và tư liệu sản xuất là đất đai đã sẵn sàng là thời điểm và cơ hội vàng để chuyển đổi ngành theo hướng phát triển bền vững hơn” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Lê Bảo