Kinh tế

Thị trường thuốc lá chợ đen thách thức chính sách quản lý

Hoàng Bách 24/12/2024 16:44

Ngoài nguồn hàng hợp pháp được cung cấp và kiểm soát bởi Chính phủ, thuốc lá còn được lưu thông từ thị trường chợ đen với nhiều nguy hiểm về chất lượng và hệ lụy đi kèm.

Người dùng gián tiếp thúc đẩy hàng lậu

Theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP, người có hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và giao nhận thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng dưới 50 bao, sẽ bị phạt tiền đến 3 triệu đồng. Như vậy, ngoài đối tượng buôn bán, vận chuyển trái phép, người tiêu dùng mua 1 bao thuốc lá nhập lậu cũng thuộc diện bị xử phạt. Tuy nhiên, theo số liệu của Hiệp hội thuốc lá Việt Nam, thị trường chợ đen chiếm tới 13 - 15% sản lượng tiêu thụ thuốc lá và đây là một thách thức lớn đối với các chính sách đang và sẽ được đặt ra.

Theo các chuyên gia sức khoẻ, cai hoàn toàn thuốc là không dễ dàng, dù tác hại của thuốc lá đã quá rõ ràng. Ở Việt Nam hiện nay, tỉ lệ cai thuốc thành công vẫn rất thấp, chủ yếu là nhờ vào ý chí và thói quen của người hút thuốc, nên yếu tố giá thấp không phải là lý do chính để thúc đẩy sử dụng thuốc lá. Thực tế đến nay, ngoài nguồn hàng hợp pháp được cung cấp và kiểm soát bởi Chính phủ, thuốc lá còn được lưu thông từ thị trường chợ đen với nhiều nguy hiểm về chất lượng và hệ lụy đi kèm, kể cả việc tẩm ma túy trá hình vào cả thuốc lá điếu và thuốc lá điện tử (TLĐT).

Sản lượng và tiêu thụ thuốc lá điếu giai đoạn 2008-2023 tại Việt Nam. Ảnh: SKĐS.

Ngoài ra, một thực trạng khác là Việt Nam có đường biên giới dài với nhiều đường mòn lối mở, gây khó khăn trong công tác phòng chống buôn lậu thuốc lá. Vì vậy, mặc dù đã có quy định cấm và phạt nếu sử dụng thuốc lá nhập lậu, trong bối cảnh nguồn cung hợp pháp trong nước luôn đầy đủ và sẵn sàng, nhưng thực tế con số thị phần chợ đen trong nước đã chiếm gần 15%.

Do vậy, phương thức quản lý để ngăn ngừa người hút thuốc tìm đến thị trường chợ đen khi quy định cấm thuốc lá mới được thực thi là bài toán lớn đối với cơ quan chức năng, nhất là về mặt hài hoà giữa nhu cầu người dùng và mục tiêu giảm tỷ lệ tiêu thụ thuốc lá như kỳ vọng.

Hướng đi nào đối với các sản phẩm giảm tác hại?

Trong tất cả các khuyến nghị khoa học từ quốc tế, cai thuốc luôn là giải pháp ưu tiên. Song, hầu hết tỉ lệ người dùng cai thuốc thành công ở các nước đều rất thấp.

Một công bố của Cơ quan y tế Công cộng Anh (PHE), trực thuộc Chính phủ cho biết: 2/3 người hút thuốc muốn cai, nhưng phần lớn hiện chỉ đang sử dụng biện pháp kém hiệu quả nhất, đó là cố gắng tự cai mà không dùng biện pháp hỗ trợ.

Để thay đổi thực tế này, PHE cũng đồng thời công bố các biện pháp cai thuốc thành công cao hơn, như được bác sỹ tư vấn, hỗ trợ điều trị cai thuốc, sử dụng các sản phẩm nicotine thay thế như miếng dán, kẹo ngậm nicotine… và kể cả khuyến khích chuyển đổi sang các sản phẩm thuốc lá không đốt cháy, như: thuốc lá ngậm, TLNN.

Ông Riccardo Polosa, Giáo sư Khoa nội Đại học Catania (Ý), người sáng lập Trung tâm Xuất sắc về Chiến lược Giảm thiểu Tác hại (Centre of Excellence for the Acceleration of Harm Reduction – CoEHAR), chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực hô hấp từng chia sẻ: Nếu không thể thể cai thuốc, thì giữa những cái hại chúng ta nên chọn cái ít hại nhất, đồng thời đưa những sản phẩm đó vào kiểm soát chặt chẽ.

GS. Polosa cho biết, chính quyền hai thành phố San Francisco và California tại Mỹ từng tuyên bố sẽ trở thành một “thành phố không khói thuốc” khi cấm các loại thuốc lá sử dụng thiết bị điện tử. Song, trên thực tế tỉ lệ hút thuốc lá điếu tại hai nơi này đều gia tăng không thể kiểm soát.

Đặc biệt, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã tiến hành thẩm định khoa học, từ đó cho phép một sản phẩm thuốc lá làm nóng - không đốt cháy (heat-not-burn) được kinh doanh cùng với chỉ định Giảm thiểu phơi nhiễm với các chất có hại. FDA khẳng định việc công bố chỉ định nêu trên dựa trên bằng chứng cho thấy đây là sản phẩm phù hợp với mục tiêu bảo vệ sức khỏe của hơn 40 triệu người hút thuốc tại Mỹ. Dù vậy, FDA vẫn cảnh báo, các loại thuốc lá dùng thiết bị điện tử không phải hoàn toàn an toàn và vẫn cần thêm nghiên cứu để đánh giá tác động dài hạn.

Dù cho phép nhưng FDA vẫn cảnh báo, các loại thuốc lá dùng thiết bị điện tử không phải hoàn toàn an toàn và vẫn cần thêm nghiên cứu để đánh giá tác động dài hạn.

Hiện trên thế giới đang phân thành hai cực, một bên đặt mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng bằng cách cấm các sản phẩm thuốc lá không khói sử dụng thiết bị điện tử, trong khi vẫn cho phép kinh doanh thuốc lá điếu rộng rãi. Bên còn lại cho hợp pháp hóa các sản phẩm thuốc lá không khói này, đồng thời khuyến khích những người đang hút thuốc lá chuyển đổi dần như là một biện pháp giảm tác hại trước mắt, để tiến đến cai hoàn toàn thuốc lá.

Với hai hướng tiếp cận này, tỉ lệ cai thuốc lá điếu ở các quốc gia cũng có sự tương phản rõ nét. Nhật Bản, Mỹ, New Zealand, Thụy Điển và phần lớn các nước châu Âu hiện đang cho thấy tỉ lệ hút thuốc lá điếu giảm mạnh. Trong khi đó, các nước đang cấm như: Singapore, Thái Lan, Campuchia, Úc… lại đang chật vật chống buôn lậu đối với cả thuốc lá điếu và TLĐT, TLNN.

Chia sẻ trên Thanh Niên, chuyên gia y tế ThS,BS. Lê Đình Phương, Trưởng khoa Nội Tổng quát và Y học Gia đình, Bệnh viện Pháp Việt (FV) từng nhận định, “zero thuốc lá” cũng tương tự như “zero Covid” là điều khó khả thi.

Tại tọa đàm “Đề xuất chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới” được tổ chức hôm 24/9, TS. Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng Phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội cũng nhấn mạnh việc nên tham khảo chính sách quản lý từ số đông các quốc gia trên thế giới, vì đây chính là lợi thế người đi sau mà Việt Nam có thể tận dụng.

Hoàng Bách