Xuất khẩu nông sản 'thắng' đậm
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, lũy kế từ đầu năm đến 15/12/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt 24,3 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước (YoY). Tổng nhập khẩu hàng nông sản trong kỳ là 11,8 tỷ USD.
Trong đó, mặt hàng rau quả dẫn đầu kim ngạch. Kết quả này không chỉ phản ánh sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành nông nghiệp mà còn là minh chứng cho những nỗ lực áp dụng các tiêu chí sản xuất xanh và sạch.
Nắm bắt xu thế xanh, chiếm lĩnh thị trường
Mô hình liên kết sản xuất nông sản xanh là một trong những xu hướng phát triển nông nghiệp bền vững hiện nay, nhằm thúc đẩy sản xuất nông sản sạch, bảo vệ môi trường, và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Mô hình này không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của việc sản xuất nông sản đối với hệ sinh thái, mà còn nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất và người tiêu dùng.
Mô hình liên kết sản xuất nông sản xanh có thể được tổ chức theo các hình thức khác nhau, tùy thuộc vào mục tiêu, quy mô và điều kiện của từng địa phương. Mặc dù việc chuyển đổi từ sản xuất nông sản thông thường sang sản xuất nông sản hữu cơ yêu cầu đầu tư vào giống, công nghệ và phương pháp sản xuất mới nhưng mô hình này vẫn đang là lựa chọn hàng đầu của các thương hiệu nông sản muốn xây dựng chuỗi cung ứng bền vững .
Mỗi năm, nhờ đáp ứng tiêu chí xanh, Công ty chế biến nông sản Tân Hương (Hải Dương) đã duy trì tổng sản lượng trên dưới 20.000 tấn nông sản, trong đó 50% là cà rốt. Các sản phẩm của công ty hiện đã có mặt tại thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu. Chủ doanh nghiệp Tân Hương, ông Nguyễn Đức Mệnh, được vinh danh là Nông dân xuất sắc năm 2024, cho thấy sự ghi nhận đối với những doanh nghiệp tiên phong trong sản xuất bền vững.
Chủ doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Hữu cơ Hải Phòng đã cùng với hàng trăm hộ nông dân ký cam kết thực hiện sản xuất xanh. Theo bà Nguyễn Thị Bích, Giám đốc công ty, người tiêu dùng ngày càng thông thái, sản xuất xanh-sạch không còn là lựa chọn, mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc. Hộ nông dân nào không đáp ứng được tiêu chuẩn này sẽ tự loại mình khỏi cuộc chơi.
Hà Nội cũng đã đánh giá, xếp hạng hơn 2.700 sản phẩm OCOP, đồng thời yêu cầu tất cả cơ sở sản xuất và kinh doanh ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm gắn liền với tiêu chí xanh. Bước đi này được đánh giá là bước đi chiến lược để xây dựng nền nông nghiệp bền vững cho nông nghiệp Thủ đô.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông sản Việt Nga, tính đến 15/12/ 2024 đã 987 hộ sản xuất nông nghiệp ở khu vực Tây Bắc chủ động đăng ký tham gia chuỗi liên kết xanh (chuỗi liên kết bao gồm: nông dân - doanh nghiệp chế biến - hợp tác xã - tổ chức chứng nhận) do trung tâm này xây dựng trên nền tảng số.
Ứng dụng công nghệ, duy trì đà tăng trưởng
Nhiều con số ấn tượng về các nông dân xuất sắc năm nay được Hội Nông dân Việt Nam công bố như: Doanh thu cao nhất thuộc về bà Nguyễn Thị Biên (Thanh Hóa) với 150 tỷ đồng, ông Nguyễn Đức Mệnh (Hải Dương) 95 tỷ đồng; diện tích liên kết sản xuất lớn nhất là ông Nguyễn Thanh Tuấn (Kiên Giang) với 500 ha; lợi nhuận cao nhất là ông Nguyễn Minh Nhủ (Bến Tre) với 20,5 tỷ đồng.
Theo Tổng cục Hải quan, tính đến 15/12/2024, rau quả tiếp tục dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu, đạt 6,85 tỷ USD – mức cao nhất trong 11 năm qua. Bên cạnh đó, các mặt hàng như gạo (5,5 tỷ USD), cà phê (5,19 tỷ USD), và hạt điều (4,15 tỷ USD) đều tăng trưởng mạnh mẽ. Hạt tiêu, một mặt hàng từng gặp khó khăn, cũng đã phục hồi với kim ngạch 1,26 tỷ USD, tăng 45% so với năm trước.
Dù vậy, một số mặt hàng như sắn vẫn đối mặt khó khăn, với kim ngạch giảm 10,1% do phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc. Điều này nhấn mạnh sự cần thiết của việc đa dạng hóa thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm thông qua cải tiến quy trình sản xuất.
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn khẳng định: “Sản xuất xanh không chỉ là xu thế mà còn là điều kiện tiên quyết để duy trì và mở rộng vị thế của nông nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế. Trong bối cảnh toàn cầu đang chuyển đổi sang kinh tế xanh và tuần hoàn, nông dân – những chủ thể chính trong chuỗi cung ứng – cần đi đầu trong việc áp dụng các mô hình sản xuất thân thiện với môi trường”.
Việt Nam có lợi thế lớn về nông nghiệp, nhưng để khai thác hiệu quả cần thay đổi từ mô hình sản xuất nhỏ lẻ sang quy mô lớn, hiện đại, ứng dụng công nghệ và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế. Chỉ khi phát huy được điều này, nông sản Việt mới có thể đảm bảo chuỗi cung ứng bền vững và duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2025