Giáo dục

Năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ có 2 loại đề thi

Nguyễn Hoài 25/12/2024 17:12

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ có 2 loại đề thi theo 2 chương trình giáo dục phổ thông 2006 và 2018.

Năm 2025 là năm đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Theo đó, thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ thi 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc: Toán, Ngữ văn và 2 môn lựa chọn do thí sinh tự chọn trong các môn học lựa chọn ở lớp 12.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Lê Khánh.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Lê Khánh.

Kỳ thi sẽ được tổ chức thành 3 buổi thi, gồm: 1 buổi thi môn Ngữ Văn, 1 buổi thi môn Toán và 1 buổi tổ chức bài thi tự chọn. Các thí sinh dự thi sẽ được sắp xếp theo tổ hợp bài thi tự chọn để tối ưu phòng thi, điểm thi.

Như vậy, so với những năm trước, kỳ thi sẽ giảm 1 buổi thi, giảm 2 môn thi, qua đó giảm áp lực, giảm chi phí xã hội nhưng vẫn bảo đảm chất lượng kỳ thi.

Nhằm bảo đảm quyền lợi và thuận lợi cho thí sinh trong giai đoạn chuyển tiếp giữa hai chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và 2006, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ có 2 loại đề thi.

Theo quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 do Bộ GDĐT công bố ngày 24/12, các thí sinh đã hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông trước năm 2025 nhưng chưa tốt nghiệp THPT sẽ dự thi theo đề thi của chương trình Giáo dục phổ thông 2006. Còn các thí sinh đang học lớp 12 năm học 2024-2025 sẽ làm bài thi theo đề thi của chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Đối với các thí sinh đã có bằng tốt nghiệp THPT hoặc bằng trung cấp có nguyện vọng dự thi tốt nghiệp THPT năm 2025 làm cơ sở đăng ký xét tuyển sinh, được chọn dự thi theo 1 trong 2 đề thi.

Từ năm 2026, Bộ GDĐT tổ chức thi kỳ thi tốt nghiệp THPT với 1 loại đề thi duy nhất theo chương trình mới.

Dần chuyển đổi hình thức từ thi trên giấy sang trên máy tính

Theo quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 mà Bộ GDĐT vừa công bố, lần đầu tiên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT có thêm phương thức vận chuyển đề thi từ địa điểm hội đồng ra đề thi tới điểm in sao đề thi của 63 tỉnh thành qua hệ thống đường truyền mã hoá và bảo mật của Ban Cơ yếu Chính phủ.

Đây là một bước tiến quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ vào các khâu trọng yếu của quy trình tổ chức kỳ thi.

Theo Bộ GDĐT, phương thức vận chuyển đề thi mới này giúp chuyển đề thi gốc nhanh, kịp thời, giảm bớt được thời gian và nhân sự vận chuyển đề thi như phương pháp truyền thống đang áp dụng. Đồng thời, đây cũng là bước chuẩn bị từ sớm, từ xa và quan trọng trong việc thực hiện phương án thi theo lộ trình chuyển đổi hình thức từ thi trên giấy sang thi trên máy tính đã công bố.

Nguyễn Hoài