Công nghệ

Hoàn thiện khung pháp lý, ứng phó trước thách thức an ninh mạng của ‘kỷ nguyên 5G’

Hoàng Chiến 26/12/2024 17:32

Theo các chuyên gia, việc hoàn thiện khung pháp lý là rất cần thiết để ứng phó với những thách thức an ninh mạng khi Việt Nam bước vào ‘kỷ nguyên 5G’.

ac7dc231-3226-430e-bdfe-13603d5f621c(1).jpeg
Ảnh minh họa.

Việt Nam đang từng bước trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong khu vực Đông Nam Á về triển khai mạng 5G.

Như Báo Đại Đoàn Kết đã thông tin, không thể phủ nhận sự phát triển của 5G sẽ tạo ra những cơ hội và bước tiến vượt bậc trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia, việc 5G phát triển cũng là lúc nhiều thách thức an ninh mạng phải đối mặt như: Các cuộc tấn công mạng quy mô lớn làm gián đoạn dịch vụ quan trọng như viễn thông, tài chính, và y tế…, sự gia tăng của tội phạm mạng sử dụng công nghệ cao tấn công vào hệ tầng mạng lõi, hay nguy cơ vi phạm quyền riêng tư, lợi dụng mạng 5G để lan truyền nhanh chóng tin giả, bạo lực mạng…

Xây dựng tiêu chuẩn an ninh mạng

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, chuyên gia an ninh mạng Lê Phước Hoà, đồng sáng lập dự án Chống lừa đảo trên không gian mạng Việt Nam (Chongluadao.vn) cho biết, trước những nguy cơ về an ninh mạng khi 5G phát triển, Việt Nam cần áp dụng các chính sách bảo mật chặt chẽ, bắt buộc tuân thủ các tiêu chuẩn an ninh thông tin quốc tế như ISO 27001.

Thành lập trung tâm giám sát an ninh mạng 24/7 để phát hiện sớm và phản ứng nhanh với các mối đe dọa.

Bên cạnh đó, cần thiết xây dựng các chính sách và chế tài liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân như: Sớm ban hành Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân tương tự GDPR (quy định của luật EU về bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư cho tất cả các cá nhân trong Liên minh châu Âu và Khu vực kinh tế châu Âu); quy định rõ ràng về việc thu thập, lưu trữ, và xử lý dữ liệu người dùng.

Đồng thời, áp dụng hình phạt nghiêm khắc với các doanh nghiệp hoặc cá nhân vi phạm.

Lê Phước Hoà chuyên gia an ninh mạng
Chuyên gia an ninh mạng Lê Phước Hoà, đồng sáng lập dự án Chongluadao.vn.

Cần xây dựng các chính sách đẩy mạnh các chương trình đào tạo về an ninh mạng, nâng cao năng lực ứng phó cho các cơ quan Chính phủ và nhà mạng. Tạo môi trường cho các chuyên gia an ninh mạng trong nước phát triển, tránh tình trạng chảy máu chất xám.

Ngoài ra, các nhà mạng cũng cần đầu tư mạnh mẽ vào các giải pháp bảo mật từ kiến trúc mạng lõi 5G, sử dụng mã hóa dữ liệu đầu cuối, xác thực mạnh. Tiêu chuẩn bảo mật cho thiết bị IoT phải được quy định nghiêm ngặt.

Đảm bảo an toàn không gian mạng cho người dùng

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, thời đại 5G và Internet vạn vật (IoT) là xu thế tất yếu, nhưng để khai thác triệt để những lợi ích của nó, cần có hành động quyết liệt để ngăn chặn các mối đe dọa an ninh mạng.

Sự phát triển của công nghệ không chỉ đo bằng tốc độ mà còn bằng khả năng đảm bảo an toàn và quyền lợi cho mọi người dùng. Việt Nam hoàn toàn có thể biến thách thức thành cơ hội nếu có những giải pháp đồng bộ và những bước đi đúng đắn.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trường văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trường văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).

Bước vào kỷ nguyên 5G và internet kết nối vạn vật, Việt Nam cần chủ động xây dựng không gian mạng an toàn để đón chào kỷ nguyên số.

“Giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ mà chúng ta nhắc đến chính là hoàn thiện khung pháp lý và chính sách quản lý. Việt Nam cần xây dựng và thực thi chặt chẽ các quy định pháp luật về an ninh mạng.

Các hành vi phát tán tin giả, lừa đảo trực tuyến, hoặc tấn công mạng phải bị xử lý nghiêm minh với các mức phạt đủ sức răn đe. Cùng với đó là các chiến dịch đẩy mạnh giáo dục, nâng cao ý thức cộng đồng về kỹ năng nhận biết tin giả và xây dựng thói quen ứng xử văn minh trên mạng”, Luật sư Hùng cho hay.

Bên cạnh đó, theo Luật sư Hùng, cần phải áp dụng các chính sách, quy định về khoa học công nghệ vào quản lý, tận dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện tin giả, lọc nội dung xấu và phát hiện các hành vi vi phạm, nâng cấp hệ thống bảo mật để giảm nguy cơ bị tấn công.

Các chương trình hợp tác quốc tế cũng là yếu tố quan trọng trong bối cảnh các mối đe dọa an ninh mạng thường xuyên vượt biên giới. Việt Nam cần tham gia vào các hiệp ước quốc tế, hợp tác chia sẻ thông tin với các quốc gia khác để nâng cao năng lực ứng phó.

Theo Vụ Pháp chế của Bộ Thông tin và Truyền thông, xu hướng công nghệ viễn thông phát triển, hạ tầng mạng viễn thông cung cấp các dịch vụ ứng dụng khác nhau... Các dịch vụ, ứng dụng Internet vạn vật (IoT) đang được triển khai rộng khắp với công nghệ phát triển, cung cấp các ứng dụng tiên tiến trong nhiều lĩnh vực. Thực tế đòi hỏi phải quy định quản lý dịch vụ dưới góc độ truyền dẫn các ứng dụng nói trên.

Xu hướng phát triển hội tụ mạng cố định, di động dẫn đến các dịch vụ cố định cung cấp sử dụng hạ tầng di động. Việc triển khai và phát triển mạng 5G cho phép cung cấp nhiều loại hình dịch vụ, ứng dụng mới.

Do vậy, cần phải nghiên cứu, xem xét cách thức phân loại mạng viễn thông và dịch vụ viễn thông để phù hợp các xu hướng phát triển công nghệ, dịch vụ nhằm hoàn thiện khung pháp lý về việc quản lý các dịch vụ mới, thúc đẩy phát triển các dịch vụ mới đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng dịch vụ…

Hoàng Chiến