Tinh hoa Việt

Nguyễn Quang Sáng - Nhà văn của phong vị và cốt cách văn chương Nam Bộ

NGỌC ANH 27/12/2024 07:01

Có lẽ, Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, là một trong những nhà văn được nhiều thế hệ học sinh biết đến rộng rãi nhất ở Việt Nam với truyện ngắn Chiếc lược ngà được đưa vào sáng giáo khoa bậc phổ thông và nhiều năm có mặt trong đề thi môn Ngữ văn chuyển cấp. Nhưng sự nghiệp văn học của ông thì đồ sộ hơn rất nhiều với những tiểu thuyết và kịch bản phim mang đậm phong vị, khí chất Nam Bộ.

Mới đây, Hội Nhà văn TP HCM đã tổ chức Hội thảo nhân dịp 10 năm Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đi xa.

Sự nghiệp đồ sộ

Tháng 2/2014, nhà văn Nguyễn Quang Sáng ra đi. 10 năm sau, trong Hội thảo, đồng nghiệp và bạn đọc nhận ra khoảng trống ông để lại cho văn chương nước nhà với tư cách là một nhà văn lớn. Ông không chỉ đóng góp to lớn vào sự nghiệp văn học nước nhà mà truyền cảm hứng cho những người cầm bút thế hệ nối tiếp. Nhiều tác phẩm của ông có giá trị trong lòng bạn đọc như: Con chim vàng, Người quê hương, Nhật ký người ở lại, Đất lửa, Chiếc lược ngà, Bông cẩm thạch, Cái áo thằng hình rơm, Mùa gió chướng, Người con đi xa, Dòng sông thơ ấu…

3(1).jpg

Ngoài văn chương, ông còn để lại những kịch bản phim điện ảnh - truyền hình giá trị như: Cánh đồng hoang, Pho tượng, Cho đến bao giờ, Mùa nước nổi, Dòng sông hát, Câu nói dối đầu tiên, Thời thơ ấu, Giữa dòng, Như một huyền thoại, Con khỉ mồ côi và hàng chục tập phim truyền hình Khoảnh khắc Võ Văn Kiệt…

Nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM, cho rằng: Nhà văn Nguyễn Quang Sáng từng đảm nhận cương vị Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM từ khi thành lập năm 1981 đến năm 2000 và làm Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa 4. Tuy nhiên, ông chưa bao giờ tồn tại trong mắt đồng nghiệp và độc giả như người làm quản lý văn nghệ, mà ông đích thực là một nhà văn chinh phục mọi người bằng chính trang viết của mình.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng (còn có bút danh khác là Nguyễn Sáng), từng đảm nhận cương vị Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM (giai đoạn đó gọi là Tổng thư ký) từ khi thành lập năm 1981 đến năm 2000 và làm Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa 4. Bằng những đóng góp của mình, vào năm 2000, ông đã nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật.

“Nghĩ và nhớ về nhà văn Nguyễn Quang Sáng, chúng ta có thể vẫn hình dung một nhà văn thấp đậm có lối sống ngang tàng và phóng túng. Thế nhưng, trong tác phẩm của ông thì khác hẳn, nhà văn Nguyễn Quang Sáng chặt chẽ về cấu trúc và tỉ mỉ về chi tiết. Những năm công tác tại Hà Nội, những năm lặn lội bom đạn chiến khu Tân Biên hay những năm hòa bình, ông đều xem việc sáng tác là trọng tâm.” – nhà văn Bích Ngân khẳng định.

Theo bà, hơn nửa thế kỷ cầm bút miệt mài, nhà văn Nguyễn Quang Sáng có một gia tài đồ sộ. Ông gom nhặt từng câu chuyện đời thường và trình bày sinh động trong tác phẩm. Ông có thành tựu đáng kể về tiểu thuyết, truyện vừa, như “Những người ở lại”, “Đất lửa” hoặc “Mùa gió chướng” và ông cũng được ghi nhận có duyên khi biên kịch với tác phẩm văn học của chính mình cho phim điện ảnh như “Cánh đồng hoang”, “Mùa nước nổi” hoặc “Pho tượng”, nhưng sở trường đặc biệt của ông nằm ở thể loại truyện ngắn.

1(2).jpg

Nhà văn của phong vị Nam Bộ

Trong hội thảo kỷ niệm 10 năm Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đi xa, PGS. TS Bùi Thanh Truyền, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Hội Nhà văn TP HCM, cho rằng: suốt cuộc đời viết văn, Nguyễn Quang Sáng hầu như dồn mọi bút lực viết về mảnh đất, con người Nam Bộ. Đó là những đề tài, cảm hứng đã thuộc lòng, đã chín trong tâm cảm tác giả. Từ tập truyện ngắn Con chim vàng lần đầu tiên được xuất hiện trên báo Văn nghệ năm 1957, cho đến lúc giã từ cõi tạm, ông đã để lại 16 tập truyện ngắn và tiểu thuyết cùng với hơn 10 kịch bản phim. Gia tài văn chương đó là minh chứng cho quả ngọt của tình yêu với quê xứ của nhà văn đậm đà hương thổ này.

“Viết về Nam Bộ bằng cái tình rất riêng của mình, Nguyễn Quang Sáng đã làm phát lộ những vỉa tầng của một vùng văn hóa đặc trưng, giàu bản sắc. Những yếu tố ẩm thực, trang phục, phương tiện đi lại, nhà cửa, không gian sống, âm nhạc dân tộc, ứng xử… đều được thể hiện rất chân thực, cụ thể, sinh động”, PGS. TS Bùi Thanh Truyền nói.

Theo PGS.TS Võ Văn Nhơn, trong các nhà văn thuộc đội ngũ Văn nghệ Giải phóng miền Nam, Nguyễn Quang Sáng có lẽ là nhà văn có phong cách Nam Bộ nhất. Giọng văn của ông hồn hậu, mộc mạc, tự nhiên như cảnh sắc thiên nhiên của Nam Bộ.

Tính cách Nam Bộ thể hiện ngay trong bút danh của ông. Trong khi các nhà văn khác lúc vào miền Nam phải đổi bút danh để giữ bí mật, như Nguyễn Văn Bổng đổi thành Trần Hiếu Minh, Lê Khâm đổi thành Phan Tứ, Bùi Đức Ái đổi thành Anh Đức, Nguyên Ngọc đổi thành Nguyễn Trung Thành, Ca Lê Hiến đổi thành Lê Anh Xuân, Bùi Minh Quốc đổi thành Dương Hương Ly… thì Nguyễn Quang Sáng chỉ đơn giản lược bỏ chữ lót trong tên mình để thành Nguyễn Sáng.

PGS.TS Võ Văn Nhơn đánh giá: “Sức hấp dẫn của truyện Nguyễn Quang Sáng trước hết là ở tài kể chuyện, câu chuyện của ông bao giờ cũng tạo nên một không khí đầy kịch tính với nhiều chi tiết sinh động, đắt giá. Truyện của ông thường có những kết thúc bất ngờ, thú vị, như Quán rượu người câm, Chiếc lược ngà, Bông cẩm thạch... chẳng hạn”.

Người chưa vắng bóng trong đời sống văn học

Trong bài phát biểu tại Hội thảo về Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhà văn Bích Ngân trên cương vị Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM đã gọi ông là “con chim vàng” của văn học Nam Bộ theo tên một tác phẩm của ông.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng sinh năm 1932 tại xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Năm 14 tuổi, cậu thiếu niên Nguyễn Quang Sáng rời nơi chôn nhau, cắt rốn để đi theo kháng chiến.

“Tập tành viết lách từ năm 1952 tại rừng U Minh thời chống Pháp, nhưng sau khi tập kết ra Bắc thì Nguyễn Quang Sáng mới có truyện ngắn đầu tay. Đó là truyện ngắn“Con chim vàng” vào năm 1956. Và từ đó, Nguyễn Quang Sáng không chỉ là một “con chim vàng” của văn học Nam Bộ mà còn là một mục từ cá tính trong từ điển văn học Việt Nam.” – nhà văn Bích Ngân chia sẻ.

Theo nhà văn Bích Ngân, đã 10 năm vắng bóng nhà văn Nguyễn Quang Sáng trên đời sống dương gian, nhưng ông chưa bao giờ vắng mặt trong đời sống văn học. Bởi lẽ, tác phẩm của ông vẫn tiếp tục được đọc lại, được ngẫm lại với tất cả sự trân trọng của công chúng và đồng nghiệp.

Bước vào thế giới truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng, độc giả được bắt gặp những con người bình dị và lam lũ, mà tình cảm thật phong phú và sức sống thật phi thường. Trong nhiều truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng, có nhiều số phận cay đắng và bẽ bàng vẫn lấp lánh ánh sáng của tin yêu và khát vọng. Nhắc đến truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng phải kể ngay đến những tác phẩm gần như đã thành kinh điển của văn học cách mạng Việt Nam như “Chiếc lược ngà”, “Quán rượu người câm”, “Tư Quắn” hoặc “Bàn thờ tổ của một cô đào”.
Sự độc đáo của nhà văn Nguyễn Quang Sáng là ông nhìn ra vẻ đẹp bất ngờ ẩn giấu bên trong những con người nhỏ bé và lầm lũi. Họ chịu đựng những thiệt thòi một cách nhẹ nhàng, họ gánh vác những mất mát một cách ung dung để họ được làm chủ chính mình, được cống hiến cho quê hương. Thông qua nhân vật đa dạng, nhà văn Nguyễn Quang Sáng không cao giọng rao giảng một sứ mệnh hay một thông điệp gì, mà mỗi tình huống, mỗi hành vi, mỗi lời nói từ các nhân vật tự bật ra giá trị cốt lõi của tinh thần nhân văn cao cả. Điều đó được chứng minh qua các truyện ngắn “Người con đi xa”, “Dấu chân”, “Linh Đa”, “Bông cẩm thạch”, “Vợ chồng ông già Sa Thét”, “Bạn hàng xóm”, “Người lính già”, “Ông Năm Hạng”, “Chị xã đội trưởng”, “Người đàn bà Tháp Mười”, “Dân chơi”, “Con ma da”, “Cái gáo mù u”, “Bài học tuổi thơ”, “Con khướu sổ lồng”...
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng mang đến văn đàn một phẩm chất đậm đặc Nam bộ. Phong vị Nam bộ trong tác phẩm Nguyễn Quang Sáng không dừng lại ở cảnh sắc Nam bộ, mà được ông thể hiện rõ nét hơn qua ngôn ngữ Nam bộ và tính cách Nam bộ. Đọc văn ông, dễ dàng mường tượng một không gian Nam bộ với đầy đủ sự cởi mở, sự thân thiện, sự hào hiệp, sự bao dung...

(Nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh)

NGỌC ANH