Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Tên gọi cũng cần 'tinh - gọn - hiệu quả'

Bắc Phong 27/12/2024 09:52

Việc sáp nhập các bộ đang được tiến hành. Trong đó, nổi lên vấn đề đặt tên mới của các bộ sau sáp nhập, hợp nhất làm sao ngắn gọn, rõ ràng nhằm đáp ứng yêu cầu của một nền hành chính hiện đại, đồng thời không gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, người dân, doanh nghiệp.

Mới đây, thông báo từ Văn phòng Chính phủ cho biết đã xác nhận tên gọi chính thức của 2 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau khi sáp nhập tên mới là Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Điều đó cho thấy có sự thay đổi so với các đề xuất trước đó. Ban đầu, kế hoạch công bố ngày 6/12 dự kiến tên mới là Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên Môi trường (7 chữ). Sau đó, ngày 10/12, đề xuất là Bộ Nông nghiệp, Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường (9 chữ). Phương án mới nhất là Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ còn 6 chữ, nghĩa là bằng một nửa (12 chữ) của 2 bộ trước khi sáp nhập.

Nêu một dẫn chứng để thấy đặt tên gọi của các bộ sau khi sáp nhập sao cho ngắn gọn mà vẫn bao quát được chức năng, nhiệm vụ rất cần tính toán kỹ lưỡng, nhất là khi trong trường hợp bộ nào cũng muốn giữ tên “truyền thống” của mình, hay nói cách khác là coi vai trò của mình lớn hơn khi trở thành bộ mới.

Một trường hợp khác, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc gợi ý tên gọi mới sau khi hợp nhất Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Khoa học và Công nghệ cần đặt tên gọi dễ nhớ, gọn, có ý nghĩa, có sức sống lâu bền để xây dựng thành thương hiệu. Theo Phó Thủ tướng, chức năng nhiệm vụ của 2 bộ rất lớn và sẽ được quy định trong nghị định, nên không đưa nhiều vào tên gọi để tránh tên quá dài, thay vào đó chỉ nên chọn “mẫu số chung”.

Tới đây, việc sáp nhập, hợp nhất sẽ còn tiếp tục, cụ thể là Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Bộ Tài chính (đang dự kiến tên gọi sau sắp xếp là Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển; hoặc Bộ Kinh tế phát triển); Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng sáp nhập (dự kiến tên gọi mới là Bộ Hạ tầng và Đô thị); Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ sáp nhập (dự kiến tên gọi mới là Bộ Chuyển đổi số và Khoa học, Công nghệ; hoặc Bộ Chuyển đổi số, Khoa học, Công nghệ và Thông tin); Bộ Lao động -Thương binh Xã hội và Bộ Nội vụ sáp nhập (dự kiến tên gọi mới là Bộ Nội vụ và Lao động)...

Sau khi tinh gọn, Chính phủ sẽ giảm từ 30 xuống còn 21 đầu mối, gồm 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, 4 cơ quan trực thuộc. Về tổ chức bộ máy bên trong, Chính phủ dự kiến giảm 10/13 tổng cục và tổ chức tương đương; 52 vụ thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; 75 cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; 61 vụ và tương đương thuộc tổng cục; 264 cục và tương đương thuộc tổng cục, giảm khoảng 15 - 20% đơn vị sự nghiệp công lập. Như vậy, ngoại trừ những cơ quan chấm dứt hoạt động thì việc “đặt tên mới” cho các cơ quan sáp nhập, hợp nhất đòi hỏi sự cân nhắc thấu đáo, nhưng không được chậm trễ và nhất là không được xảy ra tình trạng tên gọi mới ôm đồm, dài dòng, gây tranh cãi, khi chỉ là một phép tính cộng cơ học.

Vẫn biết cốt lõi của việc sáp nhập các bộ ngành có chức năng tương tự là để tinh gọn bộ máy, tránh chồng chéo chức năng và nâng cao hiệu quả quản lý. Tuy nhiên, việc đặt tên mới cũng sẽ cho thấy việc tổ chức lại bộ máy với nhiệm vụ rõ ràng. Khác với tên của làng xã, địa phương gắn liền với tâm thức văn hóa và lịch sử của từng vùng đất, thì tên các bộ ngành khi sáp nhập, hợp nhất rất cần “tinh gọn”, dễ nhớ, gần gũi trong giao dịch hành chính cũng như khi truyền thông và giao dịch quốc tế, phù hợp với một nền hành chính hiện đại. Trong quá trình “đặt tên mới”, cũng cần tham khảo ý kiến của giới chuyên gia, các nhà ngôn ngữ để có được phương án tối ưu.

Ở đây cần thấy rằng tên gọi mới của các bộ ngành sau sáp nhập, hợp nhất không chỉ là vấn đề ngôn ngữ, mà còn thể hiện tầm nhìn và tư duy tổ chức, khẳng định rõ tinh thần cải cách, đổi mới. Có nghĩa là tên gọi cũng cần “tinh - gọn - hiệu quả”.

Bắc Phong