Xã hội

Đông Tảo nỗ lực bảo tồn đặc sản địa phương gắn với bảo vệ môi trường

Quỳnh Anh 28/12/2024 08:06

Nổi tiếng với giống gà Đông Tảo quý hiếm, xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên rất nỗ lực bảo tồn và nâng cao giá trị đặc sản địa phương, đồng thời không quên bảo vệ môi trường, phân loại và xử lý rác thải.

Nâng cao tiêu chuẩn chăn nuôi gà Đông Tảo

Theo ông Lê Quang Thắng, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh gà Đông Tảo (Hợp tác xã), số lượng gà do người dân địa phương nuôi trong năm nay đã tăng hơn 20% so với năm trước. Ông Thắng cho biết, chăn nuôi gà từng phổ biến trong hầu hết các hộ gia đình nhưng hiện nay, tỷ lệ các hộ nuôi gà đại trà đã giảm đáng kể. Thay vào đó, trong xã đã có khoảng 3-4 hộ đạt quy mô trang trại lên đến 10.000 con.

image0.jpeg
Ông Lê Quang Thắng (bên phải) tại trang trại gà.

Theo ông Thắng, quy trình chăn nuôi của Hợp tác xã luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về môi trường, nguồn nước, thức ăn và cả tập tục chăn nuôi địa phương. Trong ba năm qua, gà Đông Tảo được nuôi hoàn toàn bằng cám hữu cơ kết hợp rau xanh, giúp chất lượng được cải thiện, thịt chắc và thơm hơn. Đặc biệt, vấn đề vệ sinh phòng dịch được các thành viên trong hợp tác xã rất lưu ý, như đảm bảo việc sử dụng đầy đủ vaccine, sát khuẩn chuồng trại, thu gom rác thải khu vực chăn nuôi và cách ly gà ốm bệnh trong khu vực riêng. Tất cả quy trình đều được ghi chép đầy đủ để theo dõi từng chu kỳ phát triển của gà.

Về vấn đề phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi gà Đông Tảo, ông Nguyễn Thanh Quyết, Chủ tịch UBND xã Đông Tảo chia sẻ: Các chuồng gà đều có đệm lót bằng trấu được phun khử mùi, hơn nữa gà được chăn nuôi theo hướng bán chăn thả nên thực tế chuồng sẽ rất ít mùi. Trong lúc chăn thả gà, người ta sẽ phun thuốc sát trùng, một là để phòng ngừa dịch bệnh cho gà, hai là để xử lý mùi. Trấu sau khi sử dụng để lót chuồng sẽ được tận dụng để làm phân bón.

Theo kinh nghiệm của ông Thắng, việc chăm sóc gà Đông Tảo cần điều chỉnh linh hoạt theo mùa để đảm bảo sức khỏe của đàn gà. Vào mùa hè, gà được thả và cho ăn sớm, trong khi buổi chiều sẽ cho ăn muộn để tránh cái nóng. Ngược lại, vào mùa đông, gà được thả muộn và cho ăn muộn hơn.

Ông Thắng chia sẻ thêm, gà Đông Tảo nuôi từ 8 tháng đến 1 năm sẽ đạt được chất lượng thịt thơm ngon, còn những con gà được nuôi lâu hơn thế có thể đạt trọng lượng từ 4,8 kg đến 6 kg, đáp ứng yêu cầu đặc biệt của khách hàng như dành để làm quà tặng.

Trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, ông Thắng thừa nhận, những nông dân như họ đang gặp khó khăn về công nghệ nên các vấn đề về máy tính, truyền thông hay quảng bá thương hiệu gà Đông Tảo trên các nền tảng mạng xã hội còn kém. Lợi thế của hợp tác xã sau 9 năm thành lập là họ luôn nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, Phòng Nông nghiệp và Sở Nông nghiệp…

Ngoài ra, không chỉ dừng lại ở các sản phẩm tươi, hợp tác xã đã có những sáng kiến trong chế biến và đóng gói, cho ra thêm nhiều mặt hàng như giò lụa, giò xào, gà ủ muối, tận dụng tối đa và gia tăng giá trị nguồn nguyên liệu. Nhờ đó, doanh thu từ con gà Đông Tảo của mỗi hộ gia đình trong hợp tác xã có thể đạt đến 500-600 triệu đồng/năm.

Con số nêu trên được dự báo sẽ tăng hơn nữa khi ngày 28/12 vừa qua, Hội thi gà Đông Tảo toàn quốc lần thứ tư được tổ chức tại xã. Hội thi quy tụ những con gà Đông Tảo đẹp, thuần chủng nhất từ khắp nơi về tham dự, nhằm mục đích lưu giữ, bảo tồn gen giống gà Đông Tảo. Bên cạnh đó, sự kiện trưng bày các sản phẩm nông nghiệp nổi bật của địa phương như đậu nghệ, tương, quất cảnh, và bưởi Diễn. Và lần đầu tiên, hội thi có chương trình livestream quảng bá gà Đông Tảo và các nông sản chủ lực của xã Đông Tảo, giúp các hộ chăn nuôi kết nối thị trường và mở rộng tiêu thụ đặc sản địa phương.

image1.jpeg
Các sản phẩm được chế biến từ thịt gà Đông Tảo như giò lụa, giò xào, gà ủ muối giúp gia tăng giá trị nguồn nguyên liệu.

Định hướng bảo vệ môi trường

Cùng với sự phát triển của ngành chăn nuôi gà Đông Tảo và các sản phẩm nông nghiệp địa phương, vấn đề xử lý chất thải và bảo vệ môi trường đang trở thành ưu tiên hàng đầu tại xã Đông Tảo. Ông Quyết cho biết, môi trường ở nông thôn rất được người dân quan tâm, đặc biệt khi quy mô chăn nuôi và sinh hoạt tăng lên.

“Hiện nay, xã không đủ điều kiện để xây dựng lò đốt rác. Tỉnh đã có đề án về việc mỗi thôn của Đông Tảo xây dựng một trạm xử lý nước thải. Tuy nhiên, khi xem xét thực tế, chúng tôi đang phải tính đến việc xây dựng 11 trạm xử lý, thậm chí nhiều hơn thay vì chỉ 4 điểm như kế hoạch, bởi nó liên quan đến vị trí địa lý thực tế”, ông Quyết nói.

Khó khăn lớn nhất của Đông Tảo là chi phí đầu tư, nhưng theo ông Quyết, đây là vấn đề cấp bách nên chính quyền địa phương nhất định phải tìm được hướng giải quyết.

Hiện tại, Đông Tảo đã triển khai thí điểm phân loại rác tại hai thôn, hướng tới mục tiêu 100% số người dân tại hai thôn này tham gia phân loại xử lý rác thải. Học hỏi từ mô hình của xã Long Hưng, huyện Văn Giang, ông Quyết đã đề xuất thu gom rác thải hữu cơ ngay từ chợ đầu mối và các hộ gia đình để chế biến thành phân vi sinh. Phân vi sinh này sẽ được dùng để hỗ trợ các hộ nghèo, gia đình chính sách, vừa giảm chi phí sản xuất nông nghiệp, vừa góp phần xóa đói giảm nghèo

Dẫu vậy, ông Quyết thừa nhận rằng, để biến ý tưởng thành hiện thực vẫn cần sự bàn luận sâu và những con người tâm huyết sẵn sàng đồng hành. “Tôi đang tìm kiếm một số anh em tâm huyết, chịu khó. Có được một anh em nào đấy thôi là tôi sẵn sàng xây dựng kế hoạch, lập đề án, báo cáo Ban Thường vụ, báo cáo Đảng uỷ, đưa ra Hội đồng nhân dân xã rồi đề xuất lên huyện”, ông Quyết hào hứng cho biết.

Thực tế, không chỉ dựa vào sự lãnh đạo của chính quyền, phong trào bảo vệ môi trường tại Đông Tảo luôn có sự góp sức mạnh mẽ từ người dân. Hai câu lạc bộ “Vệ sinh môi trường đồng ruộng - cánh đồng không rác thải” tại thôn Đông Tảo Đông và Dũng Tiến được thành lập nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các hộ gia đình trong việc thực hiện công tác “vệ sinh môi trường đồng ruộng” trên địa bàn toàn xã. Các câu lạc bộ không chỉ tập trung làm sạch môi trường mà còn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, giúp cây trồng phát triển tốt hơn, giảm chi phí và tăng năng suất. Đây cũng là một phần quan trọng trong việc hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, hướng đến mô hình nông thôn mới kiểu mẫu.

Quỳnh Anh