Tinh hoa Việt

Ký ức những ngày ‘Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không’

TRẦN THANH PHƯƠNG 29/12/2024 07:55

LTS: Năm 1972, khi diễn ra trận Điện Biên Phủ trên không, nhà báo Trần Thanh Phương - nguyên Phó Tổng Biên tập báo Đại Đoàn Kết, lúc ấy đang là phóng viên báo Nhân dân. Ông trực tiếp chứng kiến và ghi lại những ngày Hà Nội đau thương và anh dũng chiến thắng pháo đài bay B52. Bài viết này được trích từ Hồi ký của cố nhà báo Trần Thanh Phương.

ttxvn_dien-bien-phu-tren-khong-1.jpg
Đội trực chiến dân quân huyện Từ Liêm(Hà Nội) cảnh giác cao, nổ súng kịp thời, góp phần cùng các đơn vị bạn bắn rơi nhiều máy bay Mỹ.

Đó là 12 giờ trưa ngày 21-12-1972, hệ thống loa phóng thanh công cộng Hà Nội đang truyền đi bản nhạc du dương, bỗng ngừng đột ngột. Một hồi còi báo động vang lên, kéo dài. Tiếng cô phát thanh viên dõng dạc: “Máy bay địch cách Hà Nội… Máy bay địch cách Hà Nội… Những người tại khu tập thể báo Nhân Dân gồm 15 hộ là nhà báo ở ngõ Lý Thường Kiệt, sau Đại sứ quán Cuba, lần lượt xuống hầm.

Trên mặt đất yên lặng. Bỗng tiếng máy bay rít ầm ầm xẹt qua. Rồi lại yên lặng bao trùm. Mọi người ngồi lâu mỏi định ra khỏi hầm thì tiếng cô phát thanh viên dồn dập: “Máy bay địch đang bay trở lại Hà Nội…”. Tất cả yên lặng và tự kiểm tra lại ai còn ở trên nhà, chưa xuống hầm. Bỗng một loạt tiếng nổ Ầm! Ầm! Ầm! căn hầm rung chuyển mù mịt cát bụi. Mọi người nín thở rồi như đồng thanh thét lên: “Khu tập thể ta bị bom rồi!”.

Im lặng bao trùm. Rồi còi báo yên. Tiếng cô phát thanh viên thong thả: “Máy bay địch đã bay xa!..”.

Hà Nội đã xứng đáng với niềm tin yêu của cả nước. Hà Nội đã không hoảng loạn. Hà Nội vẫn nguyên thế đứng “rất Hà Nội” của mình. Hà Nội tọa độ lửa của chúng ta là như vậy. Chúng nó cứ vào, Hà Nội đã chia ô bắn, đã chia vùng trời cho các cỡ súng.

Chui ra khỏi hầm. Mọi người thảng thốt trước cảnh đổ nát ngổn ngang của hai dãy nhà từ đầu đến cuối ngõ. Phía sau là khu nhà của Bộ Giao thông Vận tải cũng bị bom. Ga Hàng Cỏ (ga tàu lửa Hà Nội) cách đó gần một cây số bị đánh sập phần ga chính. Sau đó mươi phút, anh chị em trong đội tự vệ báo Nhân Dân từ 71 phố Hàng Trồng, tay mang cuốc xẻng… chạy sang. Lúc này, chúng tôi mới nhận ra sự tàn phá khủng khiếp của bom Mỹ. Nhà của nhà báo Quang Đạm có tủ sách quý bị hất bay sang phố Dã Tượng, sau đó chỉ tìm được vài cuốn. Giá sách và “kho” tư liệu của vợ chồng tôi bị gạch ngói vùi lấp. Nhà báo Lê Điền (Sau này là Tổng Biên tập báo Đại Đoàn Kết), đêm hôm trước trực ở cơ quan báo Nhân Dân, sáng vẫn tiếp tục làm việc, trưa tranh thủ về nhà nghỉ. Lúc báo động ông chỉ kịp xuống hầm cá nhân ở gầm cầu thang nhà ông. Cái hầm kiên cố đã cứu nhà báo Lê Điền, có cái đầu bạc trắng như cước. Đối diện là nhà ông Nguyễn Thành Lê, người phát ngôn của Đoàn đại biểu Chính phủ ta tại hội nghị Paris hư hại nặng. Các căn nhà của nhà báo Hà Đăng, Hà Hoa, Hùng Lý… bị phá hủy hoàn toàn. Từ đầu ngõ, nhà nghệ sĩ cải lương Lệ Thanh và đạo diễn Đức Dư, nhà ông Minh Đạo, phát thanh viên Đài tiếng nói Việt Nam và nhiều nhà kiên cố khác đều bị bom đánh sập hoặc hư hại nặng. Nhưng tính mạng những người có mặt hôm đó an toàn.

Ngày hôm sau, cơ quan báo Nhân Dân “bắt” tôi tạm đi sơ tán vài ngày tại huyện Thạch Thất (Hà Tây cũ). Mấy hôm sau tôi nhận được thư của vợ tôi, thư có đoạn: “Anh ơi, em báo anh việc này nhé: Sáng hôm qua, em đi dạy về nhìn cái nền nhà đầy gạch vụn mà thắt ruột thắt gan. Em bới tìm được quyển sổ ghi địa chỉ của người thân, bạn bè mình. Cái thau cũ cùng với cái áo của em nó nằm đúng dưới gầm bàn mà chúng ta thường ngồi làm việc. Còn mặc được".

Năm ngày sau, ngày 26-12-1972, từ nơi sơ tán, tôi về báo Nhân Dân làm việc bình thường. Chúng tôi đang dùng bữa tối có tính “dã chiến” tại cơ quan thì điện cúp. Tòa soạn nổi đèn dầu, tiếp tục lo bài vở cho số báo ngày mai. Đêm hôm ấy, Hà Nội rét căm căm. Mặt hồ Hoàn Kiếm lờ mờ hơi nước, hơi sương. Bỗng các loa phóng thanh thông báo: Máy bay địch cách Hà Nội 100 cây số, 80 cây số, rồi 60 cây số… loa phóng thanh lại truyền đi mệnh lệnh: “Địch có âm mưu đánh phá ác liệt Thủ đô Hà Nội. Các lực lương vũ trang hãy sẵn sàng chiến đấu, tiêu diệt địch. Các đồng chí công an, dân quân, tự vệ hãy kiên quyết làm nhiệm vụ! Tất cả mọi người phải xuống hầm. Không ai được đi lại ngoài phố…”. Rồi tiếng còi báo động vang lên. Tất cả cán bộ, phóng viên, công nhân viên báo Nhân Dân làm việc đêm hôm ấy, xuống hầm. Hầm nằm bên đường Lê Thái Tổ, chỉ cách mép nước Hồ Gươm chừng vài bước chân. Bên cạnh cây đa cổ thụ còn có một căn hầm đào sâu trong lòng đất dành để cho Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập và các cán bộ biên tập làm việc, trình bày báo nếu chiến sự xảy ra ác liệt. Chính tại căn hầm này, nhà báo Thép Mới đã viết một bài xã luật nổi tiếng đăng trên báo Nhân Dân số ra ngày 26-12-1972 với nhan đề “Hà Nội, thủ đô của phẩm giá con người”.

Cả phố Khâm Thiên chạy dài từ ngã tư đường Nam Bộ (Nay là đường Lê Duẩn) – Nguyễn Thượng Hiền đến Ô Chợ Dừa, gần Nhạc viện quốc gia, bỗng rung lên bởi hàng loạt quả bom tạ từ máy bay B52 phóng xuống, ánh chớp lóe lên, tiếng nổ kéo dài, những gì trên mặt đất đều có thể bốc lên, đổ sụp, tan nát. Chúng ta có thể hình dung, những tấn bom B52 rải xuống dọc một dãy phố đông dân vào đêm tối thì cảnh tượng ấy bị nhào lộn, hoang tàn đến nhường nào? Và tất nhiên cho đến hôm nay, ai cũng hiểu rằng ở phố Khâm Thiên không hề có một căn cứ quân sự nào.

Ngay sau trận bom, phóng viên báo Nhân Dân và nhiều báo, đài khác phóng đến Khâm Thiên ngay lập tức. Tôi xin đi, các anh không cho. Vì có tin, sau đó chúng có thể đánh tiếp dãy phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Chợ Đồng Xuân, Cầu Long Biên… Hãy dành lực lượng cho các “mặt trận” khác.

Quãng đường rộng trước cửa nhà thờ lớn ở phố Nhà Chung tự dương không biết cơ man nào xe tải, xe ôtô lớn nhỏ và người tập trung về nơi ấy. Người ta đứng giữa trời lạnh, bàn chuyện chiến sự trong đêm và những ngày sắp tới. Không mấy ai tỏ ra sợ hãi. Họ chỉ căm giận giặc Mỹ và mừng reo chiến thắng vì ta liên tiếp hạ được nhiều pháo đài bay B52 của không lực Hoa Kỳ.

Vụ B52 ở Khâm Thiên có một câu chuyện thương tâm mà báo chí lúc bấy giờ có nói tới, làm xúc động lòng người. Đó là bé Hà. Đêm ấy, những quả bom dội xuống khối phố 41, đánh sập một ngôi nhà, gạch ngói đè lên căn hầm có bé Hà. Cháu không ra được, ở trong đó cứ gọi: “Mẹ ơi, bế con ra với! Mẹ ơi!”. Chị Liên, mẹ cháu Hà lao tới không làm sao lật được cái khối gạch nặng lớn ấy ra. Bên trong, cháu vẫn gọi: “Mẹ ơi, bế con ra với!”. Những người chung quanh nghe tiếng kêu của bé liền chạy lại. Tất cả lao vào cứu cháu. “Mẹ ơi, cứu con ra với!”. Tiếng cháu Hà đuối dần, đuối dần. Người đào bới mang hết sức mình để bật bằng được những khối gạch ngổn ngang kia. Khi moi được lên thì cháu Hà đã tắt thở. Người mẹ đỡ xác con trên tay và òa khóc. Những người chung quanh cắn chặt răng chịu đựng… Cho đến buổi chiều, ngõ Tô Tiền vẫn còn những xác người được đào bới lên. Ôtô tải chở quan tài đến. Những dải khăn sô trên đầu nhiều người đây đó bên đống gạch, bên mảng tường sụp đổ.

Tin Khâm Thiên bị máy bay B52 hủy diệt được truyền đi rất nhanh chóng trong thành phố. Cả Hà Nội đêm đông ấy không ai ngủ. Hai giờ đêm, Đài phát thanh Hà Nội truyền đi tin chiến thắng: Ta hạ máy bay B52, bắt sống giặc lái. Bài hát "Người Hà Nội" của Nguyễn Đình Thi vang lên trong đêm khuya. Ai cũng thức, cũng nghe, cũng tự hào. Chưa bao giờ Hà Nội được thức, được sống một đêm hùng tráng như thế. Trước đây Hà Nội chỉ có mút-cơ-tông, có bom ba càng, có lựu đạn chai. Hôm nay, Hà Nội đã đánh thắng quân xâm lược bằng tên lửa, bằng pháo tầm cao và bằng máy bay Mích cánh én hiện đại.

TRẦN THANH PHƯƠNG