Xã hội

Nỗ lực hồi sinh sông Tô Lịch

NAM VIỆT 29/12/2024 09:32

Việc mới đây UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan xây dựng đường ống riêng, bơm nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch nhằm "hồi sinh" con sông này đã nhận được sự chú ý của dư luận.

Trả lời chất vấn của đại biểu HĐND thành phố, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Phong Nguyên cho biết, việc bổ cập nước cho sông Tô Lịch phải làm đồng bộ với sông Kim Ngưu, sông Lừ, sông Sét, trong đó tập trung tách toàn bộ nước thải, đồng thời bổ cập nước đã qua xử lý và nước sông Hồng vào các con sông.

song.jpg
Xây dựng một hệ thống cống gom nước thải bên bờ sông Tô Lịch.

Đưa nước sông Hồng vào Hồ Tây, rồi dẫn vào sông Tô Lịch

Trong khi đó, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Thành Nam cho biết, các giải pháp tổng thể cải thiện môi trường nước 4 con sông cơ bản đã hoàn chỉnh. Về giải pháp kỹ thuật đó là thu gom triệt để nước thải ở các dòng sông; cùng đó là giải pháp cải thiện môi trường nước, đặc biệt trong đó là bổ cập nước, duy trì dòng chảy để 4 con sông tự làm sạch.

Sông Tô Lịch - dòng sông có vị trí đặc biệt về văn hóa, lịch sử trong quá trình phát triển của Thăng Long - Hà Nội. Việc dòng sông, như một “dòng sông chết” khiến người Hà Nội bức xúc. Nhiều phương án cứu dòng sông đã được triển khai nhưng không hiệu quả. Mới đây, tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, các sở ngành của thành phố sẽ làm việc với Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để tìm giải pháp tốt nhất, nhanh nhất đưa nước sông Hồng vào sông Tô Lịch; đã khảo sát vị trí xây dựng hệ thống ống dẫn nước từ sông Hồng vào Hồ Tây, từ đó để cải thiện môi trường Tô Lịch. Trước đó, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố đã đưa ra phương án khoan kích ngầm để làm đường ống dẫn nước sông Hồng vào Hồ Tây nhưng Bộ NNPTNT không đồng ý.

PGS Trần Đức Hạ - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường (Hội Cấp thoát nước Việt Nam) cho rằng, việc đưa nước sông Hồng vào giải cứu sông Tô Lịch là cần thiết. Sông phải có dòng chảy và biện pháp là dẫn nước sông Hồng vào bổ cập cho Hồ Tây, từ đó cải thiện chất lượng nước cho sông Tô Lịch là một trong những việc cần làm ngay

Đáng chú ý, tại buổi kiểm tra tiến độ dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá và thực hiện các biện pháp làm sạch sông Tô Lịch đầu tháng 12/2024 của Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã đưa ra thời hạn 3 tháng thực hiện thủ tục và 6 tháng thi công hệ thống dẫn nước từ sông Hồng bổ cập vào Hồ Tây để tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch. Theo đó đến 2/9/2025 phải hoàn thành bổ cập nước Hồ Tây về sông Tô Lịch.

Như vậy, có thể hy vọng trong năm 2025, sông Tô Lịch “hồi sinh”?

Bài toán của chính quyền và câu chuyện cộng đồng

Từng là dòng sông thơ mộng gắn liền với lịch sử và văn hóa Thăng Long - Hà Nội, sông Tô Lịch nhiều năm qua phải oằn mình vì ô nhiễm, là nỗi ám ảnh về môi trường của người dân Thủ đô.

Trong quá khứ, sông Tô Lịch từng được nhà nước phong kiến xem là "hộ thành hà", đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ kinh thành. Đến thời Pháp thuộc, Tô Lịch vẫn giữ vai trò quan trọng trong giao thông vận tải, kết nối các khu vực trong thành phố. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển đô thị, dòng sông dần bị thu hẹp và ô nhiễm nghiêm trọng. Màu nước đen kịt, bốc mùi hôi nồng nặc không chỉ là nỗi ám ảnh của người dân sống ven sông mà còn là của cả thành phố.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm nghiêm trọng là lượng nước thải sinh hoạt khổng lồ không qua xử lý hàng ngày đổ thẳng ra sông. Bên cạnh đó, nước thải công nghiệp từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh ven sông cũng góp phần gây ra tình trạng ô nhiễm. Việc quản lý, kiểm soát chất thải công nghiệp chưa hiệu quả, khiến nhiều doanh nghiệp vẫn lén lút xả thải trực tiếp ra dòng sông. Việc xả rác bừa bãi, lấn chiếm lòng sông vẫn diễn ra.

Ô nhiễm sông Tô Lịch không chỉ ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị, mất mỹ quan mà còn là mối nguy hại cho sức khỏe cộng đồng. Nước sông ô nhiễm có thể gây ra nhiều bệnh truyền nhiễm, ảnh hưởng đến chất lượng không khí và nguồn nước ngầm.

PGS.TS Đào Trọng Tứ - chuyên gia nghiên cứu sông ngòi Việt Nam cho rằng, để hồi sinh sông Tô Lịch, ngoài những giải pháp mang tính chuyên môn kỹ thuật như bơm nước sạch vào làm loãng nước sông, xây dựng hệ thống thu gom nước thải hai bên bờ sông… thì yếu tố rất quan trọng phải tính đến đó là nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường của người dân, đặc biệt là các hộ dân sống hai bên sông. Cùng đó, cần phát huy hơn nữa vai trò của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, giám sát và xử lý những trường hợp vi phạm như lấn chiếm hành lang sông, đổ phế liệu, rác thải. “Nếu chúng ta làm nghiêm túc, người dân cùng chung tay thực hiện, tôi tin sông Tô Lịch sẽ sạch” - ông Tứ nói.

Thật đáng buồn là mặc dù đã có nhiều nỗ lực tuyên truyền, vận động, nhưng thực tế ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân ven sông Tô Lịch vẫn hạn chế khi mà nhiều người vẫn xem dòng sông như “nơi chứa rác thải công cộng”. Sự thiếu quan tâm đến môi trường sống xung quanh, thói quen sinh hoạt thiếu ý thức đã góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm.

Ở thời điểm hiện tại việc nhếch nhác hai bên bờ sông vẫn khiến người Hà Nội trăn trở. Một người dân ở phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy) cho biết, nước sông càng ngày càng đen và nặng mùi. Mùa đông hay ngày mát trời mới dám mở cửa cho không khí vào trong nhà. Còn mùa hè hoặc ngày nóng phải đóng chặt cửa. Nhiều gia đình vì không chịu được mùi hôi này phải cho thuê nhà, hoặc bán nhà để chuyển tới nơi khác sinh sống…

Thực tế thì hàng trăm gia đình có “mặt tiền” hướng thẳng ra bờ sông Tô Lịch, trong suốt bao năm qua đã nếm trải đủ những nỗi khổ từ dòng sông này. Người dân trong khu vực đã hình thànhthói quen bịt khẩu trang mỗi khi đi dọc bờ sông. Cũng đã lâu không thấy ai còn chạy bộ thể dục nữa. Giấc mơ có được bình yên của các hộ gia đình hai bên bờ sông vẫn dang dở suốt mấy chục năm qua.

Theo PGS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng, hồi sinh sông Tô Lịch không chỉ là quyết tâm của chính quyền mà cũng là giấc mơ của tất cả người dân thủ đô. Bà An cho rằng, việc hồi sinh sông Tô Lịch đặt ra hai vấn đề lớn phải làm. Thứ nhất là đã quyết làm thì phải làm bằng được. Thứ hai là sau khi đã làm sạch được sông thì phải giữ cho sông sạch bền vững. Chứ làm sạch xong lại để sông ô nhiễm trở lại thì không có ý nghĩa gì. Bà An cũng lưu ý, đối với việc làm sạch dòng sông, điều quan trọng nhất là phải làm sạch triệt để. Tức là ngoài việc dùng nước pha loãng, thau rửa nước sông thì quan trọng nhất là phải xây dựng được hệ thống thu gom toàn bộ các nguồn nước thải đang xả thẳng ra sông Tô Lịch. Về lâu dài, để giữ cho sông Tô Lịch sạch bền vững, vai trò của cộng đồng, ý thức người dân là vô cùng quan trọng.

Tương tự, PGS Hà Đình Đức cho rằng phải giao trách nhiệm cụ thể. Nếu để cho sông ô nhiễm trở lại thì đơn vị đó, người đứng đầu đó phải chịu trách nhiệm vì rằng hồi sinh sông Tô Lịch là hồi sinh giá trị lịch sử, văn hóa, là khẳng định trách nhiệm và tình yêu của người Hà Nội với Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Sông Tô Lịch với chiều dài 14,6km, chảy qua 6 quận, huyện: Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì và là trục tiêu thoát nước chính của Hà Nội. Hiện tại, dọc khu vực ven sông tồn tại nhiều họng cống xả thẳng xuống lòng sông. Thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện có 119 cống và phần lớn đã được đấu nối vào hệ thống cống gom chạy dọc hai bờ sông thuộc dự án của nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Tuy nhiên, còn 32 cống vẫn đang xả ra sông chưa được đấu nối vào hệ thống thu gom chung vì thuộc dự án khác (đoạn từ đường Hoàng Quốc Việt đến đường giao Láng Hạ). Tất nhiên, đó chỉ là thống kê một đoạn của dòng sông. Còn nếu dọc theo hai bên bờ của “dòng sông chết” trong nội thành này thì con số đó còn lớn hơn nhiều, cũng có nghĩa là mối lo cũng lớn hơn nhiều.

Bắt đầu từ năm 2008, Công ty Thoát nước Hà Nội đã thử nghiệm việc dùng nước Hồ Tây để cải thiện nước sông Tô Lịch. Từ đó đến nay, nhiều dự án làm sạch nước đã được triển khai trên con sông này như lắp bè thủy sinh, xây dựng cống bao.... Thế nhưng, với việc mỗi ngày phải tiếp nhận hơn 150.000 m³ nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp, qua hơn 300 cống xả thải trực tiếp, đến nay, nước sông Tô Lịch vẫn chưa thể chuyển màu từ đen sang xanh. Theo PGS Trần Hồng Côn - nguyên giảng viên Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, về sông Tô Lịch, dòng sông này không có nguồn lưu thông. Do đó nếu chỉ xử lý nước thải rồi đổ ra sông thì cũng chưa thể giúp sông hồi sinh. Vào mùa khô, sông Tô Lịch chỉ có khoảng 20-30cm nước khiến động thực vật thủy sinh khó sống. "Sau khi tách, xử lý nước thải triệt để thì sông sẽ mất mùi hôi thối. Nếu giữ được mực nước cần thiết thì khoảng 1 năm sau, sông có thể bắt đầu tự làm sạch, tự điều hòa được" - PGS Trần Hồng Côn nhận định.

NAM VIỆT