Văn hóa

Đưa nghệ thuật truyền thống vào học đường

P.Sỹ 30/12/2024 09:40

Thời gian gần đây, nhiều trường đã sân khấu hóa các tác phẩm văn học, đưa các tác phẩm, trích đoạn văn học đến gần hơn với học sinh.

anhbaiduoi.jpg
Cảnh trong vở diễn “Mồ Côi xử kiện”. Ảnh: Sơn Dương.

Hầu hết các tác phẩm ngữ văn, trích đoạn văn học trong chương trình như: “Chí Phèo”, “Vợ nhặt”, “Nỗi oan Thị Mầu”, “Số đỏ”... đã được sân khấu hóa với những góc nhìn, cách tiếp cận phong phú, sinh động của giáo viên và học sinh.

Tại Hà Nội, đề án “Giới thiệu và biểu diễn các vở diễn được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới có trong chương trình giáo dục phổ thông tại các trường học của TP Hà Nội giai đoạn 2022 - 2030” đã tạo nguồn cảm hứng sáng tạo mới trên khắp các sân khấu Thủ đô.

Từ nhiều năm nay, sân khấu Lệ Ngọc - đơn vị nghệ thuật xã hội hóa hàng đầu của Thủ đô đã có nhiều vở diễn chuyển thể từ tác phẩm trong sách giáo khoa ăn khách. Cũng lấy cảm hứng từ tác phẩm “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao, vở “Thị Nở - Chí Phèo” của đơn vị này diễn 200 suất, liên tục trong tình trạng cháy vé.

Hồi tháng 5/2024, Nhà hát Kịch Hà Nội đã tổ chức biểu diễn chùm kịch ngắn “Lời bà kể”, sử dụng 2 bài học trong chương trình môn Tiếng Việt tiểu học: "Mồ côi xử kiện" và "Cây nêu ngày Tết". Vở diễn gửi đến các em học sinh thông điệp ca ngợi sự thông minh, tài trí của Mồ Côi và tục lệ trồng cây nêu ngày Tết của người Việt.

Vừa qua, Nhà hát Kịch Hà Nội đã phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh (Hà Nội) tổ chức triển khai Đề án sân khấu học đường và biểu diễn các tiết mục kịch nói được chuyển thể từ tác phẩm văn học cho học sinh.

Sân khấu hoá tác phẩm văn học không chỉ có sự tham gia trực tiếp của các nghệ sĩ chuyên nghiệp mà thời gian qua, nhiều trường học cũng đã xây dựng những chương trình nghệ thuật biểu diễn, có sự tham gia của chính các em học sinh trên sân khấu.

Có thể kể đến vở nhạc kịch “Mưa bóng mây” của học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Hay như trường hợp 24 học sinh khối 10 Trường Phổ thông Liên cấp Olympia (Hà Nội) đã có 7 tháng cùng nhau đọc, tìm hiểu tác phẩm, lên kịch bản, tập luyện, tự tin đứng trên sân khấu trình diễn vở kịch “Những người khốn khổ” của Victor Hugo để lấy điểm cuối kỳ.

Nhiều giáo viên Ngữ văn cho rằng, việc sân khấu hóa tác phẩm văn học, đưa vào biểu diễn rộng rãi trong nhà trường là cần thiết và cách làm này sẽ càng trở nên hấp dẫn, sinh động, hiệu quả hơn nếu có sự tham gia của các nghệ sỹ chuyên nghiệp.

Theo NSND Nguyễn Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, việc triển khai Đề án sân khấu học đường là hoạt động ý nghĩa giúp học sinh được tiếp cận với tác phẩm văn học thông qua loại hình sân khấu. Từ đó, nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mĩ, bồi đắp tình yêu văn học, góp phần định hướng và hoàn thiện nhân cách, lối sống cho học sinh. Đặc biệt, các tác phẩm qua sự thể hiện của các nghệ sĩ giúp học sinh thêm yêu mến các nhân vật lịch sử, yêu quê hương, đất nước hơn.

Đồng quan điểm, đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai - Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam luôn đau đáu nỗi niềm chuyển thể những tác phẩm văn học thành những vở diễn đưa đến đối tượng là các em học sinh. Đây cũng là cách giáo dục, đào tạo ra những khán giả trẻ cho sân khấu tương lai.

“Sân khấu hóa tác phẩm văn học là hoạt động vô cùng tuyệt vời. Tuy nhiên khi biểu diễn cho đối tượng trẻ, đặc biệt là các em học sinh thì cần phải khác với các vở diễn thông thường từ khâu chuyển thể, phải đúng loại hình, lứa tuổi của các khán giả. Cùng với đó là lưu ý đến chủ đề, tư tưởng từ tính giáo dục; về hình thức thể hiện, phải truyền tải làm sao để các em dễ cảm nhận, dễ xem, dễ nhận ra được các bài học sau vở diễn” - NSND Hoàng Quỳnh Mai cho biết.

P.Sỹ