Chính trị

Ngành Thông tin và truyền thông năm 2024: Đột phá trong chuyển đổi số, kinh tế số

D.Tiến 30/12/2024 09:53

Ngày 29/12, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết ngành Thông tin và truyền thông năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.

anh thay
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng tham quan triển lãm các sản phẩm, giải pháp của các đơn vị, doanh nghiệp thuộc ngành TTTT, bên lề hội nghị. Ảnh: VGP.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Chính phủ ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia năm 2020 là một quyết sách mạnh mẽ và tiên phong. 5 năm là chặng đường chúng ta vừa làm vừa khai phá. Chính tinh thần đó đã đưa Việt Nam vào nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế số, thương mại điện tử, Chính phủ số, dịch vụ công trực tuyến và chuyển đổi số nói chung vào nhóm nhanh nhất trong khu vực và thế giới.

Để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng này, Việt Nam đặt ra mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, với các chỉ số về hạ tầng số, công nghệ số, kinh tế số và Chính phủ điện tử đều nằm trong nhóm top 50 thế giới. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, ngành TTTT sẽ tiếp tục đóng vai trò là hạ tầng số, công nghệ số và dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, là nền tảng để Việt Nam vươn lên trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045.

Theo Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử năm 2024 (EGDI) của Liên hợp quốc, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 71 trong tổng số 193 quốc gia, tăng 15 bậc so với năm 2022. Đây là lần đầu tiên Việt Nam được xếp vào nhóm EGDI ở mức rất cao và có vị trí xếp hạng cao nhất kể từ khi bắt đầu tham gia đánh giá EGDI của Liên hợp quốc năm 2003. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 5/11 nước về Chính phủ điện tử, tăng 1 bậc so với năm 2022.

Tháng 9/2024, Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) cũng đã công bố Chỉ số an toàn thông tin mạng toàn cầu năm 2024 (GCI), theo đó, Việt Nam đã tăng 8 bậc kể từ báo cáo công bố năm 2021, vươn lên vị trí thứ 17/194 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, đứng thứ 4 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thứ 3 trong số các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về lĩnh vực an ninh mạng.

Bên cạnh đó, Việt Nam đạt điểm gần như tuyệt đối cho 5 tiêu chí đánh giá của GCI và được xếp hạng quốc gia bậc 1 “kiểu mẫu” (bậc cao nhất trong 5 bậc), là nhóm các quốc gia “làm gương”, đồng thời nằm trong top 3 nhóm các quốc gia dẫn đầu thế giới. Tháng 11/2024, Liên minh Bưu chính thế giới UPU đã công bố chỉ số tích hợp phát triển bưu chính của Việt Nam, theo đó, Bưu chính Việt Nam năm 2024 được tăng hạng từ nhóm 6 (năm 2023) lên nhóm 8.

Về công nghiệp công nghệ số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm, Việt Nam đang xếp hạng cao ở 5 mặt hàng công nghệ số, đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại thông minh, đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu linh kiện máy tính, đứng thứ 6 thế giới về xuất khẩu thiết bị máy tính, đứng thứ 8 thế giới về thiết bị, linh kiện điện tử, đứng thứ 7 thế giới về gia công phần mềm...

"Ngành TTTT là hạ tầng số, công nghệ số, công nghiệp số, là dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, là truyền thông số phải nhận sứ mệnh tạo các nền tảng cho đất nước phát triển. Việt Nam muốn "bay lên" thì phải có đôi cánh một bên là công nghệ, một bên là sức mạnh truyền thông do báo chí, xuất bản khơi dậy" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc ghi nhận những kết quả đã đạt được trong năm qua của Bộ TTTT. Những kết quả, con số được thể hiện trong báo cáo đã thể hiện sự nỗ lực của toàn ngành. Bên cạnh những thành tích đạt được, Bộ TTTT cũng cần nhìn nhận lại nhiều thách thức.

Về công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", Bộ TTTT và Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ hợp nhất thành Bộ Khoa học, Công nghệ và Truyền thông.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, 2 Bộ có một "mẫu số chung" đó là công nghệ, với "đôi cánh" là khoa học và truyền thông. Việc hợp nhất tạo thành bộ mới để cộng hưởng nguồn lực, tạo nên sức mạnh mới, với sứ mệnh lớn hơn. Phó Thủ tướng tin tưởng với sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của lãnh đạo 2 Bộ thời gian qua, chắc chắn bộ mới sẽ mạnh hơn, sâu hơn và hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn trước; tin tưởng ngành TTTT sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, thành quả đã đạt được và phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra.

Theo thống kê của Bộ TTTT, năm 2024, doanh thu toàn ngành ước đạt 4.243.984 tỷ đồng, tăng 13,2% so với năm 2023. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 109.478 tỷ đồng, tăng 15,1% so với năm 2023. Đóng góp vào GDP của ngành TTTT ước đạt 989.016 tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm 2023. Tổng số lao động toàn ngành TTTT ước khoảng 1.542.994 lao động, tăng 2% so với năm 2023.

D.Tiến