Xuất khẩu dệt may: Thách thức cũng là cơ hội
Dệt may là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Song, xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang EU đang đứng trước những thách thức mới đến từ các chính sách xanh của thị trường này.
Doanh nghiệp tích cực chuyển đổi
Ông Trần Như Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công cho hay, xuất khẩu hàng dệt may vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, đòi hỏi về chuyển đổi xanh và chuyển đổi số tạo ra áp lực kép, buộc doanh nghiệp (DN) phải thực hiện đồng thời cả hai.
"Các nhà mua hàng yêu cầu nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn xanh nên DN phải đầu tư với chi phí cao nhưng giá bán sản phẩm lại không tăng, thậm chí giá xuất khẩu sang Mỹ còn giảm 5%. Tuy nhiên, chúng tôi đang hết sức nỗ lực thực hiện để giữ chân khách hàng" - ông Tùng thông tin.
Xanh hoá sản xuất trong ngành dệt may khá đa dạng và được DN chuyển đổi phù hợp với bối cảnh riêng, như: Chuyển đổi sang hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái; thay thế lò hơi đốt than, đốt dầu bằng lò hơi điện, lò hơi sử dụng nguyên liệu từ tự nhiên… Như Công ty cổ phần Dệt Trần Hiệp Thành, xanh hoá của DN thể hiện bằng cam kết giảm phát thải CO2. Để thực hiện điều này, DN liệt kê các nguồn phát thải như lò hơi, gas, thiết bị dùng điện và tiến hành cắt giảm việc sử dụng than đá, thay bằng vỏ cây và kiểm soát năng lượng… Lộ trình giảm phát thải CO2 đòi hỏi DN đầu tư thay đổi máy móc, thiết bị, tìm nguồn nguyên liệu mang tính tự nhiên hơn. Theo đó, DN đã thành công trong việc sử dụng 80% nhiên liệu xanh hóa và sử dụng 30 - 35% nguyên liệu tái chế được.
Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty May Hưng Yên cho biết, kinh tế tuần hoàn và sản xuất xanh là yếu tố bắt buộc đối với DN dệt may nếu muốn duy trì đơn hàng với thị trường EU. Nếu không đáp ứng được thì chúng ta không thể vào được thị trường. Do đó, DN buộc phải chuyển đổi và thích ứng.
Theo ông Dương, đầu tiên DN cần chuyển đổi tất cả các lò hơi nước đốt than sang lò hơi điện. Việc này giúp giảm ô nhiễm, bảo vệ sức khỏe. Về khía cạnh kinh tế, tiền điện có thể tăng nhưng giảm được các chi phí về nhân công.
Cùng với đó, việc đầu tư cho hệ thống năng lượng điện mặt trời từ hệ thống điện áp mái trên tất cả nhà xưởng cũng là một điều rất đáng khuyến khích. Trước đây khi dùng điện dư ra có thể bán lại lưới thì hiện nay, các nhà đầu tư khai thác nguồn điện này họ sẵn sàng thuê lại toàn bộ mái nhà xưởng và cung cấp điện cho tất cả các DN và giảm giá so với điện của ngành điện lực Việt Nam từ 15 - 20%. Về điều kiện thời tiết, ở phía Bắc thường mùa hè là mùa thiếu điện. Nếu làm được điện áp mái thì có thể chủ động từ 80-100% điện cho DN may.
Tuy nhiên, theo tính toán của đại diện May Hưng Yên, ở khía cạnh kinh tế, dù phải đáp ứng các tiêu chuẩn mới, DN vẫn có lợi. Nếu tính cả hệ thống 13 DN dệt may thuộc công ty May Hưng Yên, đây sẽ là con số đáng kể. Cho nên thực tế vấn đề tiêu chuẩn xanh vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để DN phát triển.
Triển vọng năm 2025
Năm 2024, sức tiêu dùng hàng dệt may trên toàn cầu không tăng, nhưng xuất khẩu dệt may Việt Nam vẫn ghi nhận những kết quả tích cực. Cụ thể, sau một số biến động về địa chính trị, từ giữa năm 2024, chuỗi cung ứng dệt may có xu hướng dịch chuyển sang các địa điểm ổn định hơn. Nhờ năng lực sản xuất và điều kiện chính trị - xã hội ổn định, Việt Nam là một trong những nước được các nhà mua hàng dệt may lựa chọn trở thành nguồn cung ứng thay thế.
Hàng dệt may Việt Nam hiện đã xuất khẩu vào hơn 100 thị trường trên toàn cầu. Bên cạnh các khách hàng truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, khối CPTPP và các nước ASEAN, sản phẩm dệt may Việt Nam cũng đã tiến vào các thị trường mới như châu Phi, Trung Đông…
Nhận định về triển vọng thị trường thời gian tới, một số DN dệt may cũng đã cho biết có đủ đơn hàng đến hết quý I/2025, cá biệt có những đơn vị có đơn hàng đến tháng 5/2025. Tuy vậy, diễn biến của thị trường dệt may sẽ có biến động rất nhanh và bất ngờ, do vậy DN cần chủ động để ứng phó với những tình huống mới.
Ông Hoàng Mạnh Cầm - Phó chánh Văn phòng Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, dựa trên kịch bản tăng trưởng tổng cầu dệt may thế giới năm 2025 ở mức cơ sở (đạt khoảng 850 tỷ USD), cũng như khả năng phục hồi ngành dệt may của Bangladesh, Vinatex đưa ra dự báo kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2025 sẽ tăng trưởng từ 5%-6% so với năm 2024, tương đương đạt 45,5 - 46 tỷ USD.
“Hiện thị phần của dệt may Việt Nam tại Mỹ chỉ chiếm gần 20%, trong khi Trung Quốc luôn dẫn đầu với thị phần trên 20%, nhưng trong năm tới với chính sách mới dưới thời Tổng thống Donald Trump, hàng dệt may của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ có thể phải chịu 60% thuế và các loại phí khác, sẽ khiến Trung Quốc mất dần lợi thế, kỳ vọng dệt may Việt Nam có thể giành thị phần tốt hơn tại Mỹ nếu chúng ta tuân thủ quy định về nguồn gốc xuất xứ, truy xuất chuỗi cung ứng...”- ông Cầm nhấn mạnh.