Cơ hội trở thành trung tâm công nghiệp bán dẫn toàn cầu
Theo giới chuyên gia kinh tế, Việt Nam có cơ hội trở thành một trong các trung tâm công nghiệp bán dẫn, điện tử toàn cầu nhờ những lợi thế đặc biệt về địa chính trị, là điểm đến an toàn và tiềm lực phát triển công nghiệp bán dẫn hàng đầu so với nhiều quốc gia. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp bán dẫn, điện tử toàn cầu.
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam ổn định và có xu hướng tăng. Trong đó tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, các lĩn vực hàm lượng công nghệ cao như sản xuất chip, chất bán dẫn, pin xe điện, các linh kiện, sản phẩm điện tử...
Vốn FDI tăng nhờ công nghiệp bán dẫn
Cụ thể, 11 tháng của năm 2024, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam ước đạt 21,68 tỉ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là năm thứ ba liên tiếp Việt Nam đạt mức giải ngân FDI trên 20 tỉ USD. Lũy kế đến tháng 11/2024, Việt Nam có 41.720 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 496,7 tỉ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 318,9 tỉ USD, bằng 64,2% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Việt Nam hiện có 174 dự án FDI trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỉ USD.
Những số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài còn cho thấy, vốn đầu tư FDI tiếp tục tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài như cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư… 10 tỉnh điển hình gồm: Bắc Ninh, Quảng Ninh, TPHCM, Hải Phòng, Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Nghệ An và Bắc Giang chiếm 79,6% số dự án mới và 69,4% số vốn đầu tư của cả nước trong 11 tháng của năm 2024. Và chỉ tính riêng ngành công nghiệp bán dẫn đã ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc.
Như tại khu công nghiệp Yên Phong IIC (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh), thì Nhà máy Amkor Technology Việt Nam có diện tích lên đến 23 hecta (với pháp nhân là Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam) được coi là nhà máy sản xuất linh kiện công nghiệp bán dẫn lớn nhất thế giới của Amkor. Hồi tháng 7/2024, Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam đã tăng vốn thêm 1,07 tỉ USD vào dự án Nhà máyAmkor Technology Việt Nam sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị công nghệ bán dẫn. Nhà máy Amkor Technology Việt Nam có tổng vốn đầu tư 1,6 tỉ USD, chia làm 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn I là 520 triệu USD và dự kiến tới năm 2035 sẽ tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động. Trong giai đoạn đầu, nhà máy sẽ tập trung vào việc thử nghiệm, cung cấp các giải pháp lắp ráp và kiểm tra hệ thống tiên tiến trong gói (SiP) cho các công ty sản xuất điện tử và bán dẫn hàng đầu thế giới.
Cũng trong tháng 7/2024, Tập đoàn Foxconn đã được tỉnh Quảng Ninh trao giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án có quy mô 551 triệu USD để sản xuất sản phẩm giải trí thông minh và hệ thống thông minh. Với 2 dự án này, Foxconn đã nâng tổng vốn đầu tư tại Quảng Ninh lên gần 1 tỉ USD và nâng tổng vốn đầu tư tại Việt Nam lên hơn 3 tỉ USD. Chưa hết, một loạt những “ông lớn” trong ngành công nghiệp bán dẫn trên thế giới cũng đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam, như Intel, Ampere, Marvell, Cadence, Renesas, Synopsys, Qorvo... Ngược lại, một số công ty trong nước cũng đã gia nhập thị trường công nghiệp bán dẫn như Viettel, FPT, VNChip…
Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn công nghệ lớn như Samsung, LG, Posco… đã và đang lên kế hoạch đầu tư thêm hàng tỉ USD vào Việt Nam trong thời gian tới. Hiện LG đã giải ngân đầu tư hơn 5 tỉ USD tại Việt Nam và sẽ đầu tư thêm 3 tỉ USD trong 5 năm tới. Trong kế hoạch này, Nhà máy LG Innotel dự kiến tăng gấp đôi công suất, qua đó hình thành tổ hợp sản xuất khép kín của LG tại Việt Nam.
Mới đây nhất, Chính phủ Việt Nam đã ký thoả thuận hợp tác với Tập đoàn công nghệ hàng đầu Hoa Kỳ NVIDIA thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) về AI tại Việt Nam. Và Việt Nam đã chính thức trở thành điểm đến thứ ba mà tập đoàn này đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển về AI. Ông Võ Xuân Hoài - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đánh giá, có nhiều lý do để NVIDIA và loạt “ông lớn” ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ, AI lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư, đó là chất lượng nguồn nhân lực ngày càng được cải thiện, vị trí địa lý chiến lược, sự ổn định chính trị, quy mô thị trường 100 triệu dân, chính sách đầu tư thông thoáng.
Nhận định về khả năng thu hút dòng vốn FDI trong thời gian qua, ông Andrea Coppola - chuyên gia Kinh tế trưởng và Quản lý chương trình Tăng trưởng công bằng, Tài chính và Thể chế của Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam, Lào và Campuchia đánh giá, khả năng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam được thúc đẩy mạnh mẽ nhờ 3 yếu tố chính. Thứ nhất, môi trường kinh doanh của Việt Nam mang lại sự ổn định cho các nhà đầu tư. Thứ hai, cộng đồng quốc tế đánh giá cao nỗ lực liên tục của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Đặc biệt, Việt Nam đã tận dụng tốt vị trí chiến lược là “cầu nối” giữa hai cường quốc Trung Quốc và Mỹ.
Nhân lực - yếu tố để thành công
Hiệp hội bán dẫn toàn cầu (SEMI) dự báo, thị trường bán dẫn của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 7,01 tỉ USD vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng ngành bình quân mỗi năm khoảng 6,69% trong giai đoạn 2023 - 2028. Việt Nam đang đứng trước cơ hội tham gia sâu vào ngành công nghiệp bán dẫn và đã thể hiện rõ khát vọng trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn- Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành trung tâm công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Tuy nhiên, thách thức đặt ra cũng không nhỏ, từ việc đào tạo nguồn nhân lực đến thu hút đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng. Chính phủ cần có các chính sách phù hợp để xây dựng một hệ thống sinh thái công nghiệp bán dẫn hoàn chỉnh, từ nghiên cứu, thiết kế đến khâu sản xuất và đóng gói, kiểm tra. Và để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần phát triển hai hướng song song: Vừa thu hút đầu tư nước ngoài và phát huy nội lực.
Trong khi đó, thông tin về nguồn nhân lực, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, hiện số nhân lực thiết kế vi mạch có khoảng 5.000 người, nhu cầu mỗi năm tăng 10 - 15%. Trong đó chủ yếu là kỹ sư thiết kế, kiểm thử, khoảng 30% trong số này có trình độ sau đại học. Bà Thủy cho biết thêm, dự kiến thời gian tới nhu cầu nhân lực ngành này sẽ tăng hơn. Để đón đầu xu hướng này, việc chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao vô cùng quan trọng.
Hiện mỗi năm Đại học Quốc gia TPHCM đào tạo khoảng 6.000 kỹ sư liên quan tới ngành công nghiệp bán dẫn. Đại học Bách khoa mỗi năm đào tạo 3.850 kỹ sư, Đại học Quốc gia Hà Nội đào tạo khoảng 3.000 kỹ sư. Chỉ tính 3 trường đại học này mỗi năm đã đào tạo gần 13.000 kỹ sư liên quan tới ngành công nghiệp bán dẫn. Và theo chương trình phát triển nhân lực bán dẫn của Chính phủ, sẽ có 18 trường đại học tham gia đào tạo kỹ sư bán dẫn trong thời gian tới, ngoài các đại học công lập thì các trường tư nhân như Đại học FPT, Đại học Phenikaa cũng tham gia đào tạo. Như vậy, chương trình đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn từ nay đến năm 2030 khả thi, việc đào tạo sẽ tập trung đào tạo ngắn hạn, nâng cấp từ những kỹ sư ngành do các trường đào tạo để họ trở thành những kỹ sư bán dẫn. Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia phối hợp với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Đại học bang Arizona khởi động và triển khai chương trình tại Việt Nam, với mục tiêu đào tạo hơn 4.000 kỹ sư đóng gói, kiểm thử vi mạch từ nay đến hết năm 2025.
Còn theo ông Võ Xuân Hoài - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), năm 2024, Việt Nam có gần 20 trường đại học bắt đầu mở các môn đào tạo về thiết kế vi mạch và bán dẫn. Trong đó, đáng chú ý là Trường Đại học FPT đặt mục tiêu tuyển sinh 1.000 chỉ tiêu cho chuyên ngành này. Theo kế hoạch, đến năm 2030 sẽ có 15.000 kỹ sư thiết kế chip và 35.000 kỹ sư đóng gói, kiểm tra đào tạo. Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia cho biết, nguồn nhân lực chính là yếu tố “đột phá” để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong thời gian tới.
Đồng quan điểm, PGS.TS Mai Anh Tuấn - giảng viên cấp cao tại Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, lợi thế lớn nhất của Việt Nam chính là con người. Nếu chúng ta có nguồn nhân lực bán dẫn chất lượng tốt, mọi thứ sẽ phát triển như kỳ vọng. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đào tạo một lượng lớn kỹ sư trong thời gian ngắn, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các trường đại học và doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam với lợi thế lớn là quốc gia có nền chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng tốt liên tục trong nhiều năm, có nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, có đam mê sáng tạo đang là điểm đến đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.