Thể thao

Thể thao Việt Nam năm 2025: Đầu tư trọng điểm để đột phá

Q. Thắng 03/01/2025 08:59

Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Đặng Hà Việt nhấn mạnh, một trong những mục tiêu hàng đầu của thể thao Việt Nam (TTVN) trong năm 2025 là đầu tư trọng điểm cho các môn, các vận động viên (VĐV) để có thể nâng tầm vị thế thể thao nước nhà thông qua thành tích quốc tế trong tương lai gần.

anhduoi.jpg
Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam lần đầu tiên giành Huy chương đồng Giải bóng chuyền thế giới FIVB Challenger Cup 2024. Ảnh: FIVB.

Năm bản lề của thể thao Việt Nam

Ngày 15/10/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1189 phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, TTVN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược đưa ra 9 nhiệm vụ, giải pháp ở các mảng: Thể dục, thể thao cho mọi người; Thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp; Hợp tác quốc tế; Thông tin, truyền thông; Thể chế, pháp luật; Khoa học công nghệ, y học thể thao; Nguồn lực phát triển; Kinh tế thể thao và Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Đặc biệt, Chiến lược cũng đặt ra mục tiêu cụ thể cho TTVN ở đấu trường quốc tế. Theo đó, từ nay đến năm 2030, TTVN thường xuyên duy trì vị trí trong nhóm 3 đoàn dẫn đầu tại các kỳ SEA Games và trong nhóm 20 đoàn dẫn đầu các kỳ Asian Games; có huy chương tại các kỳ Olympic và Paralympic. Định hướng đến năm 2045, duy trì vị trí trong nhóm 2 đoàn dẫn đầu ở các kỳ SEA Games, trong nhóm 15 đoàn dẫn đầu tại các kỳ Asian Games, trong nhóm 50 đoàn dẫn đầu tại các kỳ Olympic.

Ông Đặng Hà Việt khẳng định, năm 2025 là năm bản lề quan trọng của ngành thể thao. Đây là thời điểm chúng ta bắt tay vào thực hiện nhiều kế hoạch, từ đó chuẩn bị cho các mục tiêu dài hơi hơn kế tiếp là ASIAD 2026 và Olympic năm 2028.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương kỳ vọng ngành thể thao phải thực hiện cụ thể các mục tiêu đầu tư, trong đó có sự hiệu quả về chương trình tập luyện, thi đấu với thể thao thành tích cao. Những con số chỉ tiêu về số huy chương tại SEA Games 33-2025 là mục tiêu hướng đến. Tuy nhiên, nền thể thao nói chung được yêu cầu có giải pháp thích hợp, từ đó mới đạt sự đột biến thành tích cụ thể.

Từ Olympic 2024 tới sự đầu tư trọng điểm

Theo báo cáo từ Cục Thể dục thể thao trong Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ 2025, VĐV Việt Nam đã giành tổng cộng 1.365 huy chương quốc tế ở các môn thể thao thành tích cao, trong đó có 542 Huy chương vàng, 406 Huy chương bạc và 417 Huy chương đồng.

Sân chơi lớn nhất của TTVN trong năm 2024 là Olympic Paris. Ở giải đấu số 1 hành tinh, các VĐV Việt Nam tranh tài xét về chất lượng không có gương mặt nào đảm bảo nằm trong nhóm giành huy chương, vì thế việc đoàn Việt Nam trắng tay là điều sớm được dự báo.

Trịnh Thu Vinh được xem là VĐV có cơ hội cao nhất, nhưng đã để tuột tấm Huy chương đồng trong gang tấc. Hai lần vào chung kết của xạ thủ này chính là điểm sáng nhất của đoàn TTVN tại Thế vận hội. Ở các bộ môn khác, Nguyễn Thùy Linh, Lê Đức Phát (cầu lông) không vượt qua vòng bảng; Hà Thị Linh, Võ Thị Kim Ánh (boxing) không thể tiến vào vòng tứ kết; Nguyễn Huy Hoàng (bơi) đứng ngoài top 20 cả 2 đợt bơi vòng loại các nội dung 800m tự do và 1.500m tự do...

Câu chuyện không huy chương của TTVN ở Olympic 2024 cần được nhìn nhận một cách toàn diện, để từ đó rút ra những bài học cho tương lai, trong đó có việc tiếp tục đầu tư trọng điểm, tìm ra bộ môn mũi nhọn giành huy chương ở đấu trường Olympic.

Trong năm 2025, ngoài mục tiêu trọng điểm SEA Games 33, TTVN sẽ tham dự những giải đấu quốc tế quan trọng khác, bao gồm các giải vô địch và cúp ở các cấp độ Đông Nam Á, châu Á và thế giới. Ông Việt cho hay, năm 2025 sẽ còn nhiều những thách thức và khó khăn, song toàn ngành quyết tâm nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao ở cả công tác quản lý, điều hành và chuyên môn. Mục tiêu quan trọng nhất trong năm 2025 được ngành thể thao đặt ra là giữ vững trong tốp đầu tại SEA Games 33 tổ chức ở Thái Lan. Trong đó, phấn đấu dẫn đầu các môn Olympic, Asiad.

Cục Thể dục thể thao cũng thống nhất chọn 17 môn thể thao đầu tư trọng điểm từ năm 2025, bao gồm: bơi, bắn súng, bắn cung, boxing, cầu lông, cử tạ, điền kinh, đua thuyền, đấu kiếm, thể dục dụng cụ, taekwondo, xe đạp, judo, vật (nhóm môn Olympic) và wushu, cầu mây, karate (nhóm môn Asiad).

Q. Thắng