Mừng cho tinh hoa một làng nghề
Sản phẩm thêu tay truyền thống của xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (Hà Nội), từng nức tiếng một thời bởi nét tinh xảo, mềm mại, được người tiêu dùng ưa chuộng. Trước sự thay đổi của nền kinh tế thị trường, những nghệ nhân thêu tay Mỹ Đức cũng có những thay đổi...
Sinh ra trong một gia đình có nghề thêu truyền thống, từ nhỏ, chị Nguyễn Thị Hằng đã được sống trong không gian rực rỡ sắc màu của tranh thêu, biết cầm kim trước khi cầm bút. Với đức tính cần cù, chịu khó và khả năng thẩm mỹ cao, chị đã nhanh chóng nắm bắt được các kỹ thuật thêu truyền thống và sử dụng thành thạo trong từng sản phẩm.
Hiện nay, nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng (44 tuổi) là Chủ nhiệm Hợp tác xã thêu tay Mỹ Đức. Với nỗi niềm đau đáu giữ gìn và phát triển nghề truyền thống, suốt hơn 20 năm qua chị bền bỉ và không ngừng sáng tạo trên những bức tranh thêu rực rỡ được khách hàng trong và ngoài nước rất ưa chuộng.
Chị Hằng chia sẻ, nghề thêu phải làm kỳ công, tỉ mỉ, đòi hỏi người thợ không chỉ khéo tay, tinh mắt mà cần khối óc sáng tạo, con mắt thẩm mỹ cao và bắt kịp được xu hướng của thị trường. Làm tranh thêu tay không khó, nhưng làm ra bức tranh có hồn thì không phải ai cũng làm được.
Hơn 20 năm gắn bó với nghề thêu, nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng hiểu rõ sự tinh xảo và giá trị văn hóa mà nghề thủ công này mang lại. Tuy nhiên, chị cũng chứng kiến sự suy giảm sức sống rõ rệt của các làng nghề truyền thống hiện nay. Dù được người dùng đón nhận nhưng nhân lực để duy trì nghề đang ngày càng khan hiếm. Những người thợ lành nghề, lâu năm nay đã tay mờ mắt kém, còn thế hệ mới lại chưa say mê với nghề.
Không đành nhìn nghệ thuật truyền thống mai một, chị Hằng đã mở các lớp học thêu tay với mong muốn kết nối văn hóa làng nghề với thời trang hiện đại, tạo "sân chơi" cho cả người yêu nghề và người làm nghề, lan toả những giá trị tốt đẹp hơn đến cộng đồng. Bên cạnh đó, chị còn mở các workshop giao lưu, chia sẻ kiến thức và triển lãm để các bạn trẻ có thể về làng trực tiếp trải nghiệm thêu từng sản phẩm, khám phá nghệ thuật truyền thống, xây dựng nguồn cảm hứng, tình yêu di sản quê hương.
Chị Thu (thợ thêu ở xã Đồng Tâm) cho biết: “Có nhiều bạn sinh viên trẻ qua người quen, qua thông tin trên mạng xã hội tìm về tận làng để học nghề. Không cần bàn ghế, sách vở, ngay tại các khung thêu chúng tôi dạy họ cách ứng dụng của từng hoa văn, họa tiết trên từng loại vải, theo từng kiểu thêu, mũi thêu khác nhau. Làm nghề đã hơn 20 năm, tôi mừng vì ngày càng có nhiều người tìm về làng để học nghề truyền thống”.
Để đáp ứng được thị hiếu của khách hàng, nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng đã mạnh dạn đổi mới. Đầu năm 2024, vợ chồng chị Hằng đã chuyển đổi mô hình từ xưởng sản xuất thành hợp tác xã, đó là Hợp tác xã thêu tay Mỹ Đức. Sau khi thành lập, được sự quan tâm, hướng dẫn của xã Đồng Tâm và huyện Mỹ Đức, nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng đã đưa 5 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Qua đánh giá, phân hạng, 5 sản phẩm thêu tay của Hợp tác xã đã được UBND huyện Mỹ Đức cấp chứng nhận OCOP 3 sao.
Từ những bức tranh thêu đơn giản, khổ nhỏ, chị Hằng và những người thợ lành nghề đã cần mẫn sáng tạo, học hỏi để phát triển lên như thêu phong cảnh, thêu truyền thần, thêu đồ nội thất và nhất là thêu trên trang phục... Những bộ trang phục được kết hợp với làng nghề dệt vải và nhà thiết kế khác có điểm nhấn từ những hình thêu độc đáo, hình thêu 3D được người tiêu dùng rất ưa chuộng.
Chính niềm yêu nghề, sự cần mẫn của những người nghệ nhân đã khiến cho tranh thêu tay ngày càng trở nên độc đáo, tinh xảo, phá cách và cuốn hút hơn với người dùng... Từ đó, nghề thêu tay truyền thống tiếp tục được gìn giữ và phát triển.