Sức khỏe

Đề phòng nguy cơ từ bệnh do não mô cầu

Đức Trân 04/01/2025 10:20

Bệnh do não mô cầu lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc gần và có khả năng gây thành dịch. Bệnh thường để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, khuyết tật do mất chi. Tỷ lệ tử vong có thể từ 5 - 15%.

bai chinh
Bệnh nhân mắc viêm màng não do não mô cầu điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Đức Trân.

Theo báo cáo từ Trung tâm Y tế TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), trên địa bàn thành phố vừa ghi nhận trường hợp bệnh nhi 12 tuổi tại phường Long Bình Tân mắc bệnh do não mô cầu. Bệnh nhi có tiền sử chưa tiêm vaccine phòng bệnh có thành phần não mô cầu, khởi phát bệnh ngày 4/12 với triệu chứng sốt, nôn, đau ngực, khó thở, tiêu chảy nhiều lần.

Sau đó, bệnh nhi được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai trong tình trạng sốt cao, nôn ói, ban hoại tử hình sao toàn thân, sốc. Bệnh nhân được chẩn đoán ban đầu là sốc nhiễm trùng nghi do não mô cầu. Cùng ngày, bệnh nhân được lấy mẫu máu xét nghiệm PCR phát hiện tác nhân gây nhiễm khuẩn huyết là vi khuẩn Neisseria meningitides.

Bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur TPHCM, cho kết quả dương tính với não mô cầu. Bệnh nhân đang được điều trị tích cực tại khoa Hồi sức tích cực với chẩn đoán sốc nhiễm trùng đường tiêu hóa – nhiễm trùng huyết - ARDS nặng, suy đa cơ quan.

Trước đó, khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cũng cho biết đã tiếp nhận 2 bệnh nhân đến từ Bắc Kạn. Đó là 2 bố con cùng được Chẩn đoán Viêm màng não do não mô cầu - Nhiễm khuẩn huyết.

BS Trần Quang Đại - phòng tiêm chủng vaccine (Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho hay, bệnh viêm màng não do não mô cầu không phải là một bệnh hiếm gặp nhưng hậu quả rất nghiêm trọng. “Đây là một bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra bởi vi khuẩn Neisseria meningitidis. Não mô cầu được chia thành 6 nhóm: A, B, C, W-135, X và Y. Cả 6 nhóm này đều có khả năng gây dịch. Bệnh do não mô cầu gây ra cũng rất đa dạng như nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, viêm phổi, viêm khớp, viêm tai giữa, viêm nắp thanh môn… Trong đó, bệnh viêm màng não là hay gặp nhất và để lại hậu quả nghiêm trọng nhất. Tại Việt Nam, nhóm B và A là 2 tuýp hay gây bệnh dịch” - BS Đại thông tin.

Theo chuyên gia, viêm màng não do não mô cầu lây truyền từ người sang người, lây qua đường hô hấp. Đây là một bệnh truyền nhiễm cấp tính thường khó chẩn đoán sớm và tiến triển nhanh, thường gặp ở lứa tuổi trẻ và có khả năng gây thành dịch. Bệnh thường để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt với tỷ lệ từ 10-20%. Tỷ lệ tử vong có thể từ 8 - 15%.

GS.TS Phan Trọng Lân - Chủ tịch Hội Y học dự Phòng Việt Nam (Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) cho biết, tại Việt Nam, bệnh não mô cầu xâm lấn vẫn đang là gánh nặng của cộng đồng. Trong đó, viêm màng não do não mô cầu là 1 trong 10 bệnh truyền nhiễm có tỉ lệ tử vong cao nhất. “Viêm màng não do não mô cầu đã gây ra hàng loạt đợt dịch lớn trên toàn cầu. Ước tính mỗi năm thế giới ghi nhận khoảng 1,2 triệu ca mắc với khoảng 135.000 ca tử vong… Tại Việt Nam, khoảng 90% số ca mắc là nhiễm huyết thanh nhóm B. Bệnh não mô cầu xâm lấn rất nguy hiểm, có thể gây tử vong chỉ trong vòng 24 giờ. Tỉ lệ tử vong cũng lên đến 50% nếu không được điều trị kịp thời, 20% số ca sống sót phải chịu di chứng như cắt cụt chi, suy giảm trí tuệ, mất thính lực” – GS Lân chia sẻ thêm.

Vị chuyên gia này cho biết, triệu chứng của bệnh do não mô cầu thường gặp là sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn, gáy cứng (trẻ nhỏ có thóp phồng), lơ mơ, nhạy cảm với ánh sáng, có thể xuất hiện ban xuất huyết hình sao hoặc biểu hiện sốc nhiễm khuẩn.

Trong cộng đồng, tỷ lệ người mang vi khuẩn không có triệu chứng lâm sàng (người lành mang trùng) ở mũi, hầu, họng từ 5 - 25%. Tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn tại khu vực ổ dịch. Bệnh thường xảy ra ở nơi tập trung đông người, người bị suy giảm miễn dịch hoặc đồng nhiễm khuẩn đường hô hấp.

Để phòng bệnh do não mô cầu, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường. Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, luyện tập, nâng cao thể trạng. Thực hiện tốt vệ sinh, thông khí nơi ở, nơi làm việc. Chủ động tiêm vaccine phòng bệnh có thành phần não mô cầu tại các cơ sở y tế. Khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Đức Trân