Pháp luật

Tổ chức tín dụng có vô can khi liên quan đến đòi nợ thuê?

Đức Sơn (thực hiện) 06/01/2025 11:34

Thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng một số tổ chức tín dụng thuê hoặc ủy quyền cho các tổ chức, cá nhân đi đòi nợ theo kiểu “xã hội đen” gây bức xúc trong dư luận. Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với luật sư Lê Ngọc Hoàng - Trưởng Văn phòng Luật sư Long Tâm (Đoàn Luật sư Hà Nội) xung quanh vấn đề này.

Anh bai duoi
Luật sư Lê Ngọc Hoàng.

PV: Ông nhận định như thế nào về tình trạng một số tổ chức tín dụng liên kết với các tổ chức, cá nhân đòi nợ theo kiểu “xã hội đen” xuất hiện ngày càng nhiều trong thời gian vừa qua?

Luật sư LÊ NGỌC HOÀNG: Việc vay nợ giữa cá nhân với các tổ chức tín dụng (chủ nợ) là hoạt động bình thường trong xã hội và mang tính chất quan hệ dân sự với nhau. Do đó, khi xảy ra tranh chấp nhất thiết phải thực hiện theo nguyên tắc “do cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định pháp luật”.

Hiện xảy ra tình trạng nhiều người làm ăn gặp khó khăn, phá sản, không thể trả nợ đúng hẹn cho “chủ nợ” được dẫn đến các tổ chức tín dụng cho vay đã thuê các Công ty, tổ chức, cá nhân đòi nợ theo kiểu “xã hội đen”. Họ dùng các hành vi trái pháp luật như: đe dọa, bắt giữ, thu giữ tài sản, đánh đập gây thương tích, bôi xấu, vu khống... đối với người vay tiền, với mục đích duy nhất là bằng mọi cách ép buộc “con nợ” trả tiền nhanh nhất. Đồng thời, bên đòi nợ cũng được hưởng hoa hồng cao. Với tư cách là Luật sư tranh tụng nhiều năm, tôi khẳng định, mọi hành vi đòi nợ như trên đều là việc làm vi phạm pháp luật.

Cùng với các hành vi đòi nợ bất hợp pháp trên là hệ quả gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho xã hội như: Đánh, cãi chửi dẫn đến thương tích hoặc thiệt hại tính mạng, ảnh hưởng công ăn việc làm và gây mất uy tín, danh dự nghiêm trọng cho người vay tiền... ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự xã hội.

Đối với trường hợp cơ quan chức năng xác định được các tổ chức tín dụng thuê (hoặc có liên quan) đến việc đòi nợ theo kiểu “xã hội đen” thì phải chịu trách nhiệm và bị xử lý như thế nào thưa ông?

- Xuất phát từ việc đòi nợ bất hợp pháp bị nghiêm cấm theo quy định tại Điểm h, Khoản 1, Điều 6 của Luật Đầu tư 2020 cho nên mọi hành vi đòi nợ bất hợp pháp phải bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.

Người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự phạt tù hoặc có thể bị lĩnh mức án đến chung thân, tử hình nếu đủ cấu thành tội phạm theo các tội danh của Bộ luật Hình sự 2015: Tội làm nhục người khác (Điều 155); tội vu khống (Điều 156); tội giết người (Điều 123); tội cố ý gây thương tích (Điều 134); tội cướp tài sản (Điều 168); tội cưỡng đoạt tài sản (170); tội xâm phạm chỗ ở bất hợp pháp (Điều 158); tội cố ý làm hư hỏng tài sản hoặc hủy hoại tài sản (Điều 178); tội gây rối trật tự công cộng (Điều 318)...

Pháp luật quy định: Người sử dụng dịch vụ “đòi nợ thuê” có thể sẽ bị xem là đồng phạm theo quy định tại Điều 17 Bộ luật Hình sự năm 2015 và sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội danh như: đe dọa giết người; cố ý gây thương tich; Xâm phạm chỗ ở bất hợp pháp; gây rối trật tự công cộng... Trong trường hợp tổ chức tín dụng cùng thống nhất, yêu cầu bên được thuê đòi nợ thực hiện các hành vi đòi nợ bất hợp pháp cho mình hoặc có biết được nhưng không phản đối các hành vi này. Như vậy, đương nhiên các tổ chức tín dụng đó sẽ bị xử lý hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự cùng tội danh với bên đòi nợ thuê tùy theo tính chất, mức độ cấu thành tội phạm trong vụ án cụ thể.

Để ngăn chặn có hiệu quả các hành vi đòi nợ bất hợp pháp, ngành chức năng cần có những giải pháp gì?

- Để ngăn chặn tình trạng đòi nợ theo kiểu “xã hội đen”, theo tôi trước hết các ngành chức năng cần kiên quyết đấu tranh phòng, chống, trấn áp tội phạm liên quan đến hoạt động đòi nợ trái pháp luật bằng cách: Rà soát các hoạt động tín dụng tại địa bàn cơ quan quản lý. Giải quyết kịp thời nhanh chóng tin báo tố giác tội phạm trong nhân dân; Phát hiện kịp thời, điều tra các hành vi vi phạm có nguyên nhân từ hoạt động đòi nợ thuê, đặc biệt truy tận gốc các ổ nhóm “tín dụng đen” với hành vi cho vay nặng lãi để xử lý trước pháp luật.

Ngành chức năng cũng cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cấp phép tổ chức tín dụng, cơ sở kinh doanh cầm đồ trong đó đặc biệt phải chi tiết hóa các thủ tục, quy trình, hợp đồng “Cho vay - Thu hồi nợ” nhằm tăng cường sự quản lý Nhà nước, phù hợp với thực tế và phát hiện sự “lệch chuẩn” trong hoạt động này.

Ngoài ra, cần sửa đổi điều luật quy định về tội “cho vay lãi nặng” để xử lý nguyên nhân chính dẫn đến hoạt động “đòi nợ bất hợp pháp” theo hướng tăng mức phạt tiền và tăng hình phạt so với mức 5 năm tù như hiện nay là quá thấp không đủ sức răn đe tội phạm và xử lý từ gốc nguyên nhân dẫn đến tội phạm đòi nợ bất hợp pháp.

Xin cảm ơn ông!

Đức Sơn (thực hiện)