Sau chấn thương nặng, Xuân Son cần bao lâu để phục hồi?
Theo chuyên gia y tế, Xuân Son phải trải qua 2 giai đoạn phẫu thuật và phục hồi. Thời gian có thể phục hồi hoàn toàn có thể từ 15-18 tháng.
Theo thông tin mới nhất từ VFF, Xuân Son sẽ trở về Việt Nam để phẫu thuật tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
Đây là "Trung tâm y học thể thao xuất sắc" theo chuẩn của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) - hệ thống tiêu chuẩn cao nhất dành cho các cơ sở y tế và bệnh viện cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tối ưu cho các cầu thủ bóng đá châu Á.
Trước đó, cầu thủ Nguyễn Xuân Son gặp chấn thương nặng trong trận đấu với Thái Lan tối 5/1. Sau vài phút sơ cứu, Son được đưa lên xe cứu thương chuyển đến bệnh viện ở Bangkok. Kết quả khám và chụp chiếu xác định Son bị gãy xương mác và xương chày chân phải.
Vì vậy, cầu thủ sinh năm 1997 sẽ cần có sự điều trị đặc biệt và nhiều thời gian để phục hồi trở lại.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, PGS.TS Võ Tường Kha - Trưởng Bộ môn Y học thể thao, Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, với trường hợp chấn thương của Xuân Son, do gãy cả hai xương nên kỹ thuật phẫu thuật chỉnh hình, nắn chỉnh phức tạp hơn nhưng cơ hội phục hồi khả quan hơn.
“Xuân Son gãy 1/3 giữa xương cẳng chân phải. Kiểm tra sơ bộ chưa thấy có tổn thương ở đầu gối và cổ chân. Phần gãy không di lệch nhiều, không có nhiều mảnh.
Xuân Son không có tổn thương gối, cổ chân và bộ phận khác. Cơ hội hồi phục phụ thuộc nhiều yếu tố bao gồm trình độ kỹ thuật của êkíp phẫu thuật, chăm sóc hậu phẫu, giữ không bị nhiễm trùng sau mổ, tập phục hồi chức năng, dinh dưỡng và tâm lý”, PGS.TS. Võ Tường Kha nói.
Theo chuyên gia này, việc điều trị và phục hồi có thể trải qua 2 giai đoạn phẫu thuật và phục hồi.
Theo đó, các bác sĩ ngoại chấn thương chỉnh hình sẽ điều trị bằng nhiều biện pháp như nẹp hoặc đóng đinh nội tủy kín, phụ thuộc vào diễn biến khi mổ. Tuy nhiên, ngay sau phẫu thuật, bệnh nhân cần phải tập vận động tránh teo cơ, cứng khớp khiến quá trình phục hồi chức năng khó hơn.
Sau giai đoạn phẫu thuật này, Xuân Son phải phục hồi chức năng với các bài tập liên quan đến sức bền, sức mạnh từng nhóm cơ chân, cơ đùi, biên độ hoạt động khớp, nâng dần các lượng vận động tùy theo tiến triển phục hồi.
Trung bình 2-3 tuần, vận động viên phải thay đổi bài tập theo chỉ định của bác sĩ và từ 4-6 tuần có thể tập đứng, đi, phục hồi chức năng kèm nạng.
Đến giai đoạn 3 tháng, bệnh nhân có thể bỏ nạng và bắt đầu các bài tập sức mạnh, sức bền với tải tăng dần và bài tập riêng dành cho vận động viên.
Đến 9-12 tháng, bác sĩ phải phẫu thuật lần 2 tháo dụng cụ. Sau ca mổ này, bệnh nhân phải phục hồi chức năng thêm lần nữa kết hợp với dinh dưỡng, tâm lý thì thời gian có thể phục hồi hoàn toàn từ 15-18 tháng.
“Ngoài kỹ thuật mổ tốt, việc phục hồi chức năng tại bệnh viện, tại đội tuyển, câu lạc bộ rất quan trọng. Nếu thuận lợi, cầu thủ này có thể sớm trở lại với bóng đá đỉnh cao hơn dự kiến”, chuyên gia nhấn mạnh.