Ngành nông nghiệp nỗ lực tăng tốc
Khẳng định năm 2025 sẽ là năm tăng tốc, bứt phá về đích cho mục tiêu Kế hoạch phát triển ngành 5 năm (2021 - 2025), Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng toàn ngành đạt từ 3,3 - 3,4%, tương đương tổng kim ngạch xuất khẩu vào khoảng 64 - 65 tỷ USD trong năm 2025.
Đặt mục tiêu tăng trưởng 3,3 - 3,4%
Chia sẻ về định hướng phát triển trong năm 2025, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đi qua năm 2024 với nhiều cung bậc cảm xúc, từ nỗi lo vì chuỗi logistics toàn cầu bị ảnh hưởng, cho đến sự đau xót vì những hậu quả nặng nề do cơn bão số 3 (Yagi) để lại, rồi cuối cùng là niềm vui vỡ òa khi toàn ngành đạt kim ngạch xuất khẩu ở mốc 62,5 tỷ USD. Con số này vượt xa mục tiêu xuất khẩu nông - lâm - thủy sản là 55 tỷ USD trong năm 2024.
Từ những kết quả đạt được trong năm 2024, dự báo năm 2025, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng trong năm 2025. Ông Ngô Hồng Phong - Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NNPTNT) đánh giá, nhu cầu nhập khẩu lương thực, thực phẩm của thế giới dự báo có thể tăng do nguồn cung bị đứt gãy ở nhiều quốc gia, dưới tác động của các cuộc xung đột vũ trang, cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn...
Trong bối cảnh đó, Mỹ và Trung Quốc vẫn là 2 thị trường xuất khẩu chủ lực của các mặt hàng nông sản Việt Nam. Theo ông Phong, Mỹ là thị trường tiêu dùng lớn các sản phẩm như cà phê, hạt điều, hồ tiêu... nhưng không có thế mạnh để sản xuất. Đây cũng là thị trường tiêu thụ trái cây khổng lồ, còn nhiều dư địa cho trái cây Việt Nam mở rộng và phát triển, đặc biệt với các loại rau quả, thực phẩm hữu cơ có lợi cho sức khỏe, các loại trái cây lệch mùa vụ, trái cây nhiệt đới mà sản lượng trong nước hạn chế. Về phía Trung Quốc, ngoài nhu cầu với các mặt hàng rau quả và thủy sản, vị trí địa lý thuận lợi là điểm cộng để các nông sản Việt Nam vẫn giữ được chất lượng tự nhiên và độ tươi ngon khi tiếp cận thị trường tỷ dân.
Đề cập về cơ hội cho ngành rau quả năm 2025, theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh và dừa tươi được ký kết với Trung Quốc vào tháng 8/2024 sẽ giúp ngành rau quả Việt Nam có thêm nguồn thu ngoại tệ trong năm 2025. “Chúng tôi kỳ vọng ngành rau quả sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 8 tỷ USD. Riêng các sản phẩm như sầu riêng đông lạnh và dừa tươi, mỗi mặt hàng có thể mang về thêm 200 - 300 triệu USD” - ông Nguyên nói.
Kiến tạo không gian phát triển
Năm 2025, ngành NNPTNT đặt mục tiêu tăng trưởng toàn ngành đạt từ 3,3 - 3,4%, tương đương tổng kim ngạch xuất khẩu vào khoảng 64 - 65 tỷ USD. Tuy nhiên, theo Bộ NNPTNT, câu chuyện xuất khẩu nông sản Việt Nam phải đối diện những khó khăn, thách thức về mở cửa thị trường, nhất là nhiều nước đang có xu hướng nâng cao các tiêu chuẩn, đây là xu hướng tất yếu của quá trình phát triển.
Do sản xuất nông nghiệp ở nước ta vẫn có quy mô nhỏ lẻ, manh mún, chuỗi liên kết còn rời rạc nên để đáp ứng các yêu cầu mới của thị trường sẽ gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian hơn. Bên cạnh đó, khả năng cạnh tranh về chi phí logistics, hạ tầng, kho lạnh còn chưa đáp ứng được.
"Đã đến lúc không nên chủ quan với việc tăng kim ngạch con số mấy chục phần trăm như những năm vừa qua, mà lại không để tâm rằng các đối thủ của chúng ta không đứng yên. Họ cũng luôn luôn cải thiện vị trí của họ trên thị trường, cạnh tranh với Việt Nam. Do đó, về phía các doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn đến tính bền vững, tác động của biến đổi khí hậu, tăng cường các chứng nhận bền vững về trách nhiệm xã hội, môi trường" - đại diện Bộ NNPTNT nói.
Xuất phát từ thực tế trên, để đạt được những mục tiêu này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh đến giải pháp kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng mới của ngành; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phấn đấu vượt mục tiêu tăng trưởng ở mức cao nhất.
Bên cạnh đó là phát triển mạnh thị trường tiêu thụ nông - lâm - thủy sản cả trong nước và xuất khẩu; xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo chuỗi cung ứng thị trường trong nước.
Một trong những giải pháp quan trọng là thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chủ động hội nhập quốc tế để mở cửa thị trường.