Du lịch Quảng Ninh với mục tiêu doanh thu 50.000 tỷ đồng trong năm 2025
Năm 2024 được đánh giá là một năm "bứt tốc" của ngành du lịch Quảng Ninh với tổng số 19 triệu lượt khách. Năm 2025, Quảng Ninh phấn đấu đón 20 triệu lượt khách với doanh thu 50.000 tỷ đồng.
Khẳng định thương hiệu du lịch biển đảo
Cùng với những "thương hiệu" du lịch truyền thống của Quảng Ninh như: vịnh Hạ Long, Yên Tử, Móng Cái..., sự chuyển mình, phát triển mạnh mẽ của du lịch Cô Tô, Vân Đồn gợi mở nhiều cơ hội, triển vọng lớn trong liên kết giữa 2 thương hiệu du lịch biển, đảo này. Đây được coi là một trong những định hướng, nhiệm vụ quan trọng trước mắt và trong dài hạn của 2 địa phương, đồng thời là định hướng của ngành du lịch tỉnh.
Năm 2024, Vân Đồn làm mới mình khi đưa 13/14 sản phẩm mới vào hoạt động đón khách. Đó là các trải nghiệm cắm trại, thể thao, tiệc cưới ngoài trời; du lịch nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp với rèn luyện sức khỏe, đáp ứng đa dạng nhu cầu, kể cả với dòng khách cao cấp. Cuối năm qua, du khách còn được hòa mình vào không gian tuyệt đẹp của Lễ hội Cam (xã Vạn Yên); giàu bản sắc của Làng Văn hóa - Du lịch Sán Dìu (xã Bình Dân)… Và nhiều trải nghiệm du lịch sinh thái liên tục được làm mới ở nhiều điểm đến.
Nếu Vân Đồn đem lại nhiều ấn tượng với các trải nghiệm trên bờ, thì đến Cô Tô du khách sẽ có chuyến du lịch biển mới lạ, đặc sắc. Mùa du lịch 2024, Cô Tô đưa vào thí điểm, triển khai, như: Lặn biển và dọn vệ sinh môi trường ở vùng biển Vụng Tròn, Ngọc Trai... (xã Thanh Lân); khám phá bầu trời và cảnh quan Cô Tô từ trên cao với khinh khí cầu; tour xuyên 5 bãi biển độc đáo ở Thanh Lân qua các bãi C76 - C7 - Vụng Tròn - Tam Thao - Đầu Trâu liền kề nhau đầy hoang sơ…
Ngoài ra, 2 địa phương sở hữu nhiều hòn đảo du lịch là Vân Đồn, Cô Tô còn tổ chức nhiều hoạt động kích cầu lớn, đảm bảo môi trường du lịch, bảo vệ quyền lợi du khách. Nhờ đó năm 2024 du lịch biển Vân Đồn, Cô Tô đã gặt hái được nhiều thành công. Trong đó, Vân Đồn đón trên 1,8 triệu lượt khách, doanh thu đạt 2.831 tỷ đồng; Cô Tô đón khoảng 310.000 lượt khách, doanh thu đạt 930 tỷ đồng. Qua đó đóng góp tích cực vào mục tiêu chung của ngành du lịch Quảng Ninh.
Cánh cửa 2025 rộng mở
Theo thống kê của ngành du lịch, năm 2024 lượng khách du lịch đến Quảng Ninh đạt 19 triệu lượt, bằng 122% so với năm 2023. Tổng doanh thu từ du lịch đạt 46.552 tỷ đồng, bằng 139% so với năm 2023.
Năm 2025, Quảng Ninh phấn đấu đón 20 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 4,5 triệu lượt khách quốc tế. Doanh thu từ ngành du lịch là 50.000 tỷ đồng.
Để hoàn thành mục tiêu này, ngành du lịch của tỉnh triển khai thực hiện Đề án Phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và quốc tế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, Quảng Ninh tiếp tục tổ chức liên kết phát triển sản phẩm, thị trường, kết nối tour, tuyến, điểm du lịch giữa các địa phương trong tỉnh, trong vùng và liên vùng; khai thác tối đa lợi thế mới từ hệ thống giao thông chiến lược. Cùng với đó, tỉnh đang đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án du lịch, dịch vụ, phát triển các sân golf theo quy hoạch; xây dựng các trung tâm du lịch trọng điểm tại Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Móng Cái, Uông Bí, Cô Tô …
Đối với công tác xúc tiến, bên cạnh các thị trường khách quốc tế truyền thống, tỉnh đang từng bước mở ra các thị trường mới; đồng thời, thúc đẩy phát triển thị trường nội địa, các khu vực công nghiệp, sản xuất lớn.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh Nguyễn Huyền Anh, trong thời gian tới, Sở sẽ chủ động kết nối hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch bao gồm: Lữ hành, tàu biển, điểm đến, vui chơi giải trí, ăn nghỉ, mua sắm để tạo chuỗi các sản phẩm phục vụ du lịch tàu biển – một “mỏ vàng” mà Quảng Ninh đang khai thác rất tốt.
Quảng Ninh cũng tiếp tục đa dạng hóa hình thức, sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của dịch vụ du lịch, nhất là sản phẩm: Du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch biển đảo, Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh…, để Quảng Ninh thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn quanh năm.