Pháp luật

Xét xử hai cựu Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới

Văn Thanh 07/01/2025 19:24

TAND TP Hà Nội tuyên án sơ thẩm đối với 30 bị cáo trong vụ án nhận hối lộ tại các Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 2906V và 2904V.

Xét xử 2 cựu Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới ddk
Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 2906V.

Ngày 7/1, TAND TP Hà Nội tuyên án sơ thẩm với 30 bị cáo trong vụ án nhận hối lộ tại các Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 2906V và 2904V (Cục Đăng kiểm Việt Nam) sau 2 ngày xét xử.

Cụ thể, bị cáo Lê Hồ Tuấn (SN 1969, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 2906V) bị phạt 5 năm 6 tháng tù về tội "Nhận hối lộ".

Cùng tội danh trên, bị cáo Trần Ngọc Tuấn (SN 1975, Phó Giám đốc Trung tâm 2906V) nhận 30 tháng tù; Cao Văn Tư (Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 2904V) lĩnh 24 tháng tù.

Các bị cáo còn lại nhận từ 12 tháng tù cho hưởng án treo đến 36 tháng tù.

Theo hồ sơ bản cáo trạng, Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 2906V, thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam được thành lập năm 2003 do Lê Hồ Tuấn làm Giám đốc từ ngày 1/8/2020 đến ngày 9/1/2023. Còn Trung tâm 2904V được thành lập năm 1996, do Lê Hồ Tuấn làm Giám đốc từ 2016 đến 2020 và Cao Văn Tư làm Giám đốc từ năm 2020 - 2024.

Các trung tâm đăng kiểm trên có chức năng tổ chức kiểm định và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho các loại xe, máy chuyên dùng và xe cơ giới; kiểm định thử tải theo quy định.

Việc thực hiện kiểm định phương tiện xe cơ giới tại các trung tâm đăng kiểm phải trải qua 5 giai đoạn trên 1 dây chuyền; mỗi giai đoạn sẽ do 1 đăng kiểm viên phụ trách.

Quá trình đăng kiểm tại 2 trung tâm, nếu phát hiện ra các lỗi có thể bỏ qua được khi nhìn bằng mắt thường, đăng kiểm viên sẽ gọi chủ xe để trực tiếp trao đổi, thông báo cho chủ xe biết việc xe có lỗi rồi nói với chủ xe "nên động viên anh em" và gợi ý chủ xe đưa tiền để được bỏ qua lỗi đăng kiểm, không bị yêu cầu phải đưa xe ra ngoài để sửa chữa.

Cáo trạng nêu, ngoài việc "gợi ý" như trên, các đăng kiểm viên trong quá trình gặp trực tiếp lái xe còn hướng mắt về khu vực kiểm tra khí thải và nói "làm việc tại đó" để chủ xe đi tới khu vực này đặt tiền vào trong một hộp. Hộp này được đặt sẵn trong khu kiểm tra khí thải, tại vị trí dễ nhìn thấy bằng mắt thường.

Khi chủ xe vào trong phòng khí thải sẽ phải đặt số tiền trung bình từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng, tùy từng loại xe ô tô và từ 1 triệu đồng đến 1,7 triệu đồng đối với các xe đã hoán cải để bỏ qua lỗi.

Sau khi đăng kiểm viên thấy họ đặt tiền vào hộp sẽ đánh giá các xe đều đạt kiểm định và gửi đánh giá lên phòng hành chính để in giấy tờ, làm thủ tục cấp giấy chứng nhận kiểm định.

Bằng phương thức và thủ đoạn trên, trong thời gian từ tháng 12/2016 đến tháng 4/2023, Lê Hồ Tuấn cùng Cao Văn Tư và đồng phạm đã nhận hối lộ của Công ty Dịch vụ và kỹ thuật ô tô Tiên Phong, các chủ phương tiện đến đăng kiểm với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, 7 nhân viên làm việc tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 2906V, cứ cuối ngày, được lãnh đạo trung tâm chi cho tiền bồi dưỡng từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng.

Cơ quan tố tụng cho rằng, các nhân viên đều biết số tiền nhận được là tiền mà các đăng kiểm viên nhận từ chủ phương tiện.

Tuy nhiên, 7 nhân viên ở trung tâm này không trực tiếp nhận tiền, không được bàn bạc về nhận tiền và chia tiền. Cùng với đó, những người này thành khẩn khai báo nên không cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

Văn Thanh