Giám sát - Phản biện

Sửa đổi Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp: Cần hướng tới các mô hình kinh doanh mới

H.Hương 08/01/2025 11:55

Nền kinh tế Việt Nam đã có những thay đổi sâu sắc. Quy mô GDP hiện đạt khoảng 430 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người tăng lên 4.300 USD. Theo quan điểm của luật sư Hà Huy Phong - Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Inteco những biến động lớn này đòi hỏi hệ thống thuế, bao gồm Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp, cần được điều chỉnh kịp thời để bắt kịp tốc độ phát triển, đồng thời giải quyết các vấn đề mới phát sinh.

ảnh trên
Nguyên tắc quan trọng nhất khi hoàn thiện Luật Thuế TNDN là đảm bảo cân bằng giữa yêu cầu tăng thu ngân sách nhà nước và mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Ảnh: Quang Vinh.

Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) hiện hành được Quốc hội khóa XII tại Kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 3/6/2008, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2009 (thay thế cho Luật Thuế TNDN năm 2003) và đã được sửa đổi, bổ sung 3 lần. Qua hơn 15 năm thực hiện, Luật Thuế TNDN đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến nhiều mặt kinh tế - xã hội của đất nước và đạt được các kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra ngày càng sâu rộng, sự phát triển của công nghệ thông tin, các mô hình kinh tế mới (kinh tế chia sẻ, kinh tế số...), qua triển khai thực hiện chính sách thuế TNDN cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Ngoài ra với sự phát triển nhanh, mạnh của khoa học và công nghệ và Công nghệ thông tin đã tạo điều kiện cho sự xuất hiện và mở rộng của các mô hình kinh doanh mới, nhất là các hoạt động kinh doanh dựa trên nền tảng kỹ thuật số, kinh tế chia sẻ… qua đó, cũng đang đặt ra những yêu cầu mới cho việc hoàn thiện chính sách thuế TNDN của Việt Nam.

Dự thảo Luật Thuế TNDN sửa đổi với 4 chương và 20 điều đang thu hút sự chú ý của cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh những thay đổi quan trọng trong quy định về người nộp thuế và thu nhập chịu thuế, dự thảo Luật còn hướng tới việc cải thiện chính sách ưu đãi thuế để hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới và hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế số.

Luật sư Hà Huy Phong phân tích, tính đến nay, Luật Thuế TNDN năm 2008 có hiệu lực hơn 16 năm, với một số thay đổi và điều chỉnh trong các năm 2013, 2014, 2020, 2022 và 2023. Trong hơn 16 năm qua Luật đã đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế vượt bậc của Việt Nam, từ một nền kinh tế đang phát triển thành một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP hàng đầu khu vực.

Tuy nhiên, thời gian qua, nền kinh tế Việt Nam đã có những thay đổi sâu sắc. Quy mô GDP hiện đạt khoảng 430 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người tăng lên 4.300 USD. Những biến động lớn này đòi hỏi hệ thống thuế, bao gồm Luật Thuế TNDN, cần được điều chỉnh kịp thời để bắt kịp tốc độ phát triển, đồng thời giải quyết các vấn đề mới phát sinh.

Việc sửa đổi Luật thuế TNDN có ý nghĩa hết sức quan trọng và cần thiết phải được thực hiện một cách căn cơ, đi từ những nguyên lý điều chỉnh đến các điều khoản cụ thể nhằm phản ánh được yêu cầu đổi mới trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước và khắc chế một số tồn tại, bất cập đã được tổng kết trong thời gian vừa qua.

Trước hết, nền kinh tế Việt Nam đã xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh mới như kinh tế số, kinh tế chia sẻ và thương mại điện tử. Các nguồn thu nhập từ những lĩnh vực này chưa được điều chỉnh đầy đủ trong luật hiện hành, dẫn đến khoảng trống pháp lý và khó khăn trong quản lý.

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng chuyển đổi số đang làm thay đổi mạnh mẽ cách thức hoạt động kinh doanh, từ đó làm phức tạp hóa quy trình quản lý thuế. Ví dụ, các dòng thu nhập xuyên biên giới thông qua nền tảng kỹ thuật số hoặc các giao dịch điện tử quốc tế đang ngày càng khó kiểm soát nếu không có cơ chế pháp lý chặt chẽ.

Việt Nam đang phải đối mặt với áp lực hội nhập quốc tế, trong đó có việc thực hiện cam kết với các tổ chức tài chính toàn cầu. Các cơ chế điều chỉnh mới như thuế tối thiểu toàn cầu, CBAM (Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU) cũng đang tác động trực tiếp tới chính sách thuế doanh nghiệp. Nếu không có những thay đổi phù hợp, doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp bất lợi khi cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Tất cả những yếu tố này không chỉ đặt ra yêu cầu khắc phục hạn chế của luật hiện hành mà còn mở ra cơ hội để xây dựng một hệ thống thuế hiện đại, đồng bộ hơn.

Do vậy theo luật sư Hà Huy Phong nguyên tắc quan trọng nhất khi hoàn thiện luật là đảm bảo cân bằng giữa yêu cầu tăng thu ngân sách nhà nước và mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Chính sách thuế cần được xây dựng để vừa đảm bảo trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Cụ thể, cần áp dụng mức thuế suất hợp lý, ưu tiên giảm gánh nặng thuế cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, và các ngành công nghiệp xanh. Ngược lại, có thể cân nhắc áp dụng mức thuế cao hơn đối với các ngành khai thác tài nguyên, gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.

“Bên cạnh đó, Luật cần được thiết kế linh hoạt hơn, có khả năng thích ứng với các mô hình kinh doanh mới và nhanh chóng điều chỉnh để phản ánh thực tiễn. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) trong quản lý thuế cần được chú trọng nhằm giảm thiểu sai sót và tăng cường minh bạch” - luật sư Hà Huy Phong nói đồng thời cho rằng cần xây dựng một khung pháp lý đồng bộ, bao gồm sự phối hợp chặt chẽ giữa Luật Thuế TNDN, Luật Quản lý thuế, Luật An ninh mạng, và các hiệp định quốc tế về thuế. Ngoài ra, cần tăng cường năng lực quản lý thuế bằng cách ứng dụng công nghệ hiện đại như blockchain trong kiểm soát giao dịch tài chính, AI trong dự đoán và phân tích hành vi trốn thuế.

Việc hợp tác với các tổ chức tín dụng, các sàn thương mại điện tử, và các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán là rất quan trọng để mở rộng phạm vi quản lý thuế. Đồng thời, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác trong việc xây dựng các chính sách thuế tối ưu, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế số.

Việc sửa đổi Luật thuế TNDN có ý nghĩa hết sức quan trọng và cần thiết phải được thực hiện một cách căn cơ, đi từ những nguyên lý điều chỉnh đến các điều khoản cụ thể nhằm phản ánh được yêu cầu đổi mới trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước và khắc chế một số tồn tại, bất cập đã được tổng kết trong thời gian vừa qua.

H.Hương