Có chấm dứt được nạn dạy thêm?
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư mới cấm giáo viên dạy thêm thu tiền với học sinh chính khóa đã khiến dư luận xôn xao. Phụ huynh vui mừng vì áp lực tài chính được tháo gỡ, nỗi lo con em bị phân biệt đối xử giảm đi. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, quy định này mới chỉ như liều thuốc giảm đau tạm thời, trong khi nguyên nhân sâu xa vẫn chưa được chạm tới.
“Vì sao con tôi đã học 2 buổi ở trường rồi mà cô giáo vẫn gợi ý đi học thêm ở nhà cô?” - đó là câu hỏi, hay nói đúng hơn, đó là lời phàn nàn của một phụ huynh ở Hà Nội. Không phải chỉ một lần, mà băn khoăn này được lặp đi lặp lại trong nhiều năm qua, ở nhiều phụ huynh có con học nhiều khối lớp khác nhau. Tại sao 1 ngày học kín lịch vẫn không đủ? Tại sao giáo viên không thể giúp học sinh tiếp thu ngay trên lớp mà lại đẩy phụ huynh vào thế phải gánh thêm chi phí học thêm?
Ban hành Thông tư số 29/2024 có hiệu lực từ ngày 14/2 tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo mong muốn siết chặt hoạt động dạy thêm, học thêm, giải tỏa những băn khoăn bấy lâu nay của phụ huynh. Quy định này cấm giáo viên dạy thêm ở nhà thu tiền đối với học sinh chính khóa mà mình đang giảng dạy. Những trường hợp được phép dạy thêm trong trường cũng được thu hẹp lại, chỉ áp dụng với học sinh yếu cần hỗ trợ, học sinh giỏi cần bồi dưỡng, và học sinh cuối cấp tự nguyện ôn thi. Đặc biệt, các lớp dạy thêm trong trường không được thu phí, mà phải sử dụng ngân sách.
Thông tư này được kỳ vọng sẽ hạn chế tình trạng “ép học thêm”, giảm áp lực tài chính cho phụ huynh. “Trước đây, tôi luôn lo con mình bị phân biệt đối xử nếu không đi học thêm. Quy định mới này giúp tôi yên tâm hơn” - một phụ huynh chia sẻ. Nhưng liệu quy định này có thực sự giải quyết được vấn đề, hay chỉ là giải pháp bề mặt?
Quay trở lại băn khoăn của vị phụ huynh trên, “Vì sao học 2 buổi ở trường vẫn không đủ?”. Câu trả lời nằm ở chương trình học. Khối lượng kiến thức quá tải, dàn trải khiến học sinh không thể tiếp thu hết trong giờ chính khóa. Học thêm trở thành một vòng xoáy không lối thoát, không phải vì phụ huynh muốn, mà vì họ không còn lựa chọn. Một phụ huynh thẳng thắn: “Nếu con tôi không học thêm, làm sao theo kịp chương trình hiện nay? Ai dám đảm bảo giáo viên sẽ không “dạy thiếu” trên lớp để buộc học sinh phải học thêm?”.
Thông tư mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt ra nhiều kỳ vọng, nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức. PGS.TS Trần Thành Nam (Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, cấm dạy thêm là cần thiết, nhưng cần đi kèm với những cải cách thực sự trong giờ học chính khóa. Ông Nam nhấn mạnh: “Giáo viên phải được hỗ trợ để nâng cao chất lượng dạy học trên lớp. Khi học sinh có thể hiểu bài ngay trong giờ học, nhu cầu học thêm tự khắc giảm”.
Tuy nhiên, việc cải thiện giờ học trên lớp là chưa đủ nếu chương trình học không được điều chỉnh. Hiện nay, chương trình học các cấp quá nặng, nhiều nội dung hàn lâm không thực tế, khiến học sinh vừa học vừa chạy, không có thời gian để tư duy hay thực hành. Một phụ huynh nói: “Cấm dạy thêm thì dễ, nhưng nếu chương trình học không giảm, học sinh vẫn phải tìm cách học thêm ở ngoài thôi. Bộ cần giải quyết từ gốc rễ”.
Thông tư mới là một tín hiệu tích cực, nhưng khó thay đổi toàn diện nếu chỉ dừng lại ở việc cấm giáo viên dạy thêm. Để giải quyết triệt để vấn đề, cần có những cải cách mạnh mẽ trong nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy và cả cách thức quản lý giáo dục. Khi học sinh không còn bị nhồi nhét kiến thức không cần thiết, khi giáo viên có thể hoàn thành trách nhiệm ngay trên lớp, và khi phụ huynh không bị buộc phải lựa chọn học thêm, thì Thông tư mới thực sự mang lại hiệu quả lâu dài.
Hi vọng, học thêm sẽ không còn là nỗi ám ảnh, mà trở thành một lựa chọn tự nguyện, đúng nghĩa của việc “học để hiểu”, chứ không phải “học để theo kịp”.