Tổng Bí thư: Ưu tiên hàng đầu là tinh gọn tổ chức bộ máy của Hệ thống chính trị
Tổng Bí thư đề nghị cần thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế... vững vàng bước vào kỷ nguyên thịnh vượng, giàu mạnh và phát triển.
Sáng 8/1, Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai công tác năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt toàn diện hơn nữa trong quản lý kinh tế
Trong bối cảnh nhiều khó khăn và thách thức, năm 2024, hoàn thành và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch năm 2024. Nổi bật là sự phục hồi tích cực của nền kinh tế, với mức tăng trưởng cao; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát hiệu quả; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm vững chắc. An sinh xã hội được cải thiện rõ rệt, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao.
Chính trị-xã hội ổn định, quốc phòng và an ninh được tăng cường, tạo nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững. Đặc biệt, đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, mở rộng, củng cố vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế. Môi trường hòa bình, ổn định đã được giữ gìn, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đất nước và gia tăng niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Tô Lâm nhiệt liệt hoan nghênh, ghi nhận, chúc mừng, biểu dương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên, đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài về những nỗ lực phấn đấu và những kết quả, thành tích đã đạt được trong năm 2024, tạo nền tảng, động lực mới, khí thế mới, tâm thế mới cho việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2025 và Kế hoạch 5 năm 2021-2025, tạo đà cho mục tiêu hoàn thành toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra, đặc biệt là mục tiêu 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng và 100 năm thành lập nước.
Cơ bản đồng tình với nội dung báo cáo của Chính phủ và ý kiến phát biểu của các đại biểu về dự báo tình hình, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trên các lĩnh vực, Tổng Bí thư đề nghị cần chủ động ứng phó với mọi tình huống, đặc biệt trong bối cảnh dự báo tình hình thế giới và khu vực còn tiếp tục phức tạp, khó đoán định; khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, thời cơ.
Tổng Bí thư lưu ý, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 - năm tăng tốc, bứt phá, về đích, đồng thời là năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và củng cố, chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng để thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.
Tổng Bí thư đề nghị cần thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế; cần phải đổi mới mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, cách mạng, toàn diện hơn nữa trong quản lý kinh tế để chúng ta vững vàng bước vào kỷ nguyên thịnh vượng, giàu mạnh và phát triển. Ưu tiên hàng đầu là tinh gọn tổ chức bộ máy của Hệ thống chính trị theo hướng “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”. Điều này không chỉ là cắt giảm mà còn đòi hỏi cải cách sâu rộng quản trị Nhà nước, minh bạch hóa, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong hành chính, kinh tế, tài chính-ngân sách, quản lý tài nguyên.
Tổng Bí thư chỉ rõ, cần bỏ tư duy “không quản được thì cấm,” đề cao phương pháp “quản lý theo kết quả,” đổi mới phân bổ ngân sách theo kết quả đầu ra, chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm,” tạo không gian mới và động lực phát triển. Thực hiện cải cách mạnh mẽ hệ thống tài chính, ngân hàng, tiền tệ. Hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo minh bạch, đồng bộ, công bằng, nhanh chóng khắc phục những chồng chéo, bất cập trong hệ thống hiện hành, tạo nền tảng pháp lý ổn định, dễ tuân thủ. Tinh thần là một vấn đề, một nội dung chỉ quy định tại một luật; doanh nghiệp được tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm. Cơ quan Nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát là mục tiêu then chốt để xây dựng nền kinh tế vững mạnh, ổn định quán triệt phương châm “phát triển để ổn định - ổn định để phát triển”.
Để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025, coi trọng chất lượng tăng trưởng và phấn đấu tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030, Tổng Bí thư yêu cầu, cần phải thực hiện các giải pháp đồng bộ và hiệu quả. Trong đó, cần đẩy mạnh đột phá về thể chế, đề cao nguyên tắc thị trường trong huy động và phân bổ nguồn lực, đồng thời loại bỏ cơ chế “xin-cho” và tư duy bao cấp.
Tổng Bí thư nêu rõ, cần phát huy sức mạnh từ nhân dân và mọi thành phần kinh tế bằng cách xây dựng một nền hành chính hiệu quả, năng động, môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, minh bạch, chi phí thấp, đạt chuẩn quốc tế để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và làm giàu. Nhà nước phải bảo vệ quyền tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh. Chuyển đổi số quốc gia cần được đẩy mạnh, phát triển kinh tế số và tăng cường kết nối giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Ưu tiên giải quyết các nguồn lực bị lãng phí, như quy hoạch treo, dự án vướng thủ tục, đất công không sử dụng, tài sản tranh chấp và các vụ án kéo dài. Thực hiện chính sách “khoán tăng trưởng” cả về số lượng và chất lượng cho các địa phương đi kèm với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhằm tạo sự năng động, sáng tạo để các địa phương tự tìm cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm đạt mức tăng trưởng hai con số, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế cả nước...
Thấm nhuần tư tưởng trung tâm "Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc"
Tổng Bí thư đề nghị cần tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược, trọng điểm và quan trọng quốc gia, đặc biệt, các dự án về hạ tầng giao thông đường bộ và đường sắt cao tốc, cảng biển, sân bay, năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế và chính sách phát triển điện lực và năng lượng tái tạo, đặc biệt là hydrogen, điện hạt nhân.
Cần ưu tiên phát triển hạ tầng số quốc gia, hạ tầng đổi mới sáng tạo và xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia nhằm tạo nền tảng cho sự phát triển của nền kinh tế số, các ngành mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, hỗ trợ mạnh mẽ cho các doanh nghiệp trong việc ứng dụng công nghệ mới, đồng thời tạo ra các cơ hội mới trong các lĩnh vực như công nghệ tài chính, thương mại điện tử, giáo dục số, y tế số...
Đẩy mạnh thương mại hóa 5G và nghiên cứu công nghệ 6G, phát triển vệ tinh viễn thông và nâng cấp hạ tầng trục viễn thông quốc gia. Đặc biệt, tăng cường nghiên cứu và triển khai các chương trình khai thác hiệu quả không gian vũ trụ, không gian biển và không gian ngầm nhằm mở ra những cơ hội phát triển kinh tế mới và gia tăng năng lực nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ, bảo vệ tài nguyên và chủ quyền quốc gia.
Tổng Bí thư yêu cầu, tập trung thực hiện hiệu quả và thực chất công cuộc cơ cấu lại nền kinh tế, gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Việc phát triển nhanh nhưng phải bền vững cần được xây dựng trên nền tảng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số và đặc biệt là lấy con người làm trung tâm, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Cơ chế quản lý khoa học phải tạo động lực đổi mới sáng tạo như tinh thần “khoán 10” trong nông nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao hay công nghệ sinh học...
Tổng Bí thư nhấn mạnh, chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, và xây dựng con người Việt Nam có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, đồng thời bảo đảm an sinh xã hội xây dựng môi trường sống trong lành, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; hun đúc, nuôi dưỡng tư duy của trẻ em ngay từ khi cắp sách đến trường một tinh thần tự học, tinh thần tự giác, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, sống có hoài bão, lý tưởng và ý chí vươn lên.
Việc đầu tư phát triển văn hóa cần hài hòa với kinh tế và xã hội, tạo dựng một xã hội văn minh, đoàn kết và tiến bộ. Ban hành cơ chế khuyến khích phát triển công nghiệp văn hóa, tạo ra các sản phẩm văn hóa giá trị, phát huy tiềm năng và bản sắc dân tộc. Triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 để nâng cao đời sống tinh thần, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong hội nhập quốc tế. Tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2025 nhằm tăng cường nhận thức cộng đồng về giá trị lịch sử, văn hóa và truyền thống dân tộc. Xây dựng hệ thống chính sách xã hội toàn diện, hiện đại và bền vững. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và hỗ trợ nhóm yếu thế. Đổi mới biện pháp dự báo và giám sát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng hiệu quả. Chính sách về dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng cần công bằng, hiệu quả, hướng tới môi trường sống an toàn, thân thiện. Thúc đẩy bình đẳng giới, tiến bộ phụ nữ, phòng chống bạo lực gia đình, và phát triển thể dục thể thao như yếu tố quan trọng nâng cao chất lượng đời sống người dân...
Bên cạnh đó, bảo vệ vững chắc, độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế; tập trung thực hiện các giải pháp quyết liệt để đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, từ đó nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Tại Hội nghị, Tổng Bí thư đã đưa ra một số câu hỏi mở; lưu ý những vấn đề xuất phát từ thực tiễn cần có những phân tích một cách thấu đáo, khách quan và toàn diện tình hình, tìm nguyên nhân, rút ra những bài học quý giá để đưa ra các giải pháp sáng tạo, hiệu quả và kịp thời nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.
Tổng Bí thư khẳng định, những năm qua, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đạt được những thành tựu quan trọng. Thực tiễn đã chứng minh rằng, càng trong khó khăn, càng thể hiện sự đoàn kết, quyết tâm, đồng lòng và vươn lên mạnh mẽ. Thời điểm hiện tại chúng ta đã có đủ thế và lực, đủ ý chí và quyết tâm để bước vào kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.
Trong không khí rộn ràng chuẩn bị đón năm mới 2025 và những sự kiện trọng đại của đất nước, Tổng Bí thư mong muốn, các đồng chí lãnh đạo, từng cán bộ, đảng viên và công chức, viên chức sẽ thấm nhuần tư tưởng trung tâm "Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc." Coi đây là kim chỉ nam cho mọi hành động, quyết sách và là ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp phát triển đất nước trong giai đoạn tới. Tổng Bí thư tin tưởng rằng, Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương sẽ cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đoàn kết, đồng lòng, phấn đấu không ngừng với quyết tâm và trách nhiệm cao nhất để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu và nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2025 và những năm tiếp theo.