Sức khỏe

Chuyên gia: Không lơ là, chủ quan về virus HMPV

Hoàng Chiến 08/01/2025 18:18

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, mặc dù HMPV là loại virus bình thường, không phải loại nguy hiểm, tuy nhiên, người dân vẫn cần chú ý các biện pháp phòng bệnh giống như các bệnh dịch hô hấp khác.

HMPV là bệnh xảy ra hàng năm

Ngày 8/1, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa có thông tin chính thức liên quan quan đến tình hình bệnh do virus gây viêm phổi trên người (HMPV) tại Trung Quốc.

Liên quan đến dịch bệnh này, trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, PGS.TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh hô hấp này do virus cúm, virus hợp bào hô hấp RSV thông thường gây ra.

PGS.TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế).
PGS.TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế).

Nguyên nhân về số ca mắc gia tăng tại Trung Quốc là do trong thời gian đại dịch Covid-19 giãn cách xã hội, số người mắc bệnh do HMPV giảm, dẫn đến miễn dịch cộng đồng giảm. Trong khi đó, bệnh do virus HMPV vẫn là bệnh xảy ra hàng năm, đặc biệt thời gian đông - xuân.

Vì vậy, khi vào mùa virus phát triển, cùng với biện pháp phòng dịch hạn chế, miễn dịch cộng đồng giảm dẫn đến số ca mắc gần đây có sự gia tăng.

PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh, đây là những loại virus bình thường, không phải loại nguy hiểm vì vậy người dân không nên quá hoang mang. Tuy nhiên, cũng cần chú ý phòng bệnh giống như các bệnh được hô hấp khác. Khi có biểu hiện ho, sốt, sổ mũi,… cần hạn chế đến đám đông, nơi công cộng để tránh lây nhiễm bệnh cho người khác.

Đồng thời, cần rửa tay với xà phòng, vệ sinh thường xuyên. Khi tiếp xúc với người có biểu hiện bệnh cần đeo khẩu trang. Nói chung, cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh giống như Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp khác.

“Bên cạnh đó, cần tiếp tục theo dõi những tin tức cập nhật từ Tổ chức Y tế thế giới để có những cảnh báo và đáp ứng phù hợp. Người dân không nên quá lo lắng, nhưng cũng không được lơ là, chủ quan trong phòng chống dịch”, chuyên gia cho hay.

Bộ Y tế tiếp tục giám sát chặt diễn biến dịch

Theo WHO, liên quan đến tình hình bệnh do virus gây viêm phổi trên người (HMPV) tại Trung Quốc, theo dữ liệu giám sát mới nhất (29/12/2024) về các nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc, có xu hướng gia tăng đối với các nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do các tác nhân phổ biến như virus cúm theo mùa, RSV, hMPV...,

Trong đó cúm mùa ghi nhận số mắc cao nhất theo đúng các nhận định tình hình với thời điểm này trong năm và không ghi nhận có tác nhân bất thường nào được báo cáo.

Tại Việt Nam, theo đại diện Sở Y tế TP HCM, virus HMPV không phải là virus mới. Virus này là một trong số các tác nhân gây viêm hô hấp ở trẻ em đã được ghi nhận tại thành phố trong các năm 2023 và 2024.

Sở Y tế thành phố cho biết, trong 8 tháng đầu năm, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm tại TP HCM năm 2024, ghi nhận số ca viêm đường hô hấp dao động từ 16.000 - 18.000 ca/tháng, trong 3 tháng cuối năm có tăng cao hơn.

Cụ thể, virus HMPV chiếm tỷ lệ thấp (12.5% ở trẻ em) so với các tác nhân khác như rhinovirus (44,6%), virus hô hấp hợp bào RSV (41,1%), cúm A (25%).

Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp tục theo dõi, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai các biện pháp phù hợp, kịp thời.

Đồng thời cung cấp các thông tin đầy đủ, chính xác, không để xảy ra hoang mang, lo lắng và cung cấp các khuyến cáo, thông điệp để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh hiệu quả.

Trước đó, ngày 6/1, Bộ trưởng Bộ Y Tế Đào Hồng Lan đã ký Chỉ thị tăng cường công tác y tế đảm bảo đón Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham mưu UBND tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo phòng, chống dịch, bệnh dịp Tết Nguyên Đán năm 2025; huy động nguồn lực, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể đối với công tác y tế trong dịp Tết.

Tiếp tục theo dõi, giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm, không để lây lan, bùng phát lan rộng ra cộng đồng.

Trong đó, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu để phát hiện sớm, cách ly, xử lý kịp thời những trường hợp nghi ngờ, trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan vào Việt Nam.

Phân công cán bộ trực 24/24 giờ trong thời gian nghỉ Tết; chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch phân công nhiệm vụ, thực hiện nghiêm công tác báo cáo dịch bệnh theo đúng quy định.

Xây dựng phương án sẵn sàng ứng phó với các tình huống của dịch bệnh theo phương châm 4 tại chỗ; chuẩn bị đầy đủ hóa chất, trang thiết bị, phương tiện và nhân lực đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, theo dõi việc triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian nghỉ Tết.

Khuyến cáo bảo vệ sức khỏe người dân của WHO

WHO khuyến cáo người dân tại các quốc gia đang trong giai đoạn mùa đông thực hiện các biện pháp phòng bệnh cơ bản để ngăn chặn sự lây lan và giảm thiểu các rủi ro do các bệnh lây qua đường hô hấp gây ra, nhất là đối với nhóm dễ bị tổn thương.

Trường hợp triệu chứng nhẹ nên ở nhà, nghỉ ngơi, giữ sức khỏe để tránh lây lan cho người khác. Nhóm nguy cơ cao hoặc trường hợp triệu chứng nặng cần đến các cơ sở y tế để tư vấn, điều trị kịp thời.

Người dân cần cân nhắc việc đeo khẩu trang ở những nơi đông người, khu vực thông khí kém; che miệng khi ho và hắt hơi bằng khăn giấy; thực hiện việc rửa tay thường xuyên và tiêm vắc xin theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

WHO cũng khuyến cáo các quốc gia thành viên duy trì giám sát các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp phù hợp với bối cảnh của từng quốc gia và khuyến cáo không áp đặt bất kỳ hạn chế nào về giao thương, đi lại liên quan đến các xu hướng của các bệnh đường hô hấp cấp tính hiện nay.

Hoàng Chiến