Không khám chữa bệnh qua thầy lang
Không tiêm vaccine phòng dại sau khi bị chó cắn, nhiều người tại Nghệ An đã tin vào thầy lang, dùng thuốc nam chữa trị, dẫn đến hậu quả đau lòng.
Gần tháng trôi qua, người dân xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương (Nghệ An) vẫn chưa hết đau lòng bởi cái chết của bé trai N.V.P. (11 tuổi). Bởi trước đó, vào tháng 8/2024, cháu P. đang chơi ở sân nhà thì bị chó cắn vào tay. Ngay sau đó, cháu P. được người thân rửa vết thương, cầm máu rồi đưa đến 1 thầy lang chuyên chữa chó dại cắn ở TP Vinh cứu chữa. Tại đây, cháu P. được thầy lang đưa 3 bịch thuốc nam để em uống trong 10 ngày. Gần 4 tháng sau, P. xuất hiện triệu chứng của bệnh dại như: mệt mỏi, nói sảng, sợ nước..., được người thân đưa vào bệnh viện nhưng đã không thể cấp cứu thành công.
Chính con chó cắn cháu P. sau đó còn cào bé Đ.V.B. (7 tuổi, hàng xóm của P.). Cháu B. sau đó cũng được gia đình đưa đến nhà thầy lang chữa trị. May mắn, sau khi được chính quyền địa phương vận động, gia đình mới đưa cháu B. đến bệnh viện tiêm vaccine phòng dại.
Theo chị T.T.L., mẹ bé Đ.V.B., sau khi kiểm tra, thầy lang kết luận B. không bị bệnh dại rồi bán cho 1 chai thuốc giá 500.000 đồng cho B. uống để “phòng bệnh”. Do nhiều người trong làng từng bị chó cắn đều đến thầy này lấy thuốc về uống, nên gia đình cũng làm theo. “Đến khi cháu P. tử vong, được chính quyền địa phương vận động, tôi mới đưa con đến bệnh viện tiêm vaccine phòng dại” - chị L. cho biết thêm.
Mới đây tại huyện Quỳnh Lưu, cũng vừa xảy ra trường hợp bệnh nhân tử vong do bệnh dại. Bệnh nhân là bà C.T.Q. (74 tuổi) bị chó nhà cắn khoảng hơn 2 tháng trước ngày phát bệnh. Bệnh nhân không xử trí gì, không đi tiêm phòng vaccine, về nhà vẫn sinh hoạt bình thường. Sau đó bệnh nhân có đi thử phát hiện bệnh dại ở nhà một thầy lang và được trả lời không bị bệnh dại, sau đó tử vong.
Quá trình tìm hiểu, chúng tôi được biết, tại tỉnh Nghệ An có nhiều “lang băm” hành nghề, dùng phương pháp phi khoa học để thử phát hiện bệnh dại, dùng thuốc nam để điều trị bệnh dại. Hàng năm, vẫn có hàng nghìn người bị chó, mèo cắn không tiêm vaccine bệnh dại và huyết thanh kháng bệnh dại mà lại đến nhờ cậy lang băm. Đơn cử, tại phường Nghi Hương, thị xã Cửa Lò (cũ) có thầy lang Nguyễn Đình H. Qua tìm hiểu, cách khám bệnh của ông H. là dùng một loại chất lỏng bôi lên lưng của bệnh nhân rồi dùng lá trầu không nhai nhỏ, chà lên.
Đi cùng một người bị chó cắn đến nhà ông H. để xin thuốc, qua trò chuyện chúng tôi ghi nhận cách nhận biết và chữa bệnh dại của ông H. khá phản cảm. Cụ thể, ông H. cho rằng, nếu lưng đỏ lên thì đã mắc bệnh dại, còn không thì yên tâm không sao cả. “Trường hợp đã mắc bệnh, ai muốn về đi tiêm thì đi, còn nếu tin tưởng tôi thì lấy thuốc về uống. Khi đã uống thuốc thì không tiêm vaccine nữa” - ông H. nói. Ông H. không tiết lộ thành phần trong bài thuốc chữa bệnh dại của mình, chỉ cho hay đây là thuốc gia truyền.
Bác sĩ Trần Nguyên Truyền - Chánh Thanh tra Sở Y tế tỉnh Nghệ An cho biết, theo quy định, những người hành nghề y dược tư nhân phải được quản lý, nếu vi phạm phải bị xử lý theo quy định của pháp luật, có trường hợp cần khởi tố. Để xử lý được trường hợp nói trên, việc tìm được bằng chứng xử lý không đơn giản, cần phải bắt quả tang vi phạm, cần sự vào cuộc của nhiều lực lượng và đấu tranh bằng nhiều biện pháp.
Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Huy Anh - Phó trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An) cho biết, từ đầu năm đến nay, đã có 8 người ở tỉnh Nghệ An tử vong do mắc bệnh dại. Phần lớn nạn nhân tử vong do không tiêm vaccine phòng dại, hoặc dùng thuốc nam để chữa trị sau khi bị chó cắn. Khi có biểu hiện của bệnh dại mới nhập viện thì đã quá muộn. Bệnh dại thường có thời gian ủ bệnh từ 3 - 4 tháng, thậm chí đến 1 năm sau khi bị chó cắn. Một khi đã phát bệnh dại thì không thể cứu chữa.
“Khi bị chó, mèo cắn, cào cấu, người dân cần rửa ngay vết thương với xà phòng dưới vòi nước chảy liên tục 10 - 15 phút. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất. Sau đó, đến ngay cơ sở y tế để điều trị vết thương và tiêm vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại. Đây là biện pháp duy nhất cứu người khỏi bệnh dại, tuyệt đối không sử dụng thuốc nam hay các bài thuốc gia truyền” - bác sĩ Anh khuyến cáo.
Trước thực trạng trên, ngày 11/12/2024, Sở Y tế Nghệ An có Văn bản số 4268 đề nghị các địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông về sự nguy hiểm của bệnh dại và lưu ý việc không chữa bệnh dại bằng các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận. Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành với sự tham gia của lực lượng công an, tổ chức thường xuyên kiểm tra các cơ sở có hành vi tuyên truyền, sử dụng thuốc nam để điều trị bệnh dại cho người bị chó, mèo cắn; xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng thuốc nam để điều trị bệnh dại gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Được biết, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã ghi nhận 8 trường hợp mắc và tử vong do bệnh dại tại huyện Thanh Chương (3 ca), huyện Con Cuông (1 ca), huyện Quế Phong (1 ca), huyện Tân Kỳ (1 ca), huyện Nghĩa Đàn (1 ca), Quỳnh Lưu (1 ca). Số ca mắc bệnh dại và tử vong năm 2024 bằng với năm 2023. Cả 8 trường hợp tử vong này đều không tiêm phòng bệnh dại; có đi thầy lang và sử dụng thuốc nam để điều trị.