Văn hóa

Sân khấu truyền thống thiếu người trẻ

Phạm Sỹ 09/01/2025 18:26

Câu chuyện về sự thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ ở các sân khấu nghệ thuật truyền thống được nhắc tới nhiều, không ít giải pháp đã được đưa ra, nhưng nhiều Nhà hát vẫn vắng bóng người trẻ, hoạt động theo kiểu có gì dùng nấy. Không ít chương trình biểu diễn, nhiều khán giả ngồi dưới cười thầm khi trên sân khấu, nghệ sĩ già đóng vai thành con trẻ.

1.jpg
Nghệ thuật truyền thống đang thiếu hụt lực lượng trẻ kế cận.

Trăn trở của người trong cuộc

NSND Hoàng Quỳnh Mai - Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam chia sẻ: “Lực lượng trẻ kế cận vẫn đang có nhưng thế hệ tiếp theo sau đó gần như chưa xuất hiện. Một vài gương mặt 9X có tiềm năng, nhưng chúng tôi rất khó tìm được những nhân tố mới. Tình trạng thiếu sinh viên theo học các ngành nghệ thuật truyền thống là mối lo ngại lớn. Không có người học thì không thể có diễn viên trẻ”.

Về nguyên nhân, bà Mai nhận định là do lớp trẻ vẫn còn thiếu mặn mà với nghệ thuật truyền thống, họ cho rằng lĩnh vực này không phù hợp với cuộc sống hiện đại. “Để thế hệ trẻ yêu thích và gắn bó với sân khấu truyền thống thì vẫn cần một kế hoạch bài bản, dài hơi” - bà Mai nhấn mạnh.

Quyền Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam, ông Hoàng Văn Long cũng bày tỏ lo ngại: “Hiện tại, số lượng nghệ sĩ trẻ còn thiếu. Trong vòng 5-10 năm tới, việc tìm kiếm lực lượng kế cận sẽ càng khó khăn hơn”.

Theo NSND Triệu Trung Kiên (Nhà hát Cải lương Việt Nam), hiện nay chỉ tiêu biên chế được giao ngày càng giảm (năm 2018: biên chế được giao là 86 chỉ tiêu; năm 2023: 74 chỉ tiêu). Thêm nữa, sự bất hợp lý về độ tuổi nghỉ hưu và tuổi hưởng lương hưu do số lượng nghệ sĩ “hết tuổi nghề” nhưng chưa đến tuổi nghỉ chế độ đã lấp đầy chỉ tiêu biên chế, không còn chỗ cho nhân lực trẻ.

Bên cạnh đó là khó khăn trong công tác tuyển sinh và đào tạo, PGS,TS.NGND Nguyễn Đình Thi - Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội cho rằng, các thí sinh ngần ngại khi đăng ký vào các ngành học này. Một trong những lý do là đầu ra của sinh viên khá hẹp, chẳng hạn không có biên chế khi các em về đơn vị nghệ thuật truyền thống. Có những em rất đam mê với nghề nhưng cũng không có cơ hội để đầu quân ở các nhà hát hoặc đơn vị nghệ thuật truyền thống. Đối với các ngành lý luận phê bình, là ngành đào tạo đòi hỏi các kỹ năng cũng như kiến thức rất cao, tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp, cơ hội việc làm cũng không nhiều.

Đồng quan điểm, theo GS,TS Lê Thị Hoài Phương (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia), nỗi lo lớn nhất của các sinh viên trẻ tốt nghiệp ra trường là tìm được nơi làm việc phù hợp, có thu nhập. Các nhà hát vẫn kêu về tình trạng “thầy già, con hát trẻ”. Nhưng ở hầu hết các đơn vị nghệ thuật, số diễn viên đã lớn tuổi, không còn biểu diễn được nữa nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu thì họ vẫn trong biên chế, vì vậy, không thể tuyển thêm người trẻ.

Tạo cơ chế thu hút người trẻ

Thiếu hụt nhân lực trẻ là thách thức lớn đối với nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam. Tuy nhiên, NSND Hoàng Quỳnh Mai bày tỏ, lãnh đạo các nhà hát vẫn đang miệt mài, kiên nhẫn tìm mọi cách để tồn tại và phát triển. Các nghệ sĩ vẫn đang cố gắng hết sức để làm nghề. Nhưng đó chỉ là các giải pháp trước mắt, lâu dài nếu không có chế độ đãi ngộ tốt thì những người có chuyên môn sẽ khó trụ được với nghề. Điều đó thực sự đáng tiếc, bởi để đào tạo nên một nghệ sĩ tên tuổi của sân khấu thật không đơn giản.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, để nghệ sĩ ngành nghệ thuật truyền thống có thể phát huy hết tiềm năng, góp phần tích cực vào phát triển công nghiệp văn hóa, việc xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ hiệu quả và đồng bộ là vô cùng cần thiết.

Bên cạnh việc thực hiện tốt các chính sách đã có, Nhà nước cần quan tâm xây dựng, ban hành một số chính sách về tài chính, đào tạo và hợp tác đào tạo, khuyến khích sáng tạo và phát triển nghề nghiệp... Trong đó, chính sách tài chính để hỗ trợ nghệ nhân và nghệ sĩ trẻ đóng vai trò then chốt trong việc phát triển và duy trì sáng tạo trong nghệ thuật.

Chia sẻ về vấn đề này, NSND Lê Tiến Thọ - nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, đây là vấn đề sống còn của nghệ thuật. Trong nghệ thuật phải có đội ngũ, tác phẩm và công chúng. Nếu đội ngũ mà không có thì sẽ không có người kế cận để phát triển. Hiện nay các đơn vị cũng đã tiến hành tuyển sinh, Nhà nước đã có những chế độ động viên đối với các học viên theo học nghệ thuật truyền thống. Nhưng vẫn chưa đủ, bởi đầu ra khi các học viên học xong về các đơn vị nghệ thuật hoạt động ít hiệu quả.

Khi kiến nghị và đề xuất giải pháp về việc tạo nguồn và nuôi dưỡng nguồn nhân lực trẻ trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, NSND Tống Toàn Thắng cho rằng, nên thành lập quỹ hỗ trợ tài năng trẻ để cung cấp, tài trợ cho học bổng, dự án nghệ thuật và các hoạt động phát triển nghề nghiệp. Bên cạnh đó cần chính sách ưu đãi thuế cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào các dự án văn hóa nghệ thuật liên quan đến tài năng trẻ; đảm bảo quyền lợi cho các nghệ sĩ trẻ, bao gồm bản quyền tác phẩm và các chế độ đãi ngộ hợp lý.

Tại hội thảo “Tài năng trẻ - Nguồn lực sáng tạo và phát triển văn hóa, nghệ thuật” mới diễn ra, nhiều ý kiến cho rằng, để tài năng trẻ trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật thăng hoa, tỏa sáng, đóng góp nhiều cho cộng đồng, xã hội thì họ phải được chăm lo, bồi dưỡng. Ngược lại, nếu không có chính sách phù hợp, những tài năng ấy sẽ khó phát triển, thậm chí sẽ bị thui chột, nhạt phai.

Phạm Sỹ