Quảng Ninh: Tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng khó
Nhằm tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội ở các xã vùng khó (thuộc huyện Hoành Bồ cũ), TP Hạ Long đã ưu tiên nguồn lực, tích cực khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế của các xã để từng bước nâng cao chất lượng đời sống nhân dân nơi đây.
Đầu tư gần 1.000 tỷ đồng cho hạ tầng và nông thôn mới
Sau sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long, thành phố có thêm 12 xã ở vùng cao miền núi, vùng đồng bào DTTS.
Nhằm giảm dần chênh lệch vùng miền, nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới (NTM) và đời sống nhân dân ở các xã vùng khó, BTV Thành ủy Hạ Long đã ban hành Nghị quyết số 78-NQ/TU ngày 2/1/2024 (Nghị quyết 78) về ưu tiên nguồn lực, khai thác tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế các xã đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Sau 1 năm triển khai Nghị quyết 78, diện mạo nông thôn Hạ Long đã có sự thay đổi rõ nét. Năm 2024, thành phố đã dành gần 1.000 tỷ đồng đầu tư gần 70 công trình hạ tầng và xây dựng NTM trên địa bàn 12 xã. Tập trung chủ yếu là đầu tư xây mới, cải tạo hạ tầng trung tâm các xã, trụ sở làm việc của các cơ quan hành chính, các tuyến đường giao thông trục chính của xã và đường giao thông khu dân cư, nhà văn hóa, trường lớp, cầu, ngầm tràn, hệ thống kênh mương thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp...
Nổi bật, thành phố đã khởi công đầu tư 4 dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch sinh hoạt cho các xã với tổng kinh phí trên 228 tỷ đồng. Trong đó, dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch tại các xã Sơn Dương, Đồng Lâm, Vũ Oai, Hoà Bình, dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 5/2025. Dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch tại các xã Dân Chủ, Quảng La, Bằng Cả và Tân Dân, dự kiến hoàn thành trong tháng 7/2025. Dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch tập trung tại xã Kỳ Thượng, Đồng Sơn, dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2025. Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, 4 dự án sẽ cung cấp nước sạch cho trên 80% người dân các xã.
Thu hút đầu tư, đa dạng các mô hình kinh tế
Cùng với việc ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng, TP Hạ Long cũng đã tích cực thu hút, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất và đa dạng hóa hình thức tiêu thụ nông sản tại 12 xã. Qua đó, từng bước xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung nhiều mô hình kinh tế theo chuỗi liên kết sản xuất, tạo động lực, khuyến khích phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Nổi bật như mô hình liên kết trồng sâm nam và sâm cát của Công ty TNHH Đầu tư phát triển CMT với HTX Đồng Hang và các hộ dân thuộc thôn 2, xã Dân Chủ. Ở mô hình này, HTX Đồng Hang sẽ góp vốn sản xuất cùng với Công ty CMT, các hộ dân sẽ trồng và chăm sóc cây trên đất của mình cho đến khi được thu hoạch. Công ty sẽ chịu trách nhiệm chế biến, tiêu thụ sản phẩm ra thị trường, lợi ích chia theo thỏa thuận.
Ngoài ra còn có các nhà đầu tư khác cũng đang nghiên cứu, triển khai các dự án đầu tư trồng, chế biến dược liệu, nông sản và chăn nuôi hữu cơ trên địa bàn các xã theo mô hình liên kết sản xuất.
Cùng với đó, trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế phù hợp với tiềm năng, lợi thế địa phương, thành phố tiếp tục chỉ đạo thực hiện duy trì và mở rộng các vùng sản xuất tập trung như: Vùng trồng ổi, mía tím, dưa hấu tại xã Sơn Dương; trồng na ở xã Thống Nhất; trồng địa liền, gừng gió ở xã Đồng Lâm; trồng sâm nam tại Tân Dân, Kỳ Thượng; trồng tre tại xã Đồng Lâm; chăn nuôi gà tại Đồng Lâm, Đồng Sơn, Bằng Cả...
Khai thác các tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, những nét đẹp về văn hóa, tinh thần của cộng đồng các DTTS tại các xã, thành phố đã tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch kết hợp trải nghiệm nông nghiệp, du lịch văn hóa cộng đồng...
Nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình đang khai thác, phát triển loại hình du lịch nói trên. Hướng đi mới này đã góp phần quan trọng phát huy những giá trị văn hóa địa phương, thúc đẩy phát triển bền vững ngành du lịch và giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân bản địa.
Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết 78, Bí thư Thành ủy Hạ Long Vũ Quyết Tiến nhấn mạnh: Việc phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập người dân nông thôn được thành phố xác định là nhiệm vụ trọng tâm, đã được từng bước triển khai có hiệu quả với các giải pháp phát triển du lịch, dịch vụ gắn với sản xuất nông - lâm nghiệp và tập trung mở rộng vùng sản xuất đối với các giống cây ăn quả, cây dược liệu có giá trị cao. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2024 đạt 107,3 triệu đồng/người/năm, bằng 141,7% so với cùng kỳ năm 2023. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm, chú trọng phát triển hài hòa với kinh tế và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân...
Bí thư Thành ủy Hạ Long đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục bám sát các mục tiêu, giải pháp của Nghị quyết 78. Trong đó mục tiêu cao nhất là phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, xóa dần khoảng cách các xã với khu vực trung tâm hướng tới giá trị “Nhân dân hạnh phúc”.