Tuyên Quang: Dấu ấn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia
Bằng nhiều vận dụng lồng nghép linh hoạt, sáng tạo từ các Chương trình mục tiêu quốc gia. Các chính sách dân tộc cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã và đang góp phần đưa tỉnh Tuyên Quang trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Chiều 9/1, Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác dân tộc năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Ông Nguyễn Thế Giang, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chỉ đạo hội nghị. Cùng dự có gần 100 đại biểu đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành; lãnh đạo UBND và phòng Dân tộc các huyện, thành phố.
Theo báo cáo của Ban Dân tộc, nhiều kết quả tích cực đã thực hiện, cụ thể: Giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS&MN: Trên 4%/năm; số xã thoát khỏi tình trạng khó khăn và đặc biệt năm 2024: 06 xã; lũy kế từ đầu giai đoạn đến nay là 12 xã khu vực III và 08 xã khu vực II trở về xã khu vực I.
Hỗ trợ hộ nghèo vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội để có đất ở, xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở, tạo quỹ đất sản xuất, học nghề và chuyển đổi nghề. Dư nợ ước đến hết năm 2024 là 76.497 triệu đồng với 1.602 hộ được vay vốn.
Những con số báo cáo đã nói lên những nỗ lực cố gắng rất lớn của cả tập thể lãnh đạo, cán bộ, những người làm công tác dân tộc trong toàn tỉnh trong suốt những năm qua, với nhiều khó khăn thử thách.
Phát biểu tại hội nghị, Ông Nguyễn Thế Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức Ban Dân tộc, Phòng Dân tộc các huyện đã nêu cao tinh thần, trách nhiệm; chủ động, linh hoạt, sáng tạo, tích cực trong phối hợp với các sở, ban ngành; thường xuyên nắm tình hình và đôn đốc, hướng dẫn để kịp thời báo cáo, đề xuất tham mưu tháo gỡ khó khăn vướng mắc ở cơ sở và thực hiện cơ bản hoàn thành chương trình, kế hoạch công tác dân tộc, Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế xã hội (KTXH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) năm 2024.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn trong giai đoạn tiếp theo, Ban Dân tộc tỉnh cùng với Phòng Dân tộc các huyện phải tiếp tục triển khai hiệu quả hơn nữa các nội dung, nhiệm vụ được giao về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Tiếp tục nghiên cứu, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho đồng bào DTTS&MN; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành liên quan và địa phương để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Triển khai thực hiện để hoàn thành cao nhất các mục tiêu cụ thể Nghị quyết của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về thực hiện Chương trình phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Tiếp tục chú trọng nâng cao công tác dân tộc
Chia sẻ với Báo Đại Đoàn Kết, ông Ma Quang Hiếu - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: "Được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, nhiều năm qua, Ban Dân tộc đã luôn bám sát các nội dung Chương trình MTQG, bám sát địa bàn từng huyện, từng xã, thôn để triển khai có hiệu quả toàn bộ các dự án, tiểu dự án như yêu cầu Chương trình đã đề ra. Hiệu quả từ Chương trình đạt được đã góp phần lớn để hơn 70 xã đã về đích nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; hàng chục nghìn hộ dân được thụ hưởng chính sách đã thoát nghèo và đang dần ổn định cuộc sống no đủ. Chương trình MTQG đã mang lại sức sống mới cho người dân, tạo lòng tin, lòng biết ơn đối với chủ trương của Đảng, Nhà nước và chính quyền. Sẵn sàng cùng đoàn kết chung tay xây dựng quê hương Tuyên Quang ngày càng khang trang, văn minh, giàu mạnh".
Bà Ma Thị Nhung – Trưởng phòng Dân tộc huyện Chiêm Hóa cho biết: “Với quyết tâm cao nhất của các cấp chính quyền nhằm thu hẹp khoảng cách đời sống KTXH của đồng bào DTTS so với vùng kinh tế phát triển. Huyện đã có nhiều chính sách hỗ trợ triển khai đồng bộ, từng bước đáp ứng được về cơ sở vật chất, đời sống dân sinh, tạo điều kiện để người dân có động lực phấn đấu vươn lên. Nguồn vốn từ các Chương trình MTQG đã góp phần thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn, đặc biệt về cách nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế và đời sống của đồng bào DTTS; hàng nghìn hộ dân đã thoát nghèo nhờ chính sách thiết thực của Chương trình”.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Trưởng phòng Dân tộc huyện Lâm Bình chia sẻ: “Lâm Bình là huyện khó khăn nhất của tỉnh, nhiều xã đặc biệt khó khăn. Nhờ triển khai các Chương trình MTQG đến từng xã, thôn, người dân là đồng bào DTTS thực sự được thụ hưởng những chính sách thiết thực và ý nghĩa. Nhiều hộ gia đình đã có nền tảng để thoát nghèo và từng bước cố gắng vươn lên phát triển kinh tế gia đình ngày càng vững chắc; tạo động lực để nhiều hộ dân khác làm theo".
Tuyên Quang đang tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng công tác xây dựng kế hoạch, thực hiện triển khai hiệu quả các nội dung, tiểu dự án, dự án thành phần của từng Chương trình MTQG theo hướng ưu tiên các nguồn lực cho các huyện, xã còn khó khăn, đặc biệt là huyện đang về đích huyện nông thôn mới. Quyết tâm cao nhất phấn đấu sớm đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh đi đầu trong phát triển toàn diện KTXH của các tỉnh miền núi phía Bắc.