Cẩn trọng trước tình trạng lừa đảo mua sắm trên mạng dịp cuối năm
Theo các chuyên gia an ninh mạng, người dùng cần nâng cao cảnh giác trước các chiêu trò lừa đảo mua sắm online tinh vi vào dịp cuối năm.
Nguy cơ "sập bẫy" lừa đảo
Dịp cuối năm, cận kề Tết Nguyên đán là thời điểm nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Người dân đang chuyển hướng sang mua sắm online do tiện lợi và nhiều chương trình giảm giá dịp Tết. Tuy nhiên môi trường mạng cũng là nơi gia tăng tình trạng lừa đảo với hàng loạt các chiêu trò tinh vi…
Thời gian gần đây, Cục An toàn thông tin liên tục phát đi cảnh báo liên quan đến tình trạng này. Theo thông tin cảnh báo, lợi dụng thời điểm cuối năm cùng hàng loạt các sự kiện sale lớn cuối năm, các đối tượng lừa đảo đã tung ra những chiêu trò khiến nhiều người dân sập bẫy. Lợi dụng tâm lý “săn sale” (săn mã giảm giá, ưu đãi), các đối tượng xấu sẽ chủ động tiếp cận nạn nhân qua các email, tin nhắn khuyến mãi giả mạo từ các sàn thương mại điện tử quen thuộc như Shopee, Lazada, Tiki…
Thống kê của Cục An toàn thông tin, trong năm 2024 ghi nhận tổng cộng 275.323 phản ánh về trường hợp lừa đảo trực tuyến từ người dùng.
Còn theo khảo sát của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, cứ 220 người dùng điện thoại thông minh thì có 1 người trở thành nạn nhân của lừa đảo trực tuyến. Thiệt hại ước tính do lừa đảo trực tuyến gây ra trong năm 2024 lên đến 18.900 tỷ đồng.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, anh D.C.Đ (23 tuổi, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) hiện đang là lao động tại Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, mới đây anh bị lừa đảo vì mua vé máy bay online trên mạng.
Thông qua một tài khoản mạng xã hội với 5,3 nghìn người theo dõi, thường xuyên đăng tải các thông tin liên quan đến vé máy bay rẻ khuyến mại dịp cuối năm, anh Đ. đã đặt một vé về Việt Nam vào ngày 8/2 tới đây. "Trong quá trình tư vấn, người này tự nhận là nhân viên của một hãng máy bay nên có thể đặt vé rẻ. Đồng thời đây là dịp cuối năm nên có chương trình tri ân khách hàng. Do tin tưởng nên tôi đã chuyển khoản 2 lần. Lần thứ nhất để đặt cọc giữ vé là 4 triệu đồng. Lần thứ 2 là sau khi xuất vé, 4 triệu đồng", anh Đ. cho biết.
Sau khi chuyển tổng cộng số tiền 8 triệu đồng, nhân viên giả mạo này cung cấp cho anh một vé online giả mạo. Đến khi thấy nghi ngờ và liên hệ lại thì anh Đ. mới tá hoả khi phát hiện tài khoản này đã chặn liên lạc, đồng thời thu hồi toàn bộ tin nhắn đã gửi trước đây.
Người dân cần lưu ý những gì?
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết, Tổng cục đã ban hành kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
"Một trong những điểm quan trọng của kế hoạch này là kiểm soát hàng hóa kinh doanh trên môi trường online như sàn thương mại điện tử, website, các mạng xã hội như Facebook, TikTok. Kiểm tra chất lượng hàng hóa, việc chấp hành các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm”, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh nhấn mạnh.
Theo chuyên gia an ninh mạng Nguyễn Hoàng Thắng, đồng sáng lập dự án Chống lừa đảo trên không gian mạng Việt Nam (Chongluadao.vn), hình thức lừa đảo phổ biến dịp cuối năm thông qua hình thức mua sắm online là việc phát tán các mã độc dẫn người dùng đến các trang web giả mạo để mua hàng và thanh toán, nhưng sẽ không bao giờ nhận được sản phẩm.
Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo cũng thường xuyên thực hiện thủ đoạn giả danh nhân viên giao hàng (shipper) để lừa chuyển khoản nhằm chiếm đoạt tài sản.
Chuyên gia đánh giá, các hình thức lừa đảo mua sắm online dịp cuối năm ngày càng tinh vi, sử dụng cả công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo, lại thay đổi liên tục nên người dân rất dễ "sập bẫy" nếu không tự trang bị cho mình những kiến thức an toàn trên không gian mạng.
Chuyên gia khuyến cáo, người dân nên thận trọng khi thực hiện giao dịch mua bán trên mạng xã hội hoặc qua hình thức trực tuyến. Bên cạnh đó, cần xác minh danh tính đối tượng, tìm hiểu độ uy tín của người bán và chất lượng sản phẩm trước khi mua hàng, không chuyển tiền đặt cọc trước để tránh bị chiếm đoạt tài sản.
Đồng thời, cần nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động bảo mật thông tin cá nhân, nhất là các thông tin quan trọng như thẻ căn cước công dân, thông tin tài khoản ngân hàng; không tham lam những tài sản, món quà không rõ nguồn gốc có thể nhận được một cách dễ dàng, những lợi nhuận nhận được mà không tốn sức lao động.
“Đặc biệt, người dân không chuyển khoản, không cung cấp mã OTP cho cá nhân không quen biết; cần cẩn trọng và xác minh kỹ các thông tin tiếp nhận từ mạng xã hội và các cuộc gọi không rõ danh tính. Không nên truy cập bất kỳ liên kết hoặc tệp đính kèm nào nhận được từ những nguồn không rõ ràng", ông Nguyễn Hoàng Thắng nhấn mạnh.