Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Đi đến nơi, về tới… nhà

Thế Vinh 11/01/2025 11:37

Bạo lực đường phố, hay bạo lực có liên quan đến giao thông không chỉ là một hành vi thiếu văn hóa mà còn là tội ác đang âm thầm phá hủy nền tảng trật tự và đạo đức xã hội. Những vụ xô xát, thậm chí gây thương vong vì va chạm giao thông gần đây là minh chứng cho sự xuống cấp nghiêm trọng trong ý thức cộng đồng. Đã đến lúc chúng ta cần đối mặt và hành động quyết liệt để dập tắt ngọn lửa bạo lực đang ngày một lan rộng trên đường phố.

Ngày 9/12/2024, tại đường Khánh Hội (TPHCM), một cô gái 23 tuổi bị người đàn ông 41 tuổi lao vào tấn công chỉ vì va quẹt xe nhẹ. Hay vụ việc xảy ra ngày 30/9/2024, tại chung cư The Vista (TP Thủ Đức), khi một người đàn ông bị nhóm người hành hung tại bãi đỗ xe sau một cuộc va chạm nhỏ trên đường. Nạn nhân không chỉ bị tổn hại về thể chất mà còn phải chịu sự ám ảnh tinh thần kéo dài. Đáng sợ hơn, không ít vụ bạo lực còn dẫn đến hậu quả chết người. Tháng 12/2024, tại Bình Dương, sau khi va chạm giao thông, một người đàn ông đã bị đánh tới chết não và tử vong sau hơn 4 ngày điều trị.

Những sự việc này không còn là cá biệt. Đằng sau mỗi vụ ẩu đả, mỗi lời chửi rủa là sự leo thang của một vấn đề xã hội lớn: thiếu kiềm chế, thiếu văn hóa ứng xử và coi thường pháp luật. Những hành vi hung hãn này không chỉ phá hoại trật tự công cộng mà còn gieo rắc nỗi sợ hãi cho mọi người khi ra đường. Một câu hỏi nhức nhối đặt ra: Bao giờ thì bạo lực liên quan đến giao thông mới chấm dứt, và ai sẽ là nạn nhân tiếp theo?

Thực tế cho thấy, chế tài xử phạt hiện nay đối với các hành vi bạo lực liên quan đến giao thông dường như chưa đủ sức răn đe. Nhiều đối tượng sau khi gây thương tích cho người khác chỉ nhận mức phạt nhẹ hoặc cải tạo không giam giữ, trong khi nạn nhân phải gánh chịu hậu quả suốt đời. Đây là lỗ hổng mà các cơ quan chức năng cần khẩn trương khắc phục. Những hành vi như cố ý gây thương tích, phá hoại tài sản hoặc gây rối nơi công cộng cần được xử lý nghiêm minh với mức án phạt nặng hơn, bao gồm cả phạt tù để làm gương.

Không chỉ dừng lại ở việc xử phạt, xã hội cần tập trung vào việc giáo dục và nâng cao nhận thức của người dân về văn hóa giao thông. Những chương trình tuyên truyền sâu rộng, từ trường học đến các khu chế xuất, khu công nghiệp đông công nhân lao động, cần đưa ra các bài học thực tiễn về cách ứng xử khi xảy ra va chạm giao thông. Hãy lan tỏa thông điệp giản dị: “Một sự nhịn, chín sự lành”. Và rằng, một lời xin lỗi và sự bình tĩnh có thể cứu sống một mạng người. Ngược lại, một hành động thiếu suy nghĩ trong cơn nóng giận có thể hủy hoại không chỉ cuộc đời của nạn nhân mà cả chính tương lai của người gây ra nó.

Sự vô cảm của cộng đồng cũng là một vấn đề lớn. Trong vụ hành hung tài xế xe công nghệ đêm 31/12/2024 tại TPHCM, hàng chục người chứng kiến đã chọn cách đứng nhìn thay vì can thiệp. Đây là bài học đắt giá về trách nhiệm cộng đồng. Chúng ta cần xây dựng một xã hội mà mỗi người sẵn sàng đứng lên bảo vệ công lý, lên tiếng vì nạn nhân thay vì im lặng để mặc cái ác lộng hành.

Bạo lực liên quan đến giao thông không chỉ là vấn đề cá nhân mà còn là bài kiểm tra cho một xã hội văn minh. Một hành vi hung hãn khi tham gia giao thông có thể là hậu quả của sự căng thẳng cuộc sống, tâm lý đám đông hoặc thói quen sử dụng rượu bia, nhưng đó không bao giờ là lý do biện minh cho sự thiếu kiềm chế. Mỗi người ra đường cần nhận thức rõ rằng họ đang mang theo trách nhiệm bảo vệ tính mạng không chỉ của mình mà còn của những người xung quanh.

Hành động cần được bắt đầu từ hôm nay. Hãy tố cáo những hành vi sai trái, hỗ trợ nạn nhân và hợp tác với cơ quan chức năng để làm sạch môi trường giao thông. Chính quyền cần tăng cường các chiến dịch tuần tra, lắp đặt thêm camera an ninh và xử lý nghiêm khắc hơn những vụ bạo lực để không còn chỗ cho những kẻ hung hăng lộng hành.

Chúng ta không thể để những con đường trở thành đấu trường của những cái tôi lớn, nơi mà một va chạm nhỏ cũng có thể dẫn đến án mạng. Sự thay đổi bắt đầu từ mỗi người. Giữ bình tĩnh, biết tôn trọng và hợp tác chính là chìa khóa để chấm dứt bạo lực. Hãy nhớ rằng, mục đích cuối cùng của mọi chuyến đi là trở về nhà an toàn, không phải là hơn thua trên đường. Chấm dứt bạo lực liên quan đến giao thông là cách để xây dựng một xã hội văn minh và an toàn hơn.

Thế Vinh