Kinh tế

Nhiều động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

H.Hương –Thanh Giang 11/01/2025 13:50

Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; kích cầu tiêu dùng trong nước… sẽ là những động lực rất lớn cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2025.

ảnh trên
Doanh nghiệp nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh. Ảnh: Quang Vinh.

Những dự báo khả quan

Năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 8% và hướng tới mức 2 con số trong giai đoạn tiếp theo. Ngay từ đầu năm 2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định liên quan đến việc miễn, giảm, giãn, hoãn thuế đến hết tháng 6/2025 cho các doanh nghiệp (DN) triển khai thực hiện. Việc miễn, giảm, giãn, hoãn thuế này không chỉ hỗ trợ cho DN, mà còn hỗ trợ ngay cho người dân để có thể mua được hàng hóa nhiều hơn, thực hiện kích cầu trong nước.

Dù các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng được chú trọng, song theo khẳng định của giới chuyên gia, về lâu dài cần phải làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống.

TS Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, tiền tệ quốc gia bình luận, Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát nhập siêu dịch vụ, do đó cần phải nỗ lực cải thiện cán cân thương mại hàng hóa và dịch vụ để góp phần tăng trưởng kinh tế. Đầu tư tư nhân cũng cần được khuyến khích và hỗ trợ để đóng góp tích cực hơn vào tăng trưởng. Tiêu dùng cuối cùng cũng đang đóng góp khoảng 62% vào tăng trưởng GDP, tuy nhiên vẫn chưa đạt mức trước đại dịch.

TS Cấn Văn Lực cho rằng cần tiếp tục thực hiện các chính sách kích cầu tiêu dùng hợp lý và hiệu quả. Các nguồn động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, khoa học công nghệ và cải cách thể chế được xem là rất quan trọng nhưng phải được thực hiện một cách quyết liệt và hiệu quả hơn.

Công tác quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia, làm nền tảng cho chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ cũng nên chú trọng hơn nữa, đó cũng là tiền đề để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao và bền vững trong giai đoạn tới.

"Các động lực thì chúng ta cần chú ý đến vấn đề kinh tế vĩ mô, tỷ giá, lạm phát. Đặc biệt, thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu DN phục hồi tích cực. Một điểm nữa liên quan đến đột phá thể chế và tinh gọn bộ máy, chúng tôi hy vọng rằng với đà này, niềm tin của người dân và DN tốt lên. Khả năng tăng trưởng GDP của nước ta từ 7,5-8% trong năm 2025" - ông Lực nhận định.

Theo chuyên gia của Ngân hàng UOB, dựa trên động lực mạnh mẽ được tiếp nối từ năm 2024, kết hợp với việc xem xét những rủi ro và tác động ngược từ các cuộc xung đột thương mại sắp tới từ chính quyền Mỹ, UOB nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam vào năm 2025 lên 7%. UOB cho rằng các động lực trong nước như: sản xuất, chi tiêu của người tiêu dùng và lượng khách du lịch sẽ đóng góp thêm cho tăng trưởng chung.

Ngân hàng HSBC cũng đặt ra kỳ vọng trong tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam khi ngành sản xuất đã thoát khỏi khó khăn của năm 2024 một cách mạnh mẽ, từ đó hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu với mức hai chữ số... Tiếp nối đà hồi phục của năm cũ, HSBC tiếp tục dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 của Việt Nam ở mức 6,5%.

Ngân hàng này nhận định, Việt Nam đang nổi lên như một quốc gia năng động bậc nhất châu Á. Cũng như thế giới, Việt Nam lấy chuyển đổi số và chuyển đổi xanh làm động lực quan trọng để phát triển.

Doanh nghiệp chuẩn bị tốt kế hoạch sản xuất

Từ phía DN, năm 2025, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, triển vọng của xuất khẩu thủy sản rất khả quan, với tăng trưởng sẽ từ 10-15%. Tiền đề cho tăng trưởng đó là các tín hiệu tốt từ thị trường, chính sách tín dụng ưu đãi cho thủy sản và lâm sản, giúp DN chuẩn bị tốt kế hoạch sản xuất, xuất khẩu.

Còn ông Trần Như Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam thì phân tích, năm 2024, ngành dệt may có nhiều khởi sắc với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 44 tỉ USD, tăng 10% so với năm ngoái. Những kết quả đạt được trong năm 2024 cùng với những chính sách đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng trong nhiệm kỳ trước cho thấy xuất khẩu dệt may Việt Nam vẫn có thể tiếp tục tăng trưởng. Mục tiêu tăng trưởng năm 2025 khoảng 10%, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 47 - 48 tỉ USD là khả thi.

Tuy nhiên, khó khăn của ngành vẫn còn nhiều. Các DN cần đầu tư cải tiến sản xuất và nguồn nhân lực. Ngoài ra, DN nước ta đặc biệt lo ngại tình trạng DN dệt may Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam nhằm tận dụng lợi thế từ các FTA, lấy xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu, gây ảnh hưởng trực tiếp đến toàn ngành dệt may.

Giới chuyên gia cũng khẳng định các DN cần chuẩn hóa quy trình sản xuất, đầu tư vào công nghệ và xây dựng chiến lược kinh doanh bài bản.

Ông Sam Korsmoe – tác giả cuốn sách “Việt Nam – Ngôi sao đang lên của Châu Á” giải mã các động lực thúc đẩy sự thăng hoa kinh tế của Việt Nam. Ông Sam Korsmoe cho rằng, Việt Nam đang trên đà phát triển để trở thành “con hổ kinh tế” tiếp theo của châu Á. Nghiên cứu tập trung vào việc phân tích các yếu tố then chốt, từ chiến lược xuất khẩu, tiêu dùng nội địa, đổi mới và ứng dụng công nghệ trong sản xuất,... Việt Nam đang đáp ứng rất tốt các tiêu chí trên. Tuy nhiên, để trở thành ngôi sao lớn, Việt Nam cần nhận diện các rủi ro và phát triển một cách bền vững. Chủ tịch EuroCham Jaspaert khẳng định: “Xây dựng khung pháp lý giống như xây dựng một ngôi nhà, bất kỳ ngôi nhà nào muốn vững chãi đều phải có nền móng chắc chắn. Các quy trình pháp lý minh bạch, rõ ràng và hiệu quả sẽ giúp đất nước phát triển mạnh mẽ, cải thiện thương mại và khuyến khích các nhà đầu tư coi Việt Nam là ngôi nhà mới của họ.

H.Hương –Thanh Giang