Ám ảnh ngộ độc thực phẩm
Càng gần Tết, nỗi lo ngộ độc thực phẩm càng tăng. Thông tin tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm (ATTP) mới đây cho biết, năm 2024, ngành y tế kiểm tra 354.820 cơ sở, phát hiện 22.073 cơ sở vi phạm về ATTP. Số cơ sở bị phạt tiền tăng 2,9 lần so với năm 2023; số tiền phạt tăng 1,69 lần.
Bộ Y tế cũng cho biết trong năm 2024, các lực lượng Công an đã khởi tố 62 vụ mất ATTP (tăng gần 88%) với 97 bị can (tăng hơn 185%). Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ATTP tiếp tục được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về ATTP.
Ngộ độc thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp
Theo cơ quan chức năng, 11 tháng của năm 2024, toàn quốc ghi nhận 131 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 4.726 người mắc và 21 trường hợp tử vong. Đặc biệt có nhiều vụ ngộ độc tập thể xảy ra tại bếp ăn của doanh nghiệp, trường học và do thức ăn đường phố. Trong đó, số vụ ngộ độc thực phẩm lớn (trên 30 người mắc/vụ) là 29 vụ, khiến 4.049 người mắc và 2 người tử vong. Số vụ ngộ độc nhỏ, vừa (dưới 30 người mắc/vụ) là 102 vụ, khiến 747 người mắc và 19 người tử vong.
Những dấu hiệu ngộ độc thực phẩm
Triệu chứng ngộ độc thực phẩm được phân loại như sau: 1/ Dấu hiệu ngộ độc thực phẩm nhẹ và thường gặp bao gồm: Đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, tiêu chảy kèm theo phân có máu, đau bụng, sốt, đau đầu. 2/ Dấu hiệu ngộ độc thực phẩm nặng bao gồm: Mắt nhìn mờ, đau đầu, mất khả năng vận động tứ chi, khó nuốt, ngứa ran hoặc tê da, thay đổi giọng nói, đau bụng dữ dội .
Theo Bộ Y tế, trong số 131 vụ ngộ độc thực phẩm, có 43 vụ liên quan đến độc tố tự nhiên, chủ yếu do ngộ độc cóc, nấm rừng, so biển, cá nóc, cua lạ; 6 vụ liên quan đến hóa chất; 45 vụ liên quan đến vi sinh vật và 37 vụ chưa xác định được nguyên nhân.
Mới nhất, trưa 19/12/2024, trên địa bàn quận Long Biên (Hà Nội) xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm làm tử vong 2 người, hơn 20 người phải cấp cứu tại bệnh viện. Nguyên nhân ban đầu được cơ quan chức năng xác định là do ngộ độc hóa chất acetonitrile có trong rượu trắng khách hàng tự mang vào bữa tiệc.
Năm 2024 có nhiều vụ ngộ độc, con số nạn nhân lên đến hàng trăm người. Đó là vụ ngộ độc thực phẩm hơn 300 người phải nhập viện tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (cuối tháng 11/2024). Tất cả số người bệnh này xuất hiện triệu chứng nghi ngộ độc sau khi ăn bánh mì mua ở một cửa hàng ở phường 7, TP Vũng Tàu.
Trước đó, cũng một vụ ngộ độc bánh mì tại phường Xuân Bình, TP Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) khiến hơn 500 người nhập viện (tháng 5/2024).
Năm 2024, việc học sinh bị ngộ độc thực phẩm cũng rất đáng báo động. Cụ thể là các vụ: 13 học sinh của Trường THCS Bình Minh, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai (Hà Nội) vào cuối giờ học buổi chiều đã được một nhóm người lạ phát nước ngọt miễn phí ở ngoài cổng trường. Sau khi uống, các em xuất hiện tình trạng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn và phải vào Bệnh viện Đa khoa Thanh Oai điều trị (xảy ra đầu tháng 10); tại TPHCM, sau khi ăn sáng, trong đó có sushi, bánh mì mua trước cổng trường, 15 học sinh của 4 trường tiểu học ở TP Thủ Đức phải nhập viện cấp cứu (xảy ra đầu tháng 5); Vụ ngộ độc tại Trường Tiểu học Vĩnh Trường và Trường THCS Trần Hưng Đạo, thành phố (Nha Trang khiến 37 học sinh nhập viện (xảy ra tháng 4)...
Trong khi đó, theo PGS.TS Trương Tuyết Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, hiện nay, việc kiểm tra ATTP của các cơ quan chức năng mới chỉ tập trung vào các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm lớn. Việc kiểm tra ở các trường học thường chỉ tập trung vào bếp ăn, căng tin. Các quán ăn, xe hàng di động, gánh hàng rong trước cổng trường vẫn chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến việc xử lý vi phạm chưa triệt để.
Những khuyến cáo cần thiết
Để bảo đảm ATTP trước, trong và sau Tết, Bộ Y tế đã đưa ra một số khuyến cáo. Bên cạnh chế độ dinh dưỡng hợp lý thì vệ sinh ATTP là điều kiện cần lưu tâm để đảm bảo sức khỏe trong những ngày này. Các chợ, siêu thị thường đã mở cửa sau mùng 2 Tết, thậm chí có cửa hàng bán xuyên Tết, do đó việc mua sắm, tích trữ thực phẩm là không cần thiết, gây lãng phí mà có thể không an toàn. Việc bảo quản thực phẩm sống lẫn thực phẩm chín có thể gây nhiễm chéo vi khuẩn gây bệnh.
Không nên mua nhiều thực phẩm vượt quá sức chứa của tủ lạnh, nhiệt độ của tủ có thể không đủ độ lạnh, dẫn đến thức thức ăn sẽ nhanh bị ôi thiu, gây ngộ độc thực phẩm. Vì vậy, khi mua sắm Tết, hãy tính toán lượng thức ăn đủ dùng, không nên mua quá nhiều đồ ăn rồi để tủ lạnh vừa không tươi, vừa có thể lãng phí, mà để lâu, bảo quản không đúng cách có thể không đảm bảo cho sức khỏe và có thể gây ngộ độc.
Bộ Y tế cũng lưu ý, cẩn thận khi mua thực phẩm chế biến sẵn từ các cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ. Những năm gần đây, hoạt động mua bán đồ ăn, thực phẩm chế biến sẵn trên những nền tảng xã hội như Facebook, Zalo trở nên phổ biến, và đặc biệt nhộn nhịp trong những dịp Tết đến Xuân về khi nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao. Có nhiều cơ sở kinh doanh cung cấp các thực phẩm có hương vị thơm ngon, sạch sẽ. Tuy nhiên, do các thực phẩm này chủ yếu được sản xuất theo kiểu thủ công tại hộ gia đình nhỏ lẻ với điều kiện hạn hẹp về cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ có thể gây mất ATTP, đặc biệt là khi đơn đặt hàng vượt quá khả năng sản xuất chế biến.
Hạn chế việc mua những thực phẩm chế biến sẵn tại các bếp ăn gia đình để giảm thiểu nguy cơ mất ATTP. Trường hợp muốn mua những thực phẩm này, cần hỏi rõ người bán thời điểm chế biến và phương pháp bảo quản ở nhiệt độ phù hợp, và khi ăn cần nấu chín lại.
Đối với đồ uống có cồn: Tết là thời điểm nhu cầu sử dụng rượu bia gia tăng trong các buổi liên hoan, tất niên, sum họp gia đình, cùng với đó là số người nhập viện do say rượu, bia, thậm chí bị ngộ độc rượu cũng tăng cao hơn. Do đó, tuyệt đối không tiêu thụ các loại rượu, đồ uống có cồn không rõ nguồn gốc và xuất xứ. Hạn chế tiêu thụ các loại đồ uống có cồn ngâm các loại thảo dược, cây cỏ, động vật khi không biết rõ công dụng, nguồn gốc, các loại rượu chưng cất thủ công. Bởi những loại rượu này có thể chứa hàm lượng cao độc tố tự nhiên, aldehyde và furfural, những chất có thể gây ngộ độc cấp và mạn tính.
Các chuyên gia dinh dưỡng, y tế cũng khuyến cáo để bảo đảm bữa ăn an toàn cần rửa sạch tay trước và sau khi chế biến thực phẩm; rửa sạch rau củ quả dưới vòi nước chảy. Sử dụng dao và thớt riêng khi nấu ăn và để riêng các loại thịt, gia cầm, hải sản, trứng sống ra khỏi các thực phẩm khác khi đi chợ và khi bảo quản trong tủ lạnh. Bảo quản các loại thực phẩm tươi sống cần phải tách biệt với các loại thực phẩm đã được nấu chín.
Hạn chế ăn trực tiếp các thực phẩm tươi sống hoặc lên men nếu các thực phẩm này không được bảo quản đúng, các loại thực phẩm có dấu hiệu nhiễm nấm mốc.
Đối với thức ăn thừa, cần đậy kín rồi bảo quản trong ngăn mát hoặc ngăn đá, trước khi dùng lại cần hâm nóng đủ thời gian.
Đối với các thực phẩm đông lạnh, cần rã đông trước khi nấu bằng một trong các cách sau: Rã đông trong ngăn mát tủ lạnh qua đêm; rã đông dưới vòi nước chảy; hoặc bằng lò vi sóng. Thực phẩm đã rã đông thì không cấp đông lại.
Hà Nội tăng mức phạt trong lĩnh vực an toàn thực phẩm
Từ 1/1/2025, Hà Nội áp dụng mức phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP), trong đó quy định, kinh doanh thức ăn đường phố vi phạm ATTP bị phạt đến 6 triệu đồng; vi phạm quy định về giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP bị phạt cao nhất đến 120 triệu đồng. Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm ATTP trong vận chuyển thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm sẽ có mức phạt cao nhất đến 20 triệu đồng.