Giao thông

Tỷ lệ đất dành cho giao thông thấp: Áp lực giao thông tại Hà Nội ngày càng lớn

Lê Khánh 14/01/2025 10:58

Hiện diện tích đất dành cho giao thông tại Hà Nội chỉ tăng 0,3%/năm nhưng xe cá nhân lại tăng 4 - 5%/năm. Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, áp lực giao thông của Hà Nội sẽ ngày càng lớn nếu không hạn chế được các loại xe cá nhân.

Đất dành cho giao thông tỷ lệ nghịch với lượng xe cá nhân

Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội đến tháng 12/2024, tổng chiều dài đường bộ của Thủ đô đang khai thác đạt khoảng 23.420km, bao gồm 5 tuyến cao tốc và vành đai; 11 tuyến quốc lộ; 128 đường tỉnh; 1.220 tuyến đường đô thị; 2.310 nút giao thông; 585 cầu, hầm, không tính các tuyến đường ngõ, ngách nhỏ.

Hiện nay, chỉ tiêu diện tích đất dành cho giao thông của Hà Nội đến nay đạt 12,13%, tốc độ tăng bình quân 0,3%/năm; theo quy hoạch đến năm 2030 phải đạt 20 - 26% đối với đô thị trung tâm.

Trong khi đó, dân số hiện nay của Hà Nội khoảng trên 8 triệu người chưa bao gồm khoảng 1,2 - 1,5 triệu người từ các tỉnh, TP khác thường xuyên sinh sống, làm việc và học tập tại Thủ đô.

pdh_3759.jpg
Tình trạng ùn tắc giao thông trên đường Giải Phóng.

Toàn Hà Nội có hơn 9,2 triệu phương tiện các loại đang hoạt động trên địa bàn (chưa bao gồm phương tiện của các cơ quan T.Ư).

Trong đó, Hà Nội đang quản lý hơn 8 triệu phương tiện các loại, bao gồm 1,1 triệu ô tô và 6,9 triệu xe máy.

Ngoài ra còn có khoảng 1,2 triệu ô tô, xe máy cá nhân từ các tỉnh, TP khác lưu thông trên địa bàn Hà Nội.

Có thể thấy rằng, việc tốc độ gia tăng phương tiện khoảng 4 - 5%/năm, gấp từ 11 - 17 lần tốc độ mở rộng đường. Đặc biệt, xe ô tô cá nhân đang tăng khoảng 10%/năm, cao gấp hơn 30 lần tốc độ gia tăng đất dành cho giao thông.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, mật độ dân cư của Hà Nội rất lớn, bình quân 2.398 người/km2, cao gấp 8,2 lần so với mật độ dân cư cả nước. Tốc độ tăng dân số cơ học trung bình hàng năm 1,4%/năm là rất cao.

Cùng với tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân cao gấp hàng chục lần chỉ số gia tăng hạ tầng làm cho mật độ giao thông trên nhiều tuyến đường, nút giao thông rất lớn. Đặc biệt là vào khung giờ cao điểm dẫn đến lưu lượng phương tiện thực tế trên nhiều tuyến đường, nút giao vượt quá lưu lượng thiết kế.

Đơn cử: đường Nguyễn Trãi có lưu lượng gấp 2,5 - 3,2 lần so với thiết kế; đường Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển cao gấp 4,3 - 4,9 lần; đường Lê Văn Lương cao gấp 2,7 - 3,3 lần; đường Xuân Thủy - Cầu Giấy cao gấp 2,1 - 2,6 lần; đường Láng cao gấp 1,2 - 1,8 lần; đường Thái Hà - Huỳnh Thúc Kháng cao gấp 1,5 - 2,4 lần.

Có nên hạn chế xe cá nhân để giảm ùn tắc

Thạc sĩ Quản lý đô thị Trần Tuấn Anh cho rằng, với tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân, sự quá tải đến ngặt nghèo mật độ giao thông như thế này, không một hệ thống hạ tầng nào đuổi theo kịp để đáp ứng. Ùn tắc giao thông của Hà Nội sẽ ngày càng diễn biến phức tạp hơn bất khả kháng.

"Khi các tuyến đường quá tải gấp nhiều lần, dù có dùng bao nhiêu biện pháp đồng bộ như: tổ chức giao thông; xử phạt nghiêm để chấn chỉnh ý thức; di dời trường học, bệnh viện ra khỏi trung tâm… cũng sẽ không thể mang lại hiệu quả tức thời.

Việc triển khai đồng bộ các giải pháp giảm thiểu ùn tắc giao thông là cần thiết và phải bền bỉ cũng như thúc đẩy nhanh chóng hơn nữa. Tuy nhiên, trước mắt TP cần xem xét các biện pháp ưu tiên, để điều tiết giao thông cho phù hợp với năng lực hạ tầng vốn có", ông Trần Tuấn Anh phân tích.

un_tac_cau_vuot_mai_dich-le-khanh4.jpg
Vào giờ cao điểm, các phương tiện cá nhân "ken đặc" trên đường Phạm Hùng.

Thạc sĩ Quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương cho rằng, Hà Nội đã đặt vấn đề hạn chế xe cá nhân từ rất lâu nhưng vẫn còn không ít khó khăn vướng mắc.

"Trước mắt để hạn chế ùn tắc Hà Nội cần quay lại với kế hoạch hạn chế xe cá nhân, bao gồm cả ô tô và xe máy, chứ không riêng loại hình nào. Thậm chí với tốc độ gia tăng hơn 30 lần so với diện tích đất dành cho giao thông, ô tô lại càng cần xem xét hạn chế hơn nữa", Thạc sĩ Quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương nêu giải pháp.

Nhiều chuyên gia giao thông cũng cho rằng, việc hạn chế xe cá nhân cũng là một giải pháp để định hướng người dân sử dụng phương tiện khác thay thế. Cùng với đó, Hà Nội nên nhanh chóng mở các không gian ưu tiên cho xe buýt hoạt động nhằm đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, đồng thời tạo động lực để người dân hạn chế sử dụng xe riêng.

Từ thực tế hoạt động của đường sắt đô thị cho thấy, khi có làn đường riêng, giảm thời gian di chuyển, bảo đảm mong muốn về giờ giấc đi lại, người dân sẵn sàng chuyển đổi sang loại hình vận tải hành khách công cộng...

Hiện mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội mới đưa vào khai thác sử dụng 21,55km, bao gồm: 13,05km thuộc tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông; 8,5km đoạn trên cao thuộc tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội.

Mạng lưới xe buýt bao gồm 154 tuyến buýt thường (với 2.279 xe) và 1 tuyến buýt nhanh BRT. Chỉ tiêu vận tải hành khách công cộng đến nay đã đạt 19,5% và theo quy hoạch yêu cầu đến năm 2030 phải đạt 30 - 35%.

Lê Khánh