Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Chuyện của đèn tín hiệu giao thông

Hoàng Mai 15/01/2025 10:45

Tại Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra mới đây, khi cho ý kiến vào báo cáo công tác dân nguyện trong tháng 12/2024, nhiều người bày tỏ quan tâm đến các quy định trong Nghị định 168/2024/NĐ-CP (Nghị định 168) quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Quan tâm là điều hết sức bình thường, vì Nghị định 168 có thể coi là một bước đột phá trong góp phần giảm thiểu vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ với những khung phạt, mức phạt vi phạm hành chính cao hơn hẳn các quy định cũ. Chủ trương đánh vào kinh tế này đã có nhiều tác dụng, việc vi phạm trật tự an toàn giao thông trong hơn 2 tuần thực hiện theo Nghị định 168 đã có chiều hướng giảm, ý thức của người dân khi tham gia giao thông từ đó cũng được đánh giá: Đã tốt lên rất nhiều! Đó là điều đáng mừng.

Nhưng, tại phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã thẳng thắn chỉ ra băn khoăn: Đèn tín hiệu bị hư, "dính" vượt đèn đỏ bị phạt đến 20 triệu đồng thì phải làm sao? Cũng tại phiên họp kể trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh sau khi dẫn lại ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đưa ra nhận xét, hệ thống tín hiệu giao thông có chỗ hoạt động chưa đảm bảo đúng quy định, tức là còn trục trặc kỹ thuật. Từ đó, ông đề nghị cơ quan chức năng có liên quan hệ thống an toàn giao thông xử lý sớm để có cơ sở xử lý nghiêm với các trường hợp vi phạm.

Liên quan vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng cùng với thực hiện nghiêm các quy định của nghị định về xử phạt vi phạm giao thông chúng ta cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến qua phương tiện truyền thông, qua các cơ quan, đoàn thể đến từng hộ dân, từng người dân.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Công an cần phối hợp các cấp, ngành kiểm tra điều kiện kỹ thuật tín hiệu đèn giao thông, không để người dân bị phạt oan. Đây là nội dung được các đoàn đại biểu Quốc hội và cử tri rất quan tâm. "Luật đúng, nghị định đúng, thông tư đúng, chủ trương đúng, nhưng thực hiện cũng còn hai mặt. Ban đầu còn việc này việc nọ phải tiếp tục chấn chỉnh". Ví dụ, thực hiện nghị định về xử phạt về an toàn giao thông thì bước đầu các ngã ba, ngã tư đèn xanh, đèn đỏ còn ùn tắc giao thông. "Người dân quay clip gửi cho tôi. Nên phải quan tâm và góp ý phải tiếp thu"- Chủ tịch Quốc hội nói.

Câu chuyện ùn tắc tại các ngã ba, giao lộ ở các thành phố lớn là việc báo chí nói nhiều mấy ngày gần đây. Có những nút giao lớn mà đèn đỏ thì chờ lâu nhưng đèn xanh chỉ khoảng 20 giây; cũng vì thế, vào giờ cao điểm ùn tắc kéo dài. Nhiều nơi, phải chờ tới 3 hoặc 4 lần đèn đỏ mới đi qua được ngã ba- ngã tư. Đây cũng là điểm đáng lưu tâm đối với bộ phận phụ trách kỹ thuật tín hiệu giao thông, bên cạnh việc đèn tín hiệu giao thông hoạt động chưa đảm bảo như Phó Chủ tịch Quốc hội đã nêu.

Từ những bất cập không phải là lớn của đèn tín hiệu giao thông, có thể thấy, một trục trặc nhỏ cũng ảnh hưởng lớn đến nhiều người trong xã hội. Và những trục trặc nhỏ thôi cũng có thể tạo nên sự bất an của một bộ phận nhân dân. Bởi, nếu không khéo, hệ thống tín hiệu giao thông sẽ trở thành một cái “bẫy” và có thể bị phạt oan. Dân băn khoăn chẳng sai, vì đèn tín hiệu giao thông gặp trục trặc mà cơ quan chức năng không thể xử phạt cái đèn tín hiệu; mà chỉ có người dân phải chịu hậu quả. Đó chính là điều mà cử tri và nhân dân băn khoăn, gửi đến Quốc hội thông qua kênh của các đoàn Đại biểu Quốc hội. Băn khoăn ấy là chính đáng và tại phiên họp trên, chính Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ cho biết, bộ này tiếp thu các ý kiến được các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu để xem xét, điều chỉnh.

Hoàng Mai