Văn hóa

Lễ Ban Sóc dưới triều Nguyễn

Nguyễn Quốc 16/01/2025 14:07

Người Việt xưa lấy kinh tế nông nghiệp làm trọng, nên quyển lịch, các vụ mùa có ý nghĩa rất đặc biệt. Hàng năm, sau khi soạn lịch xong, triều Nguyễn thực hiện nghi lễ Ban Sóc (phát lịch) cho quan lại ở các địa phương, và dân chúng sử dụng.

anhduoi.png
Ngày nay Lễ Ban Sóc được tái hiện dưới hình thức sân khấu hóa. Ảnh: T.L.

Sau khi thiết lập lại vương triều và hoàn thành công việc thống nhất đất nước, triều Nguyễn (1802 - 1945) đã cho thiết lập cơ quan chuyên trách về thiên văn, dự báo thời tiết, chiêm nghiệm các hiện tượng của tự nhiên, làm lịch, chọn các ngày tốt để cử hành các việc trọng đại của triều đình.

ThS Nguyễn Anh Tuấn - Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế cho biết, sử triều Nguyễn xác nhận về chức năng của Khâm Thiên Giám: Kính định chức vụ của Khâm Thiên giám phải tính toán, cho biết độ sai của từng năm, tính cho đều để cho khí tiết vừa đúng làm thông lịch để thì giờ làm ăn đúng, coi dáng mây để báo trống canh. Những năm đầu thời vua Gia Long, lịch này được gọi là Vạn Toàn lịch. Đến năm Gia Long thứ 11 (1812), nhà vua cho đổi Vạn Toàn lịch làm Hiệp Kỷ lịch. Lịch Hiệp Kỷ là lịch chép ngày tháng trong mỗi năm theo can, chi, có chia các tiết và mục.

“Hàng năm làm lịch, đến tháng 5 âm lịch thì hoàn thành bản thảo, loại lịch chép tay, chỉ làm duy nhất một cuốn gọi là Ngự Dụng lịch để dâng Vua, “Quan lịch” là lịch dùng cho các quan và “Dân lịch” ban phát xuống các làng xã. Ngoài ra, còn có ấn bản đặc biệt chỉ để thờ tại các miếu trong Đại Nội như Thái miếu, Thế miếu… gọi là “Long phụng lịch”. Bên cạnh đó, mỗi năm Khâm Thiên Giám còn làm ra nhiều loại lịch khác như “Thất chính kinh vĩ hành độ”, “Thất chính ngự lịch”, “Vạn Niên Thọ”…” - ông Tuấn cho hay.

Đối với các địa phương trong Nam ngoài Bắc, mỗi năm vào ngày mồng 1 tháng 12, quan 2 tỉnh Hà Nội và Gia Định mặc triều phục đến Kinh đô Huế bái vọng để nhận bản mẫu của lịch. Sau đó, những quyển lịch được 2 tỉnh này in ra để phát về các địa phương lân cận. Đối với các quyển lịch bìa vàng có các dấu ấn thì vẫn do triều đình gửi đến sau để đóng.

Để phục vụ công tác làm lịch, nhà Nguyễn đã cho thành lập Khâm Thiên Giám vào năm 1805, vào thời vua Gia Long đến đầu thời vua Minh Mạng, không rõ được xây dựng ở địa điểm nào. Tuy nhiên, đến năm Minh Mạng thứ 13 (1832), đặt ở phường Nam An trong Kinh thành, tại vị trí gần Quan Tượng Đài để tiện làm việc. Đến năm 1918, Khâm Thiên Giám được dời đến vị trí hiện nay (số 82 đường Hàn Thuyên, phường Đông Ba, phường Phú Xuân, TP Huế).

Ngoài ra, nhà Nguyễn cũng cho xây dựng quan Tượng Đài để phục vụ quan sát khí hậu, thủy văn, phục vụ làm lịch, dự báo thời tiết do Khâm Thiên Giám điều hành, trên đài ngày xưa có một ngôi đình hình bát giác gọi là đình Bát Phong. Bên ngoài đình dựng một cây cờ để biết hướng gió…

Ông Nguyễn Phước Hải Trung - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, người Việt xưa lấy kinh tế nông nghiệp làm trọng, cho nên quyển lịch đối với đời sống con người, các vụ mùa có ý nghĩa rất đặc biệt. Xem lịch để theo dõi thời gian, thời tiết mà làm nông vụ. Xem lịch để biết được sự thay đổi tiết trời mà ứng phó, phòng tránh thiên tai.

Hàng năm, sau khi nha Khâm Thiên Giám soạn lịch xong, triều đình tổ chức lễ Ban Sóc dưới sự điều hành của 2 viên ở bộ Lễ và Khâm Thiên Giám. Lịch được tiến vào Hoàng Cung để Hoàng gia dùng; lịch được phát cho các quan ở Kinh thành, ở các địa phương và phân phát lại trong dân chúng sử dụng.

Ông Trung cho biết, Lễ Ban Sóc vốn được tổ chức ở sân điện Thái Hòa. Vào năm Tân Sửu (1841), lần đầu tiên được Hoàng đế Minh Mạng chỉ dụ thực hiện ở Ngọ Môn. Lễ Ban Sóc dưới thời Nguyễn gắn với việc biên soạn, in ấn lịch và ban cho toàn quốc có ý nghĩa rất thiết thực đối với nước ta, nhất là phục vụ cho công việc đồng áng hàng ngày, gắn với nền kinh tế trọng nông thuở trước.

ThS Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm, ngày xưa, các triều đại phong kiến rất coi trọng, cẩn thận khi làm lịch và ban lịch hàng năm. Nước ta vốn là một nước nông nghiệp, nên cuốn lịch rất quan trọng, đòi hỏi Khâm Thiên Giám phải nghiên cứu, khảo sát và ghi chính xác các vấn đề diễn biến liên quan về thời tiết để phục vụ các công việc của nhà nước và nông vụ.

Những năm gần đây, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tái hiện Lễ Ban Sóc qua hình thức sân khấu hóa với hình thức, nghi tiết như thời xưa tại Ngọ Môn, nhằm thể hiện tinh thần nhân văn của người xưa, và là dịp để du khách và người dân Huế cùng trải nghiệm với di sản Cố đô Huế trong ngày đầu năm mới.

Nguyễn Quốc