Di chuyển cuối năm: Cần giải pháp gì?
Hơn một tuần qua, kẹt xe trầm trọng xảy ra ở nhiều tuyến đường tại TPHCM. Thời gian di chuyển cho cùng một lộ trình đã tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp 2 lần so với một tháng trước. Điều đó khiến nhiều người mệt mỏi, áp lực khi ra đường và chi phí vận chuyển tăng lên.
Ý thức chuyển biến, nhưng vẫn... kẹt xe!
Anh Nguyễn Văn Tùng, 48 tuổi, ngụ tại huyện Hóc Môn (TPHCM) nhưng thường di chuyển tới công ty ở quận Phú Nhuận cho biết thời gian đi làm đã tăng hơn rất nhiều. “Tôi thường đi xe gắn máy từ nhà tới công ty. Trước đây chỉ mất khoảng 35 phút. Nhưng tuần gần đây luôn mất hơn một giờ đồng hồ. Ở nút giao với quốc lộ 1A, nút cổng khu công nghiệp Tân Bình, nút ngã ba Mũi Tàu hay đèn giao thông ở đường Cộng Hoà rất đông đúc, đèn giao thông nhảy 5-6 lần mới qua được. Theo quan sát của tôi thì đúng là mọi người đã có ý thức chấp hành tốt hơn, không leo lề, quẹo phải hay vượt ẩu nhưng vẫn xảy ra kẹt xe”.
Cũng theo anh Tùng, do thường xuyên di chuyển nên anh thấy một số đèn giao thông ở khu vực này chưa hợp lý. Đó là những nút chỉ có ngã 3 như tín hiệu đèn giao thông đường Trường Chinh - Phan Huy Ích. Tại đây dòng người xe (chiều từ Quận 12 đi Tân Phú) phải dừng chờ rất lâu nhưng phía trước không có đường giao cắt. Ở đó chỉ có một công ty chế biến thực phẩm và thường không có công nhân ra/vào ngoài một thời gian ngắn buổi sáng, chiều. Việc lắp đèn tín hiệu nhưng phía trước không có đường và phương tiện di chuyển cắt ngang vừa lãng phí, vừa không cần thiết. Tương tự, một số nút giao với Quốc lộ 22 đi qua huyện Hóc Môn, Quận 12 cũng không có giao lộ, chỉ có ngã ba nhưng vẫn có đèn giao thông khiến phương tiện phải dừng chờ mất nhiều thời gian. Theo một số ý kiến, những khu vực ngã ba chỉ có thể cho phép xe gắn máy di chuyển ở phía làn trong bên phải để giúp giảm áp lực mà không xung đột với các phương tiện nào khác.
Nhưng nếu di chuyển bằng xe gắn máy chịu áp lực một thì thời gian qua, di chuyển bằng ô tô cá nhân ở TPHCM gặp áp lực gấp 2-3 lần. Gần như mọi nút giao thông có đèn tín hiệu đều xuất hiện tình trạng hàng trăm xe ô tô nối đuôi nhau di chuyển rất chậm chạp. Đặc biệt là các tuyến quốc lộ, trục nối TPHCM và các tỉnh lân cận, đường chính từ ngoại ô dẫn vào trung tâm.
Nhưng gặp khó khăn hơn cả thời gian qua là tài xế chạy dịch vụ (taxi, xe ôm công nghệ, giao hàng...). Thậm chí nhiều tài xế cho biết thu nhập đã giảm nhiều do tâm lý ngại ra đường nếu không quá cần thiết và chi phí vận tải cao hơn do thời gian di chuyển lâu. Anh Trần Văn Kiên - một tài xế giao hàng ở khu vực quận Tân Bình, Tân Phú cho biết gần đây đã phải nhận ít đơn hàng hơn do sợ bị lực lượng chức năng xử phạt vì chở hàng cồng kềnh.
“Trước đó tôi thường chất hàng nhiều ở thùng phía sau. Do hầu hết đơn hàng là quần áo, đồ gia dụng rất nhẹ, chỉ cồng kềnh mà thôi. Gần đây, tôi bớt phân nửa số đơn hàng khi đi giao. Giao xong mình mới về kho lấy hàng nữa nên phải di chuyển đi lại nhiều hơn. Dù vậy thì mình an tâm hơn bởi không lo bị phạt gì cả” - anh Kiên chia sẻ.
Thực hiện nhiều giải pháp
Thống kê từ dữ liệu quan trắc của Sở GTVT cho thấy lượng phương tiện ở khu vực trung tâm TPHCM tăng 17% so với trước, ở khu vực cửa ngõ tăng 10%. Theo Thượng tá Nguyễn Văn Bình - Phó Trưởng Phòng CSGT đường bộ, đường sắt, Công an TPHCM thì dịp cuối năm nhu cầu di chuyển của người dân tăng cao nên cơ quan này đã tăng cường lực lượng túc trực tại các giao lộ, nhà ga, bến xe, sân bay, quốc lộ… để kịp thời điều tiết, giải quyết nhanh những ùn tắc. Cùng đó, đơn vị phối hợp với Sở GTVT TPHCM kiểm tra các giao lộ phức tạp về giao thông để điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu, lắp biển báo phụ, đèn mũi tên cho xe máy rẽ phải khi đèn đỏ... phù hợp thực tế.
Hiện nay cơ quan chức năng TPHCM đã lắp thêm hơn 130 biển báo tín hiệu cho phép phương tiện (chủ yếu xe gắn máy) được phép rẽ phải hoặc đi thẳng ở một số giao lộ nhằm giảm bớt áp lực phương tiện khi dừng chờ đèn giao thông.
Ông Bùi Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai các giải pháp hạn chế ùn tắc, nhất là khu vực trung tâm, đầu mối giao thông lớn như sân bay, bến xe... Khi phát sinh ùn ứ, các lực lượng cần có phương án xử lý nhanh; đồng thời bố trí lực lượng tăng cường điều tiết giao thông tại các điểm nóng, các nút giao thông có mật độ phương tiện cao; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm bên cạnh việc quản lý, vận hành hệ thống đèn tín hiệu giao thông...