Giao thông

'Nghẹt thở' vì kẹt xe

Nam Anh - Hồ Hương 16/01/2025 14:55

Từ lâu Thủ đô Hà Nội và TPHCM vẫn nổi tiếng với “đặc sản” tắc đường. Đặc biệt, dịp năm hết Tết đến, hầu hết mọi ngả đường, tuyến phố đều xảy ra ùn tắc ở nhiều cung giờ. Mỗi ngày ra đường phải đối mặt với khói bụi, tiếng ồn và về đến nhà là đọng lại sự mệt mỏi, bực bội. Tắc đường đã trở thành nỗi ám ảnh mỗi ngày của nhiều người.

Anh cv thay
Nút giao Ngã Tư Sở (quận Đống Đa, TP Hà Nội) ùn tắc cục bộ chiều ngày 15/1. Ảnh: Quang Vinh.

Nhà ở xã An Khánh (huyện Hoài Đức, TP Hà Nội), cách khá xa trung tâm Hà Nội, cũng như nơi công ty đặt trụ sở trên phố Liễu Giai, nên anh Nguyễn Quang Sơn (35 tuổi) khá thảnh thơi mỗi sáng đi làm. Song khoảng gần 3 tuần trở lại đây, trước khi đi ngủ, anh đều phặt phải đặt chuông báo thức lúc 6 giờ kém 15 phút.

Ùn tắc mọi ngả đường, nhiều khung giờ

“Gia đình mình cố gắng ra khỏi nhà trước 6 giờ 40 phút. Còn sau thời điểm này là kẹt xe. Cùng một cung đường, một điểm nút đèn xanh đỏ, nhưng khoảng thời gian chỉ hơn kém nhau từ 10 cho đến 15 phút đã khác hoàn toàn. Những ngày này, tình trạng ùn tắc diễn ra căng thẳng cả ngày, ai cũng vội, ai cũng muốn nhanh nên tình trạng tắc đường càng khiến mọi người căng thẳng”- anh Sơn chia sẻ.

Di chuyển thường xuyên qua đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên), anh Nguyễn Hoàng Thắng ở Ngọc Thuỵ (quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, từ đường Nguyễn Văn Cừ, vượt qua cầu Chương Dương để sang cơ quan ở Bà Triệu, anh phải chờ đến 4 nhịp đèn đỏ mới có thể vượt qua nhịp đèn đỏ trước cầu Chương Dương. Tôi ra khỏi nhà từ 7h20, mất gần 30 phút mới qua được cầu để vào trung tâm thành phố làm việc và chặng đường chỉ hơn 6km mà nhiều hôm hơn 8 giờ mới tới được cơ quan.

Có cửa hàng kinh doanh quần áo ở khu vực Trường Chinh, không phải chịu áp lực đi làm - tan ca vào khung giờ cao điểm sáng - chiều, song chị Bùi Khánh Ly nhà ở Hà Đông hơn 2 tuần nay, hôm nào cũng chật vật mất hơn 40 phút để một quãng đường chừng 8 km đi từ nhà tới cửa hàng.

“Ngay ngã tư Vạn Phúc - Quang Trung, trước đây mỗi lần có nhịp đèn đỏ thì xe dừng lại và kéo dài khoảng 300 m. Từ đầu tháng 1/ 2025 đến nay, xe nối xe thành hàng kéo dài khoảng 700m, gần hết cả trục đường để chờ đèn xanh đi. Phải đến 3 lần đèn xanh mình mới đi qua được nhịp đèn ở đây” - chị Ly chia sẻ.

Những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ, các con phố ở Hà Nội luôn trong trạng thái đông đúc, có lúc ùn tắc cục bộ. Dù không phải là giờ cao điểm song nhiều trục đường như Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Tây Sơn, Khuất Duy Tiến, Hoàng Minh Giám, Minh Khai (đoạn từ chân cầu Vĩnh Tuy đến cầu Mai Động lúc nào cũng đông nghẹt.

Trong khi đó, chị Nguyễn Hà An (29 tuổi, nhà ở đường Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân, TPHà Nội) thì lại phàn nàn, khoảng 10 ngày gần đây, bữa tối của chị thường diễn ra sau 20 giờ. “Nhà ở Thanh Xuân nhưng tôi làm ở Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm). Tan giờ làm lúc 17 giờ 30 phút, nếu lấy xe về nhà ngay để kịp cơm tối cùng gia đình thì gần như là không thể, vì nút giao đường gom Đại lộ Thăng Long để nhập vào đường Phạm Hùng, rồi nút Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển thường xuyên ùn tắc từ cuối giờ chiều cho tới gần 8 giờ tối. Chính vì vậy mà tôi đành ngồi nán lại cơ quan, cũng vừa để làm việc và cũng là đợi đến 18h 30 cho bớt tắc đường rồi về nhà”.

Không chỉ chị Ly, anh Thắng, anh Sơn mà hàng loạt nhân viên ở các công ty, cán bộ ở các công sở đều phản ánh về tình trạng tắc đường những ngày cuối năm. Ùn tắc giao thông cộng với ô nhiễm môi trường khiến ai cũng cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng.

Về thực trạng nêu trên, đại diện Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội) cho biết, thời điểm cận Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao khiến giao thông trên địa bàn thành phố luôn đông đúc. Đây là nguyên nhân chính khiến nhiều tuyến đường ùn tắc ngay cả vào ngày cuối tuần. Đại úy Nguyễn Văn Long, công tác tại Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ số 3 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) chia sẻ, những ngày cuối năm, nhất là vào cuối tuần, người dân tranh thủ đi sắm Tết nên lượng phương tiện gia tăng đột biến. CSGT không chỉ phải điều tiết giao thông vào các giờ cao điểm sáng và chiều, mà giữa trưa cũng phải làm việc. Đặc biệt, kế hoạch phân luồng phải liên tục thay đổi.

Trung tá Đặng Hồng Giang - Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 3 , cho biết: Vành đai 2 là tuyến giao thông nội đô khép kín của Hà Nội dài 43,6km, chạy qua các điểm Vĩnh Tuy - Minh Khai - Đại La - Ngã Tư Vọng - đường Trường Chinh - Ngã Tư Sở - đường Láng - Cầu Giấy - Bưởi - cầu Nhật Tân... vào những ngày thường đã có mật độ phương tiện cao, thậm chí có những lúc quá tải về sự lưu thoát của các phương tiện.

anh thay
Càng cận Tết, một số tuyến đường ở Thủ đô có thể bị ùn tắc bất cứ thời điểm nào trong ngày. Ảnh: Lê Khánh.

Phát sinh thêm nhiều điểm ùn tắc

Ông Nguyễn Phi Thường - Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) thông tin: Tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp, xuất hiện các điểm ùn tắc mới. Nguyên nhân là do, lượng xe cá nhân tăng cao, hạ tầng chưa theo kịp với sự phát triển của đô thị, khả năng đáp ứng của vận tải công cộng còn hạn chế.

Theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, tốc độ phát triển của phương tiện cá nhân tăng chóng mặt, trung bình 5%, với ô tô là 10%/năm trong vài năm gần đây nhưng tốc độ phát triển của hạ tầng mỗi năm chỉ tăng 0,03%. Nếu không có giải pháp căn cơ, đồng bộ thì hạ tầng không bao giờ đuổi kịp tốc độ phát triển phương tiện cá nhân.

Vẫn theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, bằng nhiều giải pháp, năm 2024 Sở này đã phối hợp với các đơn vị có liên quan xử lý được 13/33 điểm ùn tắc, nhưng cũng trong năm 2024 lại phát sinh thêm 16 điểm ùn tắc, đưa số điểm ùn tắc hiện nay lên 36 điểm. Qua rà soát, địa bàn thành phố còn trên 230 điểm có nguy cơ ùn tắc, cần phải có phương án xử lý, tránh để thành những điểm ùn tắc thường xuyên. Hiện các tuyến đường của Hà Nội đều đã khai thác vượt quá công suất thiết kế, trong khi các tuyến đường vành đai đều chưa được khép kín.

Theo ông Nguyễn Phi Thường, thời điểm cuối năm tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra tại nhiều tuyến đường, trong đó phải kế tới nút giao thông Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển. Ùn tắc tại nút giao này diễn ra thường xuyên, làm ảnh hưởng đến nhiều tuyến đường khác. Sở GTVT đã tiến hành khảo sát, đưa ra nhiều phương án để có hướng xử lý. Cụ thể, ngoài tổ chức lại giao thông tại nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển, cần thiết cần phải có phương án giảm lưu lượng xe ở đường Vành đai 3 trên cao. Vì thực tế, hiện tuyến đường Vành đai 3 trên cao đang có lưu lượng vượt quá năng lực thiết kế của mặt đường đến 6 lần, do vậy, không chỉ nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển mà tại các nút giao dọc đường Vành đai 3 có đường lên xuống với đường trên cao đều bị ùn tắc.

Ong Thường cho biết, các tuyến đường của Hà Nội đều đã khai thác vượt quá công suất thiết kế, trong khi các tuyến đường vành đai đều chưa được khép kín. Như Vành đai 1 còn vướng mặt bằng đoạn Hoàng Cầu- Voi Phục chưa thể triển khai; Vành đai 2 còn đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy; Vành đai 2,5 thì “xôi đỗ” theo từng đoạn, không liền mạch nên hiệu quả chưa phát huy được nhiều; Vành đai 3 còn toàn bộ mạn phía Bắc Mê Linh - Đông Anh chưa được đầu tư đồng bộ…

Đưa ra giải pháp trong năm 2025, ông Thường khẳng định, Sở GTVT tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan xử lý các điểm ùn tắc còn tồn tại, có giải pháp cho 230 điểm đang có nguy cơ ùn tắc.

Trong khi đó, đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, thời điểm giáp Tết Nguyên đán tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn toàn quốc, nhất là các thành phố, đô thị lớn đông người luôn phức tạp, xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Vậy nhưng, với Nghị định 168/2024/NĐ-CP (Nghị định 168) về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (GPLX), thay thế cho Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/NĐ-CP), chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, tăng mức xử phạt vi phạm hành chính lên gấp nhiều lần đối với các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông thì đã tác động sâu sắc đến nhận thức, nâng cao đáng kể ý thức của người tham gia giao thông. Từ đó sẽ giảm bớt nguy cơ ùn tắc kéo dài.

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên sau nửa tháng áp dụng Nghị định 168/2024/NĐ-CP, tình hình trật tự an toàn giao thông trên nhiều tuyến đường đã có chuyển biến. Tại các nút giao lộ có tín hiệu giao thông, hầu hết chủ phương tiện đều nghiêm chỉnh chấp hành. Tuy vậy, để lập lại trật tự an toàn giao thông lâu dài trên mọi tuyến đường, ngoài việc phạt nặng, giới quan sát cho rằng cơ quan chức năng cần có thêm các giải pháp nâng cấp, sửa chữa cơ sở hạ tầng đường bộ.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, luật sư Nguyễn Ba Đô - Công ty Luật SJK Law nhấn mạnh, cơ quan quản lý cần đẩy nhanh các tuyến metro, phát triển phương tiện giao thông công cộng, nâng cấp hệ thống đèn tín hiệu và phân bổ thời gian của đèn hợp lý, cải thiện hạ tầng giao thông đô thị để giảm ùn tắc.

Số liệu thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) những ngày qua có chuyển biến rõ rệt, giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ và thời gian trước liền kề. Cụ thể, toàn quốc xảy ra 681 vụ TNGT, làm 365 người chết, 453 người bị thương, so với cùng kỳ giảm 355 vụ, giảm 47 người chết, giảm 426 người bị thương.

Nam Anh - Hồ Hương