Áp lực giao thông khó giảm trong ngắn hạn
Những ngày gần đây, tình hình giao thông trên địa bàn TP Hà Nội khá phức tạp, ùn tắc kéo dài vào nhiều khung giờ, tại nhiều nút giao thông. Nhiều người dân cho biết đã không còn phân biệt khung giờ cao điểm và thấp điểm vì nhiều tuyến đường lúc nào cũng... tắc.
Đại diện Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, để giảm tình trạng ùn tắc, tạo điều kiện cho người dân đi lại sắm Tết thuận lợi, Phòng đã bố trí 100% cán bộ, chiến sĩ phân luồng trên các tuyến đường. Từ ngày 15/12, đơn vị đã triển khai kế hoạch cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Lực lượng CSGT sẽ được huy động tối đa, tập trung phân luồng, điều tiết giao thông phòng ngừa ùn tắc. Ngoài ra, CSGT cũng tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân gây ùn tắc, tai nạn giao thông, phối hợp với Sở GTVT tổ chức lại giao thông trên một số tuyến đường bảo đảm cho người dân đi lại thuận lợi, vui xuân đón Tết an toàn.
Theo đại úy Trịnh Quốc Tuấn - cán bộ Đội CSGT đường bộ số 7: Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cùng Nghị định 168/2024 có hiệu lực từ 1/1/2025 đã tạo chuyển biến tích cực về ý thức chấp hành của người dân. Nhiều hành vi vi phạm phổ biến trước đây như vượt đèn đỏ, đi sai làn đường đã giảm đáng kể nhờ mức phạt cao và cơ chế trừ điểm giấy phép lái xe. Tuy nhiên, vẫn còn một số cá nhân cố tình vi phạm, gây nguy cơ mất an toàn giao thông. Sau gần 2 tuần, Nghị định số 168/2024 đi vào đời sống, ý thức chấp hành luật giao thông được nâng cao, việc chấp hành các quy định pháp luật của người dân đã tốt lên, tuy nhiên tại các nút giao trọng điểm, các phương tiện vẫn phải di chuyển chậm.
Nguyên nhân đến từ việc lượng phương tiện cá nhân tăng nhanh trong khi hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp. Bên cạnh đó, các công trình của thành phố đang xây dựng cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến giao thông. Thói quen di chuyển trong một khung giờ hoặc tuyến đường nhất định của người dân cũng là yếu tố khiến áp lực giao thông khó giảm trong ngắn hạn, chưa kể, dịp cận Tết nhu cầu đi lại tăng mạnh cũng khiến lượng phương tiện giao thông gia tăng đột biến. "Bên cạnh việc nâng cao ý thức chấp hành của người dân, cần đồng bộ các giải pháp như tăng cường phát triển giao thông công cộng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý giao thông và cải thiện hạ tầng để giảm thiểu tình trạng ùn tắc" - Đại úy Tuấn nói và cho biết thêm Phòng CSGT Hà Nội khuyến cáo, để bảo đảm việc tham gia giao thông được thuận lợi, an toàn, người dân cần chủ động lộ trình, thời gian di chuyển, chấp hành tốt quy định pháp luật, đi đúng phần đường, làn đường quy định, chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông. Tại các điểm xảy ra sự cố, ùn tắc tuyệt đối tuân thủ hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.
Càng về cuối năm, mật độ và lưu lượng phương tiện giao thông càng lớn tạo ra áp lực cho công tác giữ gìn, bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Lực lượng chức năng sẽ tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật trực tiếp, phân luồng, hướng dẫn giao thông, tiếp tục nhân rộng mô hình ngã tư an toàn giao thông.
Theo số liệu thống kê của Sở GTVT Hà Nội, tính đến hết tháng 4/2024, thành phố có hơn 8 triệu phương tiện, trong đó trên 1,1 triệu ô tô và hơn 6,9 triệu xe máy với gần 73% xe đã sử dụng trên 10 năm. Bên cạnh đó là khoảng 1 triệu phương tiện khác từ các địa phương lân cận lưu thông trên địa bàn thành phố. Mỗi năm Thủ đô Hà Nội tăng 390.000 phương tiện; mỗi tháng tăng 32.750 phương tiện; mỗi ngày tăng 1.100 phương tiện cá nhân.