Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học: Giải pháp từ địa phương
Tiếng Anh là môn học có sự chênh lệch khá lớn giữa các vùng, miền. Ngay tại Hà Nội cũng có sự chênh lệch giữa việc dạy học ngoại ngữ ở nội thành và ngoại thành.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội Trần Thế Cương, hiện nay chất lượng dạy và học ngoại ngữ giữa các khu vực nội thành và ngoại thành Thủ đô vẫn còn tồn tại nhiều khoảng cách. Trong đó, ở các khu vực nội thành, nhờ có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi, học sinh được tiếp cận với những chương trình đào tạo tiên tiến, giáo viên giàu kinh nghiệm và các tài liệu học tập phong phú. Trong khi đó, các trường vùng ngoại thành, dù các thầy cô đã rất nỗ lực nhưng điều kiện còn nhiều hạn chế, từ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên đến nguồn tài liệu hỗ trợ. Điều này khiến học sinh ở ngoại thành gặp nhiều khó khăn trong việc nâng cao năng lực ngoại ngữ khiến giảm cơ hội cạnh tranh và hội nhập.
Vì vậy, Sở GDĐT Hà Nội xây dựng kế hoạch thu hẹp khoảng cách chất lượng dạy và học ngoại ngữ giữa các vùng nội và ngoại thành Hà Nội với mục tiêu cụ thể là 100% giáo viên ngoại ngữ được tập huấn phương pháp giảng dạy hiện đại; triển khai đồng bộ giải pháp công nghệ trong giảng dạy tại các trường tiểu học, THCS, THPT và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; xây dựng mô hình “cặp trường kết nghĩa” nhằm trao đổi, chia sẻ, hỗ trợ trong việc dạy - học tiếng Anh và các ngoại ngữ khác.
Theo đó, kế hoạch sẽ được thực hiện qua 2 giai đoạn bao gồm từ tháng 1/2025 tập trung triển khai thí điểm mô hình cặp trường kết nghĩa, các lớp học mẫu và phong trào tự học ngoại ngữ. Tiếp đó, từ tháng 6/2025 sẽ nhân rộng mô hình trên toàn thành phố, bảo đảm học sinh ngoại thành có cơ hội tiếp cận chất lượng giáo dục tương đương với nội thành.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng xây dựng phong trào “Tháng tự học” để khuyến khích học sinh tự học ngoại ngữ qua nền tảng công nghệ, phát triển kỹ năng tự học và tư duy sáng tạo; thực hiện các buổi giảng dạy mẫu, chia sẻ tài nguyên giữa giáo viên nội và ngoại thành, xây dựng kho tài liệu trực tuyến; tích cực đầu tư cơ sở vật chất ở các nhà trường, phấn đấu có các phương tiện, trang thiết bị công nghệ và tài khoản, phần mềm… để dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là các tài khoản giúp học sinh tự học.
Tại Nghệ An “vùng đất học” nhưng thời điểm trước năm 2020, môn tiếng Anh vẫn được xem là “điểm trũng” nơi đây khi việc dạy và học tiếng Anh vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Trình độ và năng lực sử dụng ngoại ngữ của nguồn nhân lực tỉnh Nghệ An được đánh giá là chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế. Đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn Nghệ An giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030” đã ra đời trong hoàn cảnh này với nhiều giải pháp cụ thể như triển khai bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh. Ngành giáo dục cũng tổ chức khảo sát năng lực tiếng Anh theo chuẩn quốc tế cho hơn 2.600 giáo viên tiếng Anh, xây dựng lộ trình bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn quốc tế; đào tạo lại hàng trăm giáo viên tiếng Anh chuẩn theo hướng quốc tế với IELTS từ 7.0 trở lên... Từ đây, kết quả dạy và học tiếng Anh của Nghệ An đã được cải thiện rõ nét với những chuyển biến tích cực như lần đầu tiên địa phương này có điểm thi tốt nghiệp THPT trung bình đạt trên 5 điểm.
Giám đốc Sở GDĐT Nghệ An Thái Văn Thành cho biết, thời gian tới ngành giáo dục tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác truyền thông bằng nhiều hình thức, để phổ biến sâu rộng đến toàn xã hội về lợi ích, tầm quan trọng của việc dạy - học tiếng Anh. Đồng thời triển khai các giải pháp như đa dạng hóa các chương trình đào tạo tiếng Anh; phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên tiếng Anh đủ về số lượng và bảo đảm chất lượng…
Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về việc dần đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học đã được ngành giáo dục đặc biệt quan tâm với nhiều giải pháp, trong đó không thể thiếu vai trò chủ động từ các địa phương. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp quản lý, các nhà trường, giáo viên, phụ huynh và cộng đồng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu trong nước và quốc tế.