Văn hóa

Sự cần thiết của quỹ hỗ trợ văn hóa

Phạm Sỹ 17/01/2025 13:00

Hiện nay, công nghiệp văn hóa tại Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể, nhưng sự hỗ trợ về mặt nguồn lực, đặc biệt là tài chính, vẫn còn rất hạn chế. Vì vậy, việc thành lập quỹ hỗ trợ văn hóa là hết sức cần thiết. Song, thành lập và vận hành như thế nào để quỹ thực sự có hiệu quả vẫn là vấn đề cần phải được đặt ra.

Nhiều quỹ văn hóa vận hành chưa hiệu quả

Thời gian qua, các Quỹ Bảo tồn di sản Huế, Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam hay các quỹ của một số tập đoàn tư nhân đã góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn di sản văn hóa, hỗ trợ sáng tạo nghệ thuật và thúc đẩy hoạt động văn hóa ở nhiều địa phương. Đặc biệt, Quỹ Bảo tồn di sản Huế ra mắt từ tháng 6/2023, đến nay đã góp thêm nguồn lực đáng kể trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô Huế.

tr89 (3)
Các nghệ nhân biểu diễn nghệ thuật hát Then, đàn Tính ở Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Ảnh: P.Sỹ.

Tuy nhiên, hiệu quả của một số quỹ vẫn còn hạn chế nhất định, chưa thực sự phát huy được vai trò như mong đợi. Một phần do nguồn lực tài chính còn hạn chế, chưa huy động được sự tham gia mạnh mẽ từ xã hội và doanh nghiệp. Cũng có tình trạng quy trình xét duyệt, phân bổ kinh phí thiếu linh hoạt, dẫn đến khó khăn trong việc hỗ trợ đúng đối tượng, đúng nhu cầu.

Cùng với đó, còn thiếu sự kết nối giữa các quỹ với các nghệ sĩ, tổ chức văn hóa và cộng đồng địa phương. Điều này khiến cho nhiều hoạt động văn hóa có giá trị không được hỗ trợ kịp thời, hoặc không đạt được hiệu quả như mong muốn. Một số quỹ còn gặp khó khăn trong việc xây dựng chiến lược dài hạn và định hình các ưu tiên phù hợp với bối cảnh văn hóa, xã hội hiện tại. Thậm chí có quỹ được hình thành bởi luật nhưng vẫn chưa đi vào hoạt động được như Quỹ Phát triển điện ảnh.

ThS Trần Thành Trung - Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại TPHCM cho rằng, một trong những thách thức lớn nhất của các quỹ văn hóa là hạn chế về nguồn lực tài chính. Phần lớn các quỹ phụ thuộc nhiều vào ngân sách nhà nước, vốn thường bị giới hạn do các ưu tiên kinh tế - xã hội khác. Các nguồn tài trợ từ khu vực tư nhân, doanh nghiệp và cá nhân vẫn chưa phát triển mạnh do thiếu các cơ chế khuyến khích cụ thể, như ưu đãi thuế hoặc các chính sách hỗ trợ, tài trợ văn hóa. Điều này dẫn đến tình trạng quy mô quỹ nhỏ, không đủ để đáp ứng nhu cầu đầu tư dài hạn cho các hoạt động bảo tồn di sản và phát triển sáng tạo.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, việc xây dựng và phát triển các quỹ hỗ trợ văn hóa là hướng đi đúng, nhưng cần thêm nhiều nỗ lực để các quỹ này thực sự trở thành công cụ hiệu quả, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền văn hóa Việt Nam.

“Để khắc phục những vướng mắc, hạn chế như đã nêu, cần có cơ chế quản lý, vận hành quỹ rõ ràng hơn, đồng thời tăng cường huy động các nguồn lực xã hội, từ sự đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, đến sự tham gia của cộng đồng. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ để minh bạch hóa các hoạt động của quỹ, từ khâu vận hành, xét duyệt đến phân bổ kinh phí, cũng rất cần thiết để tạo niềm tin và thu hút sự đóng góp từ xã hội” - ông Sơn nói.

Vận hành thế nào cho hiệu quả?

Dù các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể, nhưng sự hỗ trợ về mặt nguồn lực, đặc biệt là tài chính vẫn còn rất hạn chế. Nhiều lĩnh vực như điện ảnh, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn hay các sản phẩm sáng tạo số đang phải đối mặt với những khó khăn về vốn đầu tư, công nghệ và thị trường. Một quỹ văn hóa chung có thể đóng vai trò như một nguồn lực quan trọng để hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, bảo vệ bản quyền, cũng như mở rộng khả năng tiếp cận thị trường trong và ngoài nước.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, việc thành lập một quỹ văn hóa chung để hỗ trợ các ngành công nghiệp văn hóa phát triển là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay; đồng thời cũng là một giải pháp chiến lược để thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, tạo điều kiện cho văn hóa Việt Nam vươn xa.

“Việc thành lập quỹ cần đi kèm với những quy định rõ ràng về mục tiêu, phương thức vận hành và tiêu chí hỗ trợ để đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả. Hoạt động của quỹ phải dựa trên các nguyên tắc rõ ràng về mục tiêu, đối tượng thụ hưởng và phương thức triển khai. Một vấn đề quan trọng nữa là làm sao để huy động nguồn lực xã hội, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước” - ông Sơn nói.

Còn theo ThS Trần Thành Trung, để xây dựng một quỹ văn hóa phát triển bền vững, việc nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò và ý nghĩa của quỹ là rất quan trọng. Đồng thời, cần đào tạo một đội ngũ quản lý quỹ chuyên nghiệp, có kỹ năng và kinh nghiệm trong việc điều hành và giám sát. Điều này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quản lý quỹ mà còn tạo nên một môi trường làm việc chuyên nghiệp và minh bạch.

Tại hội thảo tham vấn “Đề án chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, TS Nguyễn Phương Hòa - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) nêu ra một số kinh nghiệm quốc tế để vận hành quỹ hỗ trợ văn hóa. Theo đó, nhà nước cần xem xét xây dựng những công cụ tài chính riêng cho phát triển văn hóa thông qua hệ thống các quỹ hỗ trợ trên các lĩnh vực văn hóa như: Quỹ phát triển điện ảnh, Quỹ hỗ trợ văn hóa số, Quỹ hỗ trợ nghệ thuật…, giảm thuế đối với các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, cho phép tính các khoản tài trợ cho văn hóa nghệ thuật vào chi phí của doanh nghiệp...

Phạm Sỹ