Giao thông

Hà Nội chính thức đưa vào vận hành 3 tuyến xe buýt điện

Lê Khánh 17/01/2025 14:50

Ngày 17/1, 3 tuyến xe buýt số 05, 39, 47 thí điểm sử dụng phương tiện năng lượng điện chính thức được khai trương.

xe_buyt-le-khanh3.jpg
Ông Nguyễn Thanh Nam, Tổng Giám đốc Transerco phát biểu tại buổi lễ.

Phát biểu tại lễ khai trương, ông Nguyễn Thanh Nam, Tổng Giám đốc Transerco cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố về triển khai Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí mê-tan và cacbon trong ngành giao thông vận tải, Tổng công ty Vận tải Hà Nội nỗ lực triển khai thực hiện dự án chuyển đổi xanh đưa 3 tuyến xe buýt điện vào hoạt động.

z6236646908809_c1aca55a6e13ea80b2a1b9e976515100.jpg
Dàn xe buýt điện của Tổng công ty Vận tải Hà Nội.

"Trải qua những khó khăn từ việc nghiên cứu, tìm hiểu công nghệ mới, đến đẩy nhanh tiến độ xây dựng, lắp đặt hệ thống trạm sạc, hạ tầng cung cấp điện, đến nay, công tác chuẩn bị đưa 46 xe buýt điện vào hoạt động cơ bản đã hoàn tất.

xe_buyt-le-khanh2.jpg
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại lễ khai trương.

Phát biểu chỉ đạo tại lễ khai trương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và tinh thần tiên phong, trách nhiệm của Transerco trong việc chuyển đổi xanh.

"Ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường là hai vấn đề thách thức lớn đặt ra đối với Thủ đô và đã được đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đặc biệt quan tâm, chỉ đạo để giải quyết. Nhiều giải pháp đã được thực hiện, trong đó đặc biệt thành phố đang tập trung chỉ đạo để phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng sử dụng năng lượng xanh", Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.

xe_buyt-le-khanh1.jpg
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cùng các Sở, ban, ngành Hà Nội cắt băng khánh thành.

Thời gian tới, để đẩy nhanh việc chuyển đổi phương tiện xe buýt sử dụng năng lượng xanh, sạch theo đúng Đề án, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị Sở Giao thông vận tải Hà Nội tiếp tục chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành thành phố, đơn vị liên quan tham mưu UBND thành phố sớm trình HĐND thành phố để ban hành những cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa chủ trương hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện đầu tư, chuyển đổi phương tiện sử dụng năng lượng xanh, năng lượng sạch cũng như đầu tư hệ thống hạ tầng, trạm sạc đầy đủ, đồng bộ phục vụ người dân.

xe_buyt-le-khanh17.jpg
Hình ảnh nội thất bên trong xe buýt điện.

Đồng thời, khẩn trương xây dựng và trình thành phố Hà Nội ban hành bộ đơn giá, định mức cho xe buýt điện nhỏ và trung bình làm cơ sở để triển khai đấu thầu các tuyến buýt và thực hiện chuyển đổi các loại phương tiện tham gia giao thông sử dụng năng lượng xanh theo lộ trình.

Tuyến buýt số 05 sẽ tiếp tục đưa vào vận hành sau khi hoàn tất thủ tục theo quy định. Tuyến 05 có cự ly 20,65 km, với 11 xe hoạt động, 92 lượt xe/ngày; giãn cách chạy xe 20-25-30 phút/lượt tùy từng thời điểm trong ngày. Dự kiến, tuyến số 05 có lộ trình Mai Động - Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.

Tuyến 39 có cự ly 25,4 km, với 17 xe buýt điện hoạt động, 126 lượt xe/ngày; giãn cách chạy xe 15-20 phút/lượt; sẽ đi qua các điểm: Công viên Nghĩa Đô - Mai Động (bãi đỗ xe Đền Lừ).

Tuyến buýt số 47 gồm nhánh tuyến 47A: Long Biên - Bát Tràng và nhánh tuyến 47B: Đại học Kinh tế quốc dân - Kiêu Kỵ; có cự ly 17,5 km, với 7 xe buýt điện, thực hiện 96 lượt xe/ngày; giãn cách chạy xe 20-25 phút/lượt.

xe_buyt-le-khanh6.jpg
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh trải nghiệm trên xe buýt điện.

Ông Thái Hồ Phương - Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông TP Hà Nội cho biết: "Hà Nội là địa phương đầu tiên trên cả nước có 3 loại hình xe buýt điện lớn, vừa và nhỏ. Sau khi đưa vào vận hành, chúng tôi sẽ ngay lập tức tiến hành hoàn thành đơn giá cho các loại hình xe buýt này để làm cơ sở xây dựng đơn giá đấu thầu".

Cũng theo ông Thái Hồ Phương, lộ trình chuyển đổi sẽ được chia làm 2 giai đoạn. Ở giai đoạn 1, từ 2025 đến 2030, Hà Nội phấn đấu thay thế 70% phương tiện hoạt động bằng năng lượng điện. Giai đoạn 2 đến 2035, 100% phương tiện xe buýt sẽ vận hành bằng điện.

"Chúng tôi cũng đang tham mưu với Sở GTVT về một số cơ chế khuyến khích đầu tư sử dụng phương tiện xanh và cơ chế lãi xuất dành cho đơn vị chuyển đổi phương tiện xanh", ông Phương cho biết thêm.

Lê Khánh